Trẻ con ngày xưa ở Sài Gòn không thể nào quên niềm vui mỗi khi tiếng trống tan trường vang lên, vì đó là lúc bọn trẻ sẽ được chạy ùa ra cổng, dáo dác kiếm tìm một người vô cùng quan trọng: Ông già bán kẹo chỉ. Tất nhiên, ông già bán kẹo chỉ ngày xưa đâu chỉ đứng một mình trước cổng các trường tiểu học. Ông đứng đó cùng với bác bán tà hũ nóng, anh bán kẹo kéo, cô bán kem chuối, sirô, bánh tráng kẹo… và rất nhiều những người khác cùng có mặt trong thế giới ẩm thực tuổi thơ giản dị của chúng ta đó. Nhưng rồi theo thời gian, những tiếng rao “Ai kẹo chỉ hôn?” hay “Kẹo kéo đây…” cũng dần biến mất ở Sài Gòn. Và có một lứa các em học sinh sẽ chẳng biết được hình thù của thanh kẹo kéo bự như cái gốc cây mà khi kéo ra lại nhỏ như cây bút chì, hoặc những cuộn kẹo chỉ ngọt lịm được phủ lớp bột trắng xóa ăn vào là thích ngất ngây như thế nào đâu. Đã từng có một món ăn vặt mang tên kẹo chỉ gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ đứa trẻ Sài Gòn nào trong những năm 80 về sau. Trải qua 40 năm, thế giới ăn vặt của trẻ con cũng dần đổi khác, trước cổng trường giờ chỉ là những xe trà sữa, kem tươi, bánh tráng trộn. Phải có ít nhất 5 nghìn trong túi, một đứa trẻ mới có thể được ăn hàng trước cổng. Vậy mà hôm na, khi tình cờ đi ngang trường tiểu học Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp), tôi lại bất ngờ khi thấy những bé trai, bé gái ve vẩy từng tờ tiền 1 nghìn, 2 nghìn trên tay, chờ mua kẹo chỉ. Và ông lão đang kéo kéo, cuộn cuộn để cho ra từng búi chỉ ấy không ai khác chính là ông Nguyễn Văn Cô – “ông già kẹo chỉ” từng gắn liền với tuổi thơ của những học sinh trường Kim Đồng, Quang Trung, Gò Vấp… Bạn có nhớ chiếc hộp gỗ kẹo chỉ này không, bên trái là trò chơi mà nếu bạn chiến thắng thì sẽ được tặng thêm một phần kẹo chỉ miễn phí nữa. Đã mười mấy năm trôi qua, ông Cô vẫn đứng đó, với chiếc xe đạp cũ kỹ và hộp gỗ “đồ nghề” phía sau yên xe, vẫn là tờ giấy ghi những dòng chữ bằng bút bi được dán bên trong hộp gỗ: “Kẹo chỉ – Kẹo cây. Đặc biệt thơm ngon. Ăn thử, ngon thì mua”. Mua kẹo chỉ của ông Cô, giá nào ông cũng bán, học sinh có tiền ít thì ăn ít, nhiều thì ăn nhiều, kẹo chỉ của ông vẫn ngon ngọt và mùi vị đặc biệt như năm xưa, nên lúc nào cũng đông đúc học sinh vây quanh. Ông Cô đã bán kẹo chỉ ở Sài Gòn được 40 năm và vẫn giữ nguyên mức giá như xưa. Nhưng kẹo chỉ là cái gì nhỉ? Kẹo chỉ tức là kẹo có hình thù như… chỉ, mà không phải một sợi đâu, cả búi chỉ luôn cơ! Cách tạo ra kẹo chỉ cũng giống như kẹo kéo vậy, cũng từ một thanh kẹo khổng lồ như khúc cây ấy, ông sẽ dùng tay kéo nhỏ ra thành một đoạn dài tầm 20cm. Nếu kẹo kéo thì công đoạn ấy coi như xong, bạn sẽ cầm thanh kẹo có nhồi đậu phộng bên trong mà cắn đến ê răng thì thôi. Còn kẹo chỉ thì sau khi kéo ra, ông Cô phải dùng tay cuộn tròn nó lại, lăn vào khay bột năng rồi vừa quấn, vừa kéo dãn, rồi lại xoắn nhanh thoăn thoắt khoảng 5,6 lần như thế và tèng teng ngạc nhiên chưa, ông vẫy nhẹ cái cuộn chỉ trong tay ấy một phát, mớ kẹo trên tay ông sẽ xổ ra một búi chỉ y như… hủ tiếu. Vi diệu cực kỳ luôn! Đầu tiên, ông kéo từ thanh kẹo dài ra một đoạn kẹo nhỏ… … quấn mấy vòng vào tay. Cho vào khay bột năng rồi cuộn tròn, kéo dãn, và rồi a lê hấp! nó lại thành một búi chỉ thơm ngon. Vậy cái khối kẹo to tầm hơn một ký kia được làm ra như thế nào, chả nhẽ chỉ có đường thôi ư. Ông Cô bật mí nè: “Nấu được thanh kẹo như thế này không phải ai cũng làm cho ngon được, kẹo này làm từ đường, sữa, chanh, bơ và cả phô mai nữa. Mà đường thì nhất định phải chọn đường sạch, loại đắt tiền cũng được nhưng khi nấu xong không được ngả vàng, phải trắng tinh, thơm ngon như thế này thì tôi mới bán. Ngày xưa có người chỉ chỗ mua đường rẻ, tôi về nấu liền ba mẻ, ai dè đường “dỏm”, nấu ra vàng khè, tôi bỏ hết chứ không bán!” “Ăn kẹo chỉ thử hôn bây? Ngon mua, dở khỏi mua!” – ông Cô “rao” kẹo như thế này đấy. Món kẹo chỉ sau này nhiều người biến tấu ăn cùng với bánh tráng ngọt, rắc thêm dừa nạo, đậu phộng… nhưng ông Cô vẫn chỉ bán kẹo chỉ là kẹo chỉ mà thôi. “Ăn với nhiều thứ quá, đâm ra mất vị. Vậy mà bán hàng chục năm qua, có nhiều học sinh lớn lên nhưng luôn nhớ đến kẹo chỉ của tôi, cũng tự hào lắm chứ!” Mặc cho mùa nắng nóng đến rát cả mặt ập xuống Sài Gòn, ông Cô vẫn đều đặn có mặt vào những giờ tan trường ở các trường tiểu học, chỉ để đem đến cho đám trẻ hương vị ngọt ngào tự tay ông nấu bên cạnh những món ăn vặt ngoại nhập đang bao vây cổng trường. Ông Cô kể, có hôm ông đang đạp xe thì một học sinh cấp 3 trường Nguyễn Trung Trực bỗng chạy song song đến bên ông, rồi cười toe, hỏi: “Ông ơi, ông vẫn còn bán kẹo chỉ à. Con ngày xưa học Kim Đồng hay ăn kẹo chỉ của ông lắm, mà chắc ông đâu còn nhớ tụi con ha!”. Ông Cô nói, nhiều cuộc gặp gỡ dễ thương như vậy khiến ông không nghĩ đến chuyện bỏ nghề được, một phần vì ông yêu bọn trẻ. Trẻ con mà, món ăn hàng nào ngọt ngọt, bùi bùi, thì đứa nào mà chả thích. Nhưng điều mà đám trẻ ấy dù có lớn thêm bao nhiêu năm nữa, vẫn sẽ nhớ mãi ông già kẹo chỉ trong tuổi thơ của bọn chúng, chính là cái khoảnh khắc được nhìn ông hí hoáy từ trong hộp gỗ rồi lôi ra một búi kẹo chỉ trắng tinh ngọt lịm ấy, rồi bọn trẻ nhâm nhi từng vị ngọt của kẹo và trò chuyện với ông, nghe ông kể chuyện đi bán chỗ này chỗ kia thế nào, mà thấy vui như nghe truyện cổ tích ấy! Ông bán kẹo chỉ từ năm 1958 cho những người lính ngày xưa và bắt đầu bán cho học sinh từ năm 1976 đến nay. Ông Cô đã 77 tuổi, có nhiều con cháu nhưng ai cũng vất vả mưu sinh nên ông phải tự nuôi thân, và nhờ hộp kẹo chỉ này, ông mới có tiền lo cho người vợ đang đau ốm ở nhà của mình. Ông kể: “Già rồi chứ tôi khỏe lắm, đó giờ không có ốm đau gì hết, chỉ riêng một lần phải nhập viện do đang đi bộ thì bị người ta tông rồi kéo lê mình đến chấn thương đầu, may mà trời thương nên không sao. Tôi bán đến trưa thì đạp xe về ăn cơm với bà, chiều bọn nhỏ tan học thì lại đạp xe ra đây bán tiếp”. Không bán cố định quá lâu ở một trường tiểu học nào, ông Cô đạp xe rong ruổi từ trường này qua trường khác, rồi lại vòng trở lại những ngôi trường đã lâu không ghé. Nhiều học sinh thấy ông lâu quá không ghé, vừa buồn vừa nhớ, có đứa thấy ông từ xa đã vội tíu tít chạy lại hỏi: “Mấy nay con không thấy ông, tưởng ông nghỉ luôn rồi”. Ông Cô lúc ấy vừa làm kẹo, vừa đáp: “Đi chỗ khác bán chứ nghỉ đâu mày. Tau mà nghỉ là ốm liền con, 77 tuổi rồi, ở nhà nghỉ là ốm liền!” “Ông già kẹo chỉ” lúc nào cũng đắt khách bởi sự gần gũi, dễ mến của mình. Trong lúc chờ học sinh tan trường, ông trò chuyện thân mật cùng những “bạn hàng” của mình. Có thể nói, ông Cô là người bán kẹo chỉ lâu năm nhất ở Sài Gòn, và là một trong những người bán kẹo chỉ cuối cùng ở thành phố phồn hoa này. Rồi sẽ đến một ngày, người ta cũng chẳng còn biết đến một món ăn có tên gọi là kẹo chỉ, bởi đến nay, nó dần trở thành món lạc hậu bên cạnh những món kẹo Hàn, kẹo Mỹ, những món ăn được chế biến kỳ công, đẹp mắt hơn là một búi chỉ bùi nhùi của ông già đầu bạc. Nhưng như những gì ông Cô đã nói, như một lời tự hứa với lòng, khi nào còn khỏe, còn sức để nấu đường, nếu kẹo, ông vẫn sẽ nấu và mang đến cho những đứa trẻ một món ăn để khi ai nhắc đến kẹo chỉ, đám trẻ lớn tồng ngồng vẫn sẽ nhớ rằng: À, mình đã có một tuổi thơ với “ông già kẹo chỉ” như thế! Theo Quỳnh Trân / Trí Thức Trẻ