Niềm đam mê của phóng viên nữ


Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, báo chí đóng vai trò quan trọng. Nghề báo là nghề nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp cao…

Nghĩ về nghề báo!

“Đặc sản” của báo chí Sài Gòn xưa

Nhà báo Thanh Bình (PV Tạp chí Người Làm Báo) phỏng vấn tại đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.B

Nhà báo Thanh Bình (PV Tạp chí Người Làm Báo) phỏng vấn tại đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.B

Trải qua 9 năm trong nghề, tôi hiểu rằng, người làm báo, nhất là phụ nữ, tất cả đều hiểu được thuận lợi vất vả, khó khăn và nguy hiểm của nghề. Đặc biệt, những chuyến đi xa đến hiện trường các vụ tai nạn, cháy nổ và các vùng bão lũ… Tuy nhiên, những vất vả, gian nan đó không làm cho phóng viên nữ chúng tôi chùn bước, trái lại, làm chúng tôi thêm hăng hái, bởi không đi là không thể có bài viết hay, phóng sự hay. Khi đã chọn nghề báo, phụ nữ chúng tôi đều có tâm huyết với nghề. Với ưu thế và trách nhiệm của mình, chúng tôi đã không ngừng học hỏi, tận tâm và đã làm nên nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng có lẽ giải thưởng lớn nhất là những tác phẩm có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội. Nếu không yêu nghề, đam mê với nghề, phụ nữ chúng tôi sẽ không thể ngao du mãi trong vinh quang của người làm báo.

Người phụ nữ bước vào nghề báo đòi hỏi phải có niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề

Mặc dù trên vai nặng gánh việc gia đình, song niềm yêu nghề, đam mê cầm bút là động lực để phóng viên nữ chúng tôi lao động sáng tạo miệt mài, cần mẫn tìm cảm hứng.

Theo nghề làm báo, chúng tôi hiểu rằng, gia đình mình sẽ có những thiệt thòi nhất định. Chọn nghề báo, chúng tôi phải giải quyết hài hòa giữa công việc và gia đình. Bản thân chúng tôi luôn trăn trở vì mình không làm được hết những trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ trong gia đình.

Phụ nữ làm báo có lợi thế hơn nam giới nhờ sự dịu dàng, cởi mở, tình cảm… Các tố chất đó rất dễ thâm nhập vào thực tế, cảm nhận cuộc sống và nhạy cảm với các vấn đề đang xảy ra; rất dễ dẫn dắt nhân vật vào câu chuyện để khai thác thông tin, thậm chí những thông tin nhạy cảm nhất.

Nghề báo cũng cho chúng tôi hiểu thêm về nhiều lĩnh vực khác nhau, trau dồi khả năng về giao tiếp và ứng xử trong cuộc sống. Vì thế, dù có nhiều khó khăn phía trước nhưng chúng tôi luôn thấy tự hào vì đã chọn và làm đúng công việc mình yêu thích. Nghề báo khiến chúng tôi thêm thực tế khi nhìn nhận bản thân, nhìn nhận cuộc sống xung quanh. Chị em chúng tôi luôn nhắc nhở nhau: Luôn luôn lắng nghe từ đồng nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ các bậc đàn anh, đàn chị đi trước; rèn giũa bản thân, không ngừng tìm tòi, khám phá để bổ sung kiến thức, nâng cao nghiệp vụ báo chí và phẩm chất đạo đức của người làm báo, không vấp ngã trước những cám dỗ của cuộc sống để luôn giữ “tâm sáng, bút sắc”.

PHÓNG VIÊN TRƯƠNG PHƯƠNG ĐÀI:
Nghề báo cho tôi nhiều thói quen tốt cho công việc và cuộc sống cá nhân

Nhớ về những ngày đầu tiên làm báo, tất cả những gì tôi có lúc đó chỉ là tuổi trẻ xông xáo. Sau những lần tác nghiệp đầu tiên, tôi nhận ra đó vừa là thế mạnh nhưng cũng đồng thời là hạn chế của tôi. Bởi nghề báo không chỉ đòi hỏi sự năng động mà còn phải có kiến thức sâu rộng về bất cứ đề tài nào mình tiếp cận. Hơn nữa, thực tế không trùng khớp hoàn toàn với những gì tôi đã học được từ sách vở. Điều này buộc tôi phải có tư duy linh hoạt để “lèo lái”, vượt qua những tình huống khó xử khi tác nghiệp ở hiện trường hoặc lúc tiếp xúc với nhân vật.
Ngày qua ngày, nghề báo giúp tôi nhận ra nhiều điều mà nếu không trải nghiệm, sẽ không thể nào biết hoặc thấu hiểu sâu sắc. Đó là những chuyến đi, những lần đồng cảm với nỗi bất hạnh của nhân vật hoặc phẫn nộ với tội ác, với sai phạm hoặc tự hào về những điều mà nhân vật của mình đã cống hiến cho xã hội.
Cũng vì công việc đòi hỏi nên tôi dần dần luyện tập cho mình tư duy đa chiều. Khi tiếp nhận một thông tin nào đó, tôi không vội vàng kết luận mà luôn có thói quen suy xét ở nhiều khía cạnh. Bạn sẽ nhận ra đây là một thói quen tốt, không chỉ cho công việc mà còn cho cả cuộc sống cá nhân. Nếu phải dùng hai từ để nói về công việc của mình đang làm, tôi sẽ dùng từ “thú vị”. Bởi nó vừa chứa đựng nhiều thử thách vừa mang đến cho mình cảm giác của một người chiến thắng sau mỗi lần hoàn thành đề tài nào đó mà mình theo đuổi. Tôi luôn thấy bản thân mình mới mẻ và tràn đầy năng lượng sống bởi hằng ngày tôi cũng có cơ hội tiếp cận với dòng chảy thông tin, với nhịp sống xã hội rồi từ đó ngẫm nghĩ, tìm hướng mới để triển khai đề tài, xây dựng bài viết.

CTV NGUYỄN THỊ HOÀI NHI:
“Gói ghém” cả thế giới vào sổ tay của mình

Tôi chập chững những bước đầu tiên vào nghề bằng những mẩu tin, bài viết về những sự việc diễn ra xung quanh cuộc sống của mình rồi gửi nhiều tờ báo nhưng không nơi nào đăng bài của tôi cả. Dù có đôi chút thất vọng nhưng nhiệt huyết trong tôi vẫn còn. Tôi thay đổi “chiến lược”! Chủ động làm quen với nhiều anh chị trong nghề để học hỏi cách tác nghiệp.
Cũng từ đó, tôi nhận ra rằng, vấn đề của tôi nằm ở sự kết nối giữa bài viết của mình với độc giả. Một bài báo chất lượng không chỉ dừng lại ở việc “thấy và viết” bởi những gì bạn thấy được thì người khác cũng thấy được! Nghề báo dạy tôi phải luôn phải “hỏi, hỏi và hỏi” để tìm được cái “độc và lạ” ở những đề tài vốn dĩ đã quá quen thuộc. Nghề báo không chỉ cho tôi thỏa chí “đi và viết” mà còn biết cách “cảm và yêu”. Tôi cảm nhận rõ hơn về những điều đi ngang cuộc đời mình để rồi yêu hơn những dư vị đó. Tất thảy mọi điều tôi hình thành cho mình thói quen “gói ghém cả thế giới vào sổ tay của mình” từng ngày.

Theo nguoilambao


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: