“Ông vua” bắt rắn độc bằng tay không ở Sài Gòn


Người ta gọi ông là “vua rắn” bởi gần 20 năm qua ông mưu sinh bằng nghề bắt rắn.

19 năm mưu sinh bằng nghề săn rắn độc

Một ngày cuối tháng 12, chúng tôi tìm đến ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi để tìm gặp ông Nguyễn Văn Dũng (51 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi) người suốt 19 năm nay mưu sinh bằng nghề săn rắn độc ở Sài Gòn.

bat-ran-bang-tay-ko-1

Ông Dũng trò chuyện với phóng viên

Nói về nghề bắt rắn của mình, ông Dũng cho hay, ông bắt đầu làm nghề này từ những năm 90, tính đến nay cũng đã 19 – 20 năm sống bằng nghề bắt rắn. Theo ông Dũng lúc đầu ông chỉ đi học lỏm người ta cách bắt rắn rồi về bắt cho vui. Tuy nhiên, sau này thấy đây là nghề cho thu nhập cũng khá nên ông quyết tâm bám nghề cho đến nay. Hiện tại ông là một trong những người có “thâm niên” bắt rắn lâu nhất ở vùng đất Củ Chi và kể cả ở Sài Gòn.

Cũng theo chia sẻ của ông Dũng, khi mới vào nghề thì ông liên tục bị rắn chạm ( ý nói rắn cắn – PV). Tuy nhiên, may mắn là ông chỉ bị rắn không độc cắn chứ chưa bị rắn độc cắn lần nào. “Tôi nhớ hồi mới vào nghề được mấy tháng thì tôi bị một con rắn cắn đúng vào mí mắt, may mắn đó không phải là rắn độc với lại nó chỉ cắn ngoài mí chứ không trúng mắt nên cũng không nguy hiểm đến tính mạng”, ông chia sẻ.

bat-ran-bang-tay-ko-2

Hiện tại ông Dũng vẫn đang mưu sinh bằng nghề săn rắn độc rất nguy hiểm

Trong suốt gần 20 năm làm nghề bắt rắn, ông Dũng đã nhận hàng chục “đệ tử” đến học nghề. Có người học xong rồi về mưu sinh hẳn bằng nghề này, nhưng cũng có người đi làm một vài năm thì bị rắn cắn nên sợ quá bỏ hẳn nghề đi làm công việc khác. Về phần ông Dũng, trong những năm gần đây ông cũng có ý định bỏ nghề săn bắt rắn, nhưng vì bỏ nghề rồi không biết làm việc gì khác nên ông vẫn bám nghề.

Ông Dũng cho hay: “Cái tên “vua rắn” là người dân ở đây gọi vui với tôi thôi, chứ tôi cũng bắt rắn để mưu sinh như bao nhiêu người khác chứ có gì đặc biệt đâu. Bây giờ chính quyền không cho săn rắn quý hiếm nên mình chỉ bắt mấy loại rắn không cấm thôi, thời gian rảnh tôi làm nghề bắt chuột, nghề nào cũng có thu nhập cả”.

Kỹ nghệ bắt rắn độc bằng tay không

Ngoài bắt các loại rắn trong hang thì thỉnh thoảng có người còn đặt hàng ông Dũng bắt cả rắn lục đuôi đỏ để làm thuốc. Ông Dũng cho biết, đối với rắn lục đuôi đỏ đang bò hay ở trên cây thì khi tiếp xúc ông có thể dùng tay không chụp trúng vị trí sát đầu con rắn và tóm gọn loài rắn độc này mà không cần dùng đến bất cứ đồ vật hỗ trợ nào. “Rắn lục rất chậm chạp vào ban ngày, chỉ cần quen và động tác dứt khoát là mình chụp trúng ở vị trí gần đầu bắt sống nó liền. Tuy nhiên, tôi rất ít bắt rắn lục đuôi đỏ vì người ta mua chỉ 20 nghìn đồng/1con. Khi đặt hàng trước tôi mới bắt cho họ”, ông Dũng chia sẻ.

Theo chia sẻ của ông Dũng, từ khi vào nghề bắt rắn mỗi tháng ông bị rắn cắn hàng trăm lần. Tuy nhiên, ông chỉ “cho” một số loài rắn không có độc cắn mình, đối với rắn độc thì ông tuyệt đối rất cẩn thận không bao giờ sơ hở để bị cắn. ông Dũng chia sẻ: “Cái cốt yếu là mình phải điểm mặt chính xác tất cả các loài rắn và nắm rõ đặc tính của từng loài rắn, đây là điều quan trọng nhất. Khi gặp rắn không độc thì mình dùng tay bắt cho chúng cắn bình thường, nhưng gặp rắn độc thì phải dùng chiêu bắt khác, tùy theo đặc tính của mỗi loài mà mình có cách bắt riêng chứ không chỉ dùng một cách bắt thì sẽ rất nguy hiểm”.

Nguồn: Phước Sơn


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: