Trải qua hơn 3.000 năm, quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi với nhiều thắng cảnh đẹp đã được Thủ tướng Chính phủ ký công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đầm nước ngọt An Khê sát bên làng cổ Gò Cỏ được ví là trái tim của di tích văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Minh Hoàng. Sáng 24/3, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Nằm cách TP Quảng Ngãi khoảng 45 km về phía nam, quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ) sát tuyến quốc lộ 1 và đường sắt Bắc – Nam. Quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh gồm 5 điểm, trải rộng trên diện tích 480 ha với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như đầm An Khê, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức, làng cổ Gò Cỏ, quần thể di tích Chăm pa gồm: Tháp Núi Một, tháp Gò Đá, cầu Đá, miếu Chăm Pa, bia ký Vũng Bàng, 12 giếng Chăm Pa… phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát Sa Huỳnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Minh Hoàng. Đầm nước ngọt An Khê được ví là trái tim của di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum. Từ khu mộ chum ở Sa Huỳnh, qua các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã liên tục phát hiện dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử và tìm thấy khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Quảng Ngãi được xem là “cái nôi” của Văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu. Năm 1936, nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani đã lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là Văn hóa Sa Huỳnh. Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay nói đến Văn hóa Sa Huỳnh, nhiều người nghĩ đến những khu mộ chum rộng lớn với các chum gốm to, nhỏ, cao được dùng để lưu giữ phần xác của con người khi về thế giới bên kia. Ngoài ra còn có những đồ trang sức bằng thủy tinh, mã não, những khuyên tai hai đầu thú, hạt cườm; những bình gốm con tiện, bát đồng, chậu, vò… Những đồ gốm này đều được trang trí hoa văn tinh xảo, độc đáo. Du khách tham quan quần thể mộ chum ở Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, Thị xã Đức Phổ. Ảnh: Minh Hoàng. Theo ông Tuấn, cùng với việc phát triển huyện đảo Lý Sơn thành Trung tâm Du lịch biển đảo quốc gia, trong tương lai gần địa phương sẽ kết nối với tuyến du lịch Sa Huỳnh theo loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm và từng bước phát triển du lịch Quảng Ngãi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Văn hóa Sa Huỳnh là Di sản Văn hóa thế giới. Đến nay, nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh đã đưa vào hoạt động, trưng bày và giới thiệu nhiều hiện vật, tư liệu quý đến du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, trong không gian Văn hóa Sa Huỳnh còn có làng cổ Gò Cỏ độc đáo. Làng cổ này có tảng đá khắc mười dòng chữ Chăm cổ (chữ Phạn) ở làng Gò Cỏ. Bên cạnh đó, làng cổ này vẫn còn lưu giữ các di tích đền thờ và 12 giếng cổ, con đường cổ của người Chăm Pa tồn tại cách nay hàng trăm năm và các phong tục tập quán mang nhiều đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước. Theo: Zing news