Sài Gòn tháng Tư xanh miền ký ức


(2SaiGon) – Tháng Tư  Sài Gòn ngoài cái nắng hanh hao đến từng hơi thở, trong tôi còn có một tháng Tư xanh miền ký ức.

Sài Gòn xưa với những con đường học trò rời rợi bóng me

Sài Gòn nhọc nhằn những tiếng rao

Sài Gòn mùa hoa Điệp vàng

images1060721-5thaibinh1-1461984215755-131-0-590-900-crop-1461991682419 - Copy

Tháng Tư. Sài Gòn giải phóng. Tôi đúng mười bảy tuổi. Hồi ấy, ngay góc đường Tổng Đốc Phương (bây giờ là Châu văn Liêm) Hồng Bàng, chỗ siêu thị xe máy Quang Phương bây giờ, là nhà hàng Thanh Đình, một trong những nhà hàng chuyên “bò bảy món” có tiếng của Chợ Lớn.

Cậu ruột tôi làm cai (quản lý) nhà hàng, trong tình thế đó cũng không biết đối phó cách nào đành quản lý anh em, trông coi nhà hàng giùm chủ (?). Nhà tôi ở quận tám, muốn sang bên này đô thị phải qua hai cây cầu, đường đi cách trở nên chúng tôi “tản cư” qua đây ở chung với cậu mợ trong nhà hàng.Tại đây, tôi đã chứng kiến giây phút lịch sử tháng Tư với tột độ hoang mang, lo sợ lẫn tò mò.

Sáng 30, lệnh ngừng chiến được phát ra. Con đường Hồng Bàng vắng ngắt, lạnh tanh trước đó, phút chốc trở nên nhốn nháo lạ thường. Tiếng còi hụ, tiếng la hét, tiếng đổ vỡ, tiếng súng đì đùng rải rác… tất cả dội vào lòng tôi nỗi hoang tàn, trống trải.

Chiến tranh buộc người ta không ai có thể đứng ngoài chiến sự. Mỗi người nhìn cuộc chiến theo cái cách của riêng mình nhưng tất cả đều có một mong ước chung là hòa bình. Tôi cũng vậy, cũng ao ước hòa bình.

Hình ảnh quân giải phóng tại thời điểm tháng 4/1975.

Một góc đường phố Sài Gòn  tháng 4/1975.

Lạ thay! Mười bảy tuổi, tôi tận mắt nhìn thấy chiến tranh kết thúc lại bằng sự liên tưởng vô cùng “kinh khiếp”. Lướt qua đầu tôi, trước tiên là hình ảnh anh bộ đội “bảy người đu một tàu đu đủ không gãy”. Liền đó là một hình ảnh còn “kinh dị” hơn, “con gái Sài Gòn sẽ bị bỏ vô bao bố cột miệng lại cho thương binh Việt cộng bắt thăm lấy về làm vợ”…Không biết tự khi nào và từ đâu, tôi đã nạp vào bộ nhớ của mình thứ thông tin khinh khủng như vậy

Nhưng quả thật, ngay thời khắc ấy, tôi đã nhìn thấy trước mặt tôi là một khoảng không mênh mông, mênh mông đến vô tận… Tôi xòe hai bàn tay, mân mê từng ngón thuôn mềm, nước mắt rớt dài men theo từng kẻ ngón.

Rồi chúng tôi cũng trở về nhà. Xóm nhỏ ngoại ô sau chiến tranh, bình yên và nguyện vẹn đến diệu kỳ. Cả cái đồn cảnh sát bên kia đường dường như cũng không có vẻ gì giống một nơi vừa đi qua cuộc chiến. Có khác chăng là tất cả rào chắn bằng dây kẽm gai quanh đồn đã được gỡ bỏ.

Ở đó, hiện diện những bóng áo xanh bộ đội với các giọng nói từ đủ mọi vùng miền. Những gương mặt không thể rạng rỡ hơn. Những đôi mắt không thể rực sáng hơn. Những nụ cười không thể hân hoan hơn. Những cử chỉ không thể thân thiện hơn… Tất cả gieo vào lòng tôi một nỗi “hoài nghi”.

Mặc dù 21h mới bắt đầu bắn pháo hoa chào mừng ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016) nhưng mới 18h, người dân đã nô nức đến các điểm bắn pháo hoa tầm cao chờ xem những màn pháo hoa đẹp mắt.

Người dân  nô nức  chờ xem bắn pháo hoa chào mừng ngày 30/4

Tôi mang theo nỗi “hoài nghi” ấy đi dự buổi họp thanh niên theo lệnh triệu tập của chính quyền quân quản. Lệnh họp, không ai dám vắng mặt. Người đông, ngồi xếp thành hàng chật cả sân trường. Điều khiển buổi họp là một anh bộ đội, dáng người cao liêu xiêu, làn da xanh tái nhưng giọng nói chắc khỏe, trầm ấm và rành mạch.

Anh tự giới thiệu tên là Lê Ngọc Vệ, được giao nhiệm vụ hướng dẫn thành lập Chi hội liên hiệp thanh niên tại địa bàn. Dưới sự quản trò của anh, chỉ sau ít phút, từ sự bỡ ngỡ, e dè và có phần sợ sệt, chúng tôi nhanh chóng trở nên hào hứng, sôi nổi, cuốn hút theo anh, theo những giai điệu hào hùng của các bài ca cách mạng được anh tập cho, mặc dù lúc ấy có lẽ chúng tôi không mấy ai cảm nhận được hết nội dung bài hát. Kết quả “không mong đợi”, trong số các anh chị em được đề cử vào ban chấp hành chi hội có tôi.

Nhìn xuống những “các đồng chí” ngồi bên dưới với đầy đủ mọi trình độ, mọi sắc thái, mọi giới tính… nghĩ mình từ ngày mai sẽ trở thành “thủ lĩnh” của họ,  tôi   rất lo lắng nhưng không dám từ chối vì sợ.

Trước khi kết thúc buổi họp, Vệ ôm cây guitar thùng vừa đánh đàn vừa hát bài Tình ca của Hoàng Việt. Anh bảo “để các bạn thấy rằng “cách mạng” không khô khan tình cảm như mọi người hay nghĩ. Chúng tôi cũng yêu, yêu tha thiết, quyết liệt…”.

Bài hát toát lên một giai điệu hào sãng, bi tráng mà không kém phần lộng lẫy, trữ tình cùng với những ca từ ngọt ngào, da diết nỗi nhớ mong của đôi lứa yêu nhau. Tình yêu thấm đẫm đau thương chiến tranh, thật vĩ đại nhưng cũng vô cùng bình dị.

SGNNMT - Copy

Những ngày sau đó, tôi bị cuốn theo các sinh hoạt thanh niên ở địa phương. Với một chút năng khiếu cùng sự cố vấn giúp đỡ tận tình của anh, tôi trở thành một “thủ lĩnh” thanh niên thực thụ.

Vệ cũng được chuyển hẳn từ quân đội sang công tác đoàn thanh niên. Chính anh đã khơi dậy trong tôi sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã phả vào tôi niềm hăng say phục vụ cộng đồng. Tôi tập tành theo anh đi làm “cách mạng”, tươi trẻ, hồn nhiên, bất chấp cơm độn bo bo, bất chấp “tàn phai nhan sắc”.

Chỉ một mình tôi biết, ở đó, tôi còn có một niềm hạnh phúc vô biên là được đi bên cạnh anh, được nhìn thấy anh mỗi ngày, được nghe anh kể chuyện và hát Tình ca. Những câu chuyện về các mặt trận nơi anh đã đi qua, chuyện quê anh với dòng sông, cánh đồng và kỷ niệm thời thơ ấu. Những câu chuyện vừa lạ vừa quen, luôn làm tôi trăn trở. Và chỉ một mình tôi biết, tôi yêu anh, tình yêu đầu đời trong sáng, ngây ngô và hoang dại.

Những ngày tháng ấy và… anh là một phần đời hoành tráng, lộng lẫy, tinh khôi và trong trẻo nhất của tôi.

Ngày Vệ hoàn thành nhiệm vụ trở về Thanh Hóa là một ngày mùa đông Sài Gòn lạnh tái tê chưa từng thấy. Tôi buồn bã xòe tay thả mối tình đơn phương vụng dại đầu đời của mình lên bầu trời đầy sao trong đêm thánh lễ. Trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga lặng lẽ, tôi chấp tay nguyện cầu: “Lạy chúa con là người ngoại đạo…”.

nnnnn

Bốn mươi hai năm trôi qua, thời gian đủ dài cho một đời người để gọi tên quá khứ.  Nhưng quá khứ tuổi trẻ được chứng kiến thời khắc lịch sử tháng Tư không phải ai cũng may mắn có được. Và tôi, và thế hệ của chúng tôi, trong tim mỗi người đều có một tháng Tư để hằng nhớ. Như tôi vẫn hằng nhớ anh mỗi bận tháng Tư về…

Ngô Thị Thu Vân


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: