Nghề kéo dây ở Sài Gòn


Nghề kéo dây ở Sài Gòn 3

Từ mấy chục năm qua, khoảng 40-50 chục hộ dân, chủ yếu là người nghèo ở dưới miệt An Giang, Đồng Tháp… lên ngụ cư ở gần khu dân cư Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc, Bình Tân, TP.HCM) để làm nghề kéo dây thuê.

Cái nghề này, nhìn thì rất đơn giản bởi những người nông dân chỉ cần nhận những bó sợi vải, sợi dây ni-lông của chủ hàng là các công ty rồi căng lại cho thẳng, sau đó xe thành các cuộn nhỏ, tùy theo kích thước khách hàng đặt. Mặc dù vậy, chỉ khi chứng kiến họ làm việc dưới cái nắng nóng và trên bãi cỏ hoang, mới thấy hết sự vất vả, cực nhọc của cái nghề này bởi 1 ngày, có khi họ phải chạy quãng đường lên đến 40 cây số chứ không ít hơn.

Nghề kéo dây ở Sài Gòn 1

Một ngày bắt đầu chạy từ 7 giờ sáng, cho tới tận tối mịt. Dây được kéo dài khoảng chừng 200 đến 250 mét mỗi lần.

Ngồi cùng chúng tôi bên cạnh một chiếc guồng máy với 10 mũi kim chuốt dây đặt song song như hàm răng lược, anh Nguyễn Văn Thảo, 36 tuổi, quê ở Tri Tôn (An Giang) cười cho biết: Làm việc này tuy không khó nhưng lại khá cơ cực, đòi hỏi phải chăm chỉ. Theo đó, anh nhận những cuộn dây lớn về, rồi chuốt lại, se thành những cuộn nhỏ theo đơn đặt hàng của khách, lấy công mà thôi. Mỗi ký dây hoàn thành được tiền công là 4.000 đến 5.000 đồng tùy theo kích cỡ dây. Nếu sợi nhỏ, một ký lô có khi dài tới cả hơn cây số cũng lên.

Cũng theo anh Thảo, việc se dây này phải có ít nhất là 2 người, như gia đình anh là cả hai vợ chồng làm. Khi anh ngồi ở máy quay điều khiển cho sợi chạy đều thì vợ anh – chị Thu đang cầm một thanh gỗ có gắn những mũi kim chạy dọc theo những thanh cọc gỗ đóng cố định xuống đất, trên bãi cỏ này. Mỗi lần chạy như thế, khi tới một cái cọc gỗ, chị lại dừng lại, đặt thanh dây vào khớp để chúng không bị rối. Cứ thế, chị chạy chừng 200 mét thì bắt đầu quanh lại. Sau đó, đến công việc của anh Thảo se dây theo như dự tính.

Nghề kéo dây ở Sài Gòn 2

Mỗi lần chuốt dây như vậy, ngoài một người điều khiển chiếc máy quay, một người còn phải đứng để kiểm tra những đầu cọc đóng sẵn, đề phòng dây bị rối, bị đứt hay chồng chéo lên nhau.

Khi đã quay lại, ngồi xếp cuộn dây tiếp theo chuẩn bị chạy, chị Thu nhìn chúng tôi cười, nói: Ở đây, ngày nắng cũng như ngày mưa, hai vợ chồng cứ thay nhau ôm cuộn dây chạy rồi lại chuốt. Mỗi ngày, nếu chạy nhanh thì có khi chuốt được khoảng 40 ký, kiếm được chừng gần 200.000 đồng. Tuy nhiên, nếu chạy không cẩn thận, làm dây bị xoắn, bị rối phải gỡ ra, hao hụt đi thì công ty sẽ bắt đền, trừ vào tiền công.

Nghề kéo dây ở Sài Gòn 3

Để kiểm soát hàng chục sợi dây nhợ mỏng mảnh, căng dài tới vài trăm mét là một việc làm cực nhọc, khó khăn, đôi khi cần phải có cả sự tinh tế, cẩn thận.

Nghề kéo dây ở Sài Gòn 4

Nghe chị nói, nhìn bóng người phụ nữ thấp đậm ôm cuộn dây chạy dọc theo hàng cọc trên bãi cỏ hoang với đôi chân trần mà chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Không biết, trong cuộc chạy vất vả mưu sinh kia, bao giờ thì vợ chồng chị mới về tới đích?

Theo Dân Việt


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: