Cách đây 80 năm, ngày 4/10/1936, việc xây dựng đường sắt lúc đó có tên là “xuyên Đông Dương” cuối cùng đã nối ray Hảo Sơn cách Hà Nội 1.221km và cách Sài Gòn 509km: con đường sắt dài nhất của Pháp đã hoàn thành (1). Dự án đường sắt hoành tráng ít biết ở Sài Gòn trước 1975 Tuyến đường sắt đưa cao su về Sài Gòn của người Pháp Tàu ngoại ô nhắc nhớ xa xưa tàu chợ. Trong hình: Ga Bình Triệu một thời được tạm dùng làm ga hành khách, khiến hàng quán mọc lên tấp nập. Lúc những bức tường này còn chưa được xây. Ảnh: TL Tại Hảo Sơn, xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, người ta đã dựng một bia kỷ niệm, nhưng chiến tranh đã “nuốt” mất bia này. Từ đó cho đến khi sập cầu Ghềnh là 80 năm. Việc xây dựng khu đoạn phía Nam bắt đầu ở công trường Biên Hoà năm 1902, từ đây người Pháp cho xây dựng đến Nha Trang, Phú Yên. Tuy là kế hoạch của Paul Doumer, nhưng con đường vẽ lại dọc biển để tránh chiến tranh lại là của Albert Sarraut. Người Việt có lẽ “biết mùi” tàu lửa Bắc Nam từ đấy. Nhưng ít nhất phải đến cuối năm 1975, người dân mới ấn tượng nhất với đường sắt qua những chuyến “tàu chợ”. Ngăn sông cấm chợ khiến cho những chuyến tàu chợ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Và ga Biên Hoà là trạm quản lý thị trường khắc nghiệt nhất trước khi hàng hoá được buôn vào đến ga Bình Triệu. Tại đây khi các nhân viên lên tàu kiểm tra, những người đi buôn chuyến đã mở bao đổ tất cả hàng hoá ra sàn những toa tàu hàng – chỉ có hai hàng ghế ngồi hai bên hông toa. Nào là than, đậu xanh, gạo. Đó là biện pháp đối phó “kỳ công” để hàng không bị tịch thu. Bụi than xông lên mù mịt. Hành khách ngồi ở toa này dường như thông cảm cho người đi buôn, chỉ biết bịt mũi chịu đựng trước ý tưởng đầy “sáng tạo” của họ. Khi tàu bắt đầu lăn bánh chạy tiếp, quản lý thị trường đã lui bóng, hàng hoá bắt đầu được hốt vô bao trở lại. Một lần nữa bụi than lại xốc lên… Cửa ải cuối cùng của những bao hàng hoá không lấy gì làm nhiều nhỏi của những người buôn chuyến là ga Bình Triệu – ga hành khách chính của Sài Gòn, trong khi chờ ga Hoà Hưng sửa chữa nâng cấp thành ga hành khách Sài Gòn. Tàu vừa qua cây cầu trước khi vào ga Bình Triệu, một ai đó đạp ống hơi thắng khiến đoàn tàu trườn chậm lại rồi ngừng hẳn. Tất cả hàng hoá được xuống dọc theo đoạn đường này trước khi tàu nối được ống hơi để chạy trở lại. Cảnh người xuống hàng thật tất bật. Nhiều người khách không mua vé, đi lậu cũng xuống tàu tại đây. Có một lần tôi cùng má vào Sài Gòn có việc, đi lậu không vé, tôi đã nắm tay bà bước sẵn ra sát cửa trước khi tàu bị đạp ống hơi. Và thế là ôm ngang hông bà nhảy xuống như những người khác, để kịp làm “con mắm” trên một chuyến xe buýt – xe buýt thời huy hoàng đông nghẹt khách – vào chợ Bến Thành. Thuở đó ga hành khách Bình Triệu hàng quán mọc lên đông đúc. Quán nước, quán ăn chen nhau san sát trên con đường mà người ta viết sai cái tên ông kỹ sư, cựu đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn của chính phủ Trần Trọng Kim, sau làm bộ trưởng bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kha Vạng Cân thành Kha Vạn Cân. Tình trạng sai lâu thành đúng không có gì lạ ở xứ này. Giựt dọc náo loạn một thời. Hành khách ngồi gần cửa sổ, thiếu đề phòng, dễ bị giựt kính mát, đồng hồ. Tàu chợ một thời trở thành phương tiện phổ thông, nhất là khá an toàn cho những người đi buôn chuyến chặng ngắn, vì tàu dừng ở tất cả các ga lớn nhỏ từ Sài Gòn cho tới Tuy Hoà. Bây giờ, sau khi cầu Ghềnh bị sập, đứt đường ga Sài Gòn – Biên Hoà, “tàu chợ” ngoại ô được phục hồi trở lại. Hành khách tình cờ đông lên. Những người muốn ra khỏi thành phố nhanh nhất, chỉ cần lên tàu ngoại ô. Trong số những người ấy, có lẽ không hiếm những người lớn tuổi, nhiều kỷ niệm, muốn tìm lại cái không khí tàu chợ một thời bụi bặm, ồn ào, mệt mỏi, nhưng lại có đông đúc đội quân bán hàng rong “chưa được quy hoạch” đi theo tàu, phục vụ hành khách đến tận răng, từ ly trà đá cho tới dĩa cơm. Kể cả cảnh cướp giật ngay trên tàu, cảnh rượt đuổi của công an đường sắt. Một thời mui tàu đầy nhóc những người đi xe lậu, không mua vé… Theo Thế Giới Tiếp Thị