Nhiều xe ôm công nghệ ở TP.HCM còn ngại ngần chở khách


Dù giá cước tốt hơn so với trước dịch, một số tài xế đang chần chừ với việc chở khách trong những ngày đầu dịch vụ xe ôm công nghệ hoạt động lại.

Cơn mưa lớn giữa buổi trưa khiến anh Huy (25 tuổi) và nhiều tài xế công nghệ, shipper phải tấp xe lên vỉa hè đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) trú tạm.

Hầu hết đều tắt ứng dụng để ăn cơm trưa mang theo hoặc ngả lưng, chợp mắt ngay trên yên xe.

“Sáng giờ chạy cũng nhiều lắm nhưng chủ yếu là giao thức ăn. Còn chở người thì đúng được một cuốc”, anh Huy nói với Zing.

Sau ngày 17/11, xe ôm công nghệ tại TP.HCM được hoạt động trở lại. Hành khách và tài xế phải tuân thủ 5K, đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine sau 14 ngày và khuyến khích dùng phương thức thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, cả tài xế và khách hàng vẫn khá e ngại khi sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ.


Xe ôm công nghệ ở TP.HCM hoạt động trở lại. Ảnh: Duy Hiệu.

Tài xế chưa mặn mà

Với cuốc xe ôm hơn 9 km từ quận Gò Vấp sang khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 5), anh Huy nhận được 53.000 đồng.

Dù giá cước tốt hơn so với trước dịch, tài xế cho biết anh không quá mặn mà với việc chở khách vào thời điểm này.

“Nói thật thì chạy giao hàng, thức ăn vẫn ổn và an toàn hơn. Dịch bệnh chưa hết mà chở người thì phải tiếp xúc gần nên tôi cũng hơi sợ”, anh Huy nói.

Nếu chạy liên tục, không tắt ứng dụng, lái xe này nhận được trung bình 26-27 đơn hàng/ngày.

“Bây giờ người đặt xe ôm cũng chưa nhiều, lâu lâu mới có một cuốc. Nếu không an tâm chạy, tôi có thể từ chối. Nhưng hủy cuốc nhiều cũng không tốt. Công ty giao việc thì mình vẫn phải chạy, như vậy mới có đơn thường xuyên”.

Hiện tại, ông Hùng nhận được chưa đến 10 cuốc xe/ngày, bao gồm cả chở hàng, giao thức ăn và chở khách.

Đứng cách anh Huy vài mét, ông Hùng (52 tuổi, ngụ ở quận 12) đang xem tin tức trong khi chờ trời ngớt mưa để tiếp tục nhận đơn, giao hàng.

“Sáng giờ tôi chạy được 3 cuốc xe đều chở hàng cả, không chở người vì chưa có ai đặt”, ông Hùng nói.

Tài xế cho biết trước dịch mỗi ngày ông nhận được gần 20 đơn hàng. Lúc đó, thu nhập ổn nên đủ lo cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, từ ngày dịch bệnh, mỗi ngày ông chỉ nhận được 6-7 cuốc xe. Vài ngày trở lại đây, dịch vụ xe ôm công nghệ được hoạt động trở lại nên có thêm 1-2 khách/ngày.

“Giống như nhiều anh em tài xế khác, tôi phấn khởi khi xe ôm được chạy lại, nhưng cũng lo lắng cho an toàn của bản thân, gia đình trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện tại”.

Ông Hùng không ngại giao hàng, thức ăn đi xa, nhưng nếu chở người sẽ cân nhắc việc hủy cuốc.

“Tiền chở khách hay chở hàng giống nhau cả thôi. Nhưng chở hàng thì tôi chủ động phòng tránh tốt hơn, ít tiếp xúc khoảng cách gần. Còn chở khách, tôi không chắc khách đã tiêm hay chưa, mắc hay khỏi bệnh như thế nào”.

Dù vậy, nếu có khách đặt xe ôm, ông Hùng cũng không dám từ chối nhiều lần vì sợ sau này sẽ khó được ứng dụng ưu tiên giao đơn.

“Bây giờ, mỗi khi chở khách, tôi sẽ hỏi cặn kẽ về thẻ xanh, giấy chứng nhận F0 hồi phục, bản thân tự trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn đầy đủ. Tôi phải cẩn trọng hơn vì gia đình còn có người già, trẻ nhỏ”, ông Hùng nói.

Khách còn e ngại

Hơn 13h30, anh Hà Hùng (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) dựng xe ngồi nghỉ trước quán cà phê đã đóng cửa trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) trong lúc chờ có đơn.

Sáng hôm nay anh mới bật tác vụ nhận chở người. Tuy nhiên, chờ hết buổi sáng anh vẫn không nhận được cuốc xe ôm nào, chỉ có đơn giao hàng và đồ ăn.

“Giao diện của app bây giờ có thay đổi nên nhiều người mới chạy chưa biết để bật thanh tác vụ nhận chở người. Thời gian này đã được gọi xe ôm song còn nhiều người e ngại lây nhiễm dịch bệnh nên số cuốc cũng rất hạn chế”, anh giải thích.

Bản thân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, anh vẫn lo ngại bởi ai cũng có khả năng nhiễm Covid-19. Anh nhận thấy khách hàng cũng rất ngại đặt đồ ăn hay gọi xe ôm trong thời gian này vì sợ nhiễm bệnh.

Trong buổi sáng, anh Hùng đã chạy được 10 đơn giao hàng và 2 đơn giao đồ ăn với giá cước dao động từ 15.000 đồng đến hơn 20.000 đồng. Anh chủ yếu hoạt động ở các quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 3.

Cuối tháng 6, khi thành phố phong tỏa, anh về quê Đắk Lắk để tránh dịch và mới quay lại TP.HCM cách đây 2 tuần.

“Từ khi chạy lại đến nay, thu nhập của tôi chỉ ở mức tạm đủ. Hiện tại, số tài xế hoạt động đã tăng lên nhưng số đơn vẫn còn ít nên thu nhập cũng không thể cao như trước. Mỗi ngày chạy 10-12 tiếng, tôi có thu nhập trung bình 400.000-600.000 đồng”.


Anh Hà Hùng chủ yếu chạy đơn giao hàng và đồ ăn vì không có người đặt xe ôm.

Tương tự, anh Văn (40 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) đã bắt đầu nhận chở người từ ngày 19/11. Nhưng suốt 2 ngày, anh chỉ nhận được vài cuốc xe ôm.

Anh nói do thu nhập từ đơn giao hàng và đồ ăn không đủ nên mới chở người, bởi hiện tại vẫn còn nhiều e ngại về chuyện lây nhiễm.

“Hai vợ chồng tôi phải lo hết chi phí sinh hoạt cho cả gia đình, gồm bố mẹ già và đứa con đang học cấp 2. Thời gian phong tỏa không có thu nhập nên bây giờ mình phải ‘cày’ thôi. Nhưng tôi cũng sợ vì chở người thì tiếp xúc nhiều, lỡ như lây bệnh về cho gia đình cũng khổ lắm, nên tôi cũng hạn chế chở người”, anh tâm sự.

Từ khi thành phố mở cửa, công việc của anh Văn thuận lợi hơn. Mỗi ngày, anh chạy khoảng 12 tiếng, thu nhập trung bình hơn 500.000 đồng.

Để đảm bảo an toàn, anh luôn mang theo chai xịt khử khuẩn và khẩu trang dự phòng, đeo kính chống giọt bắn. Mỗi lần chở khách hoặc giao đồ, anh đều cẩn thận khử khuẩn.

“Công việc của mình đặc thù như vậy rồi, không có cách nào tránh tuyệt đối được. Mấy ngày nay đọc tin tức thấy số ca nhiễm vẫn tăng, quanh nhà tôi cũng có thêm nhiều F0 rồi. Tuy nhiên, có sợ cũng không thể nằm im một chỗ mãi được, chỉ có thể cẩn thận thôi”.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: