Làng võ Sài Gòn xưa – Những võ sĩ huyền thoại


Hầu như nơi nào vùng đất phương Nam cũng đều có những “thầy võ”, những võ sĩ vô danh, chuyên “thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Vùng Thất Sơn (Bảy Núi) ở An Giang đã có bao nhiêu truyền thuyết về những tay cao thủ võ lâm, đượm màu huyền thoại, không thua gì các Hảo Hán Trung Hoa, song được nhắc đến nhiều, được thêu dệt vá ái mộ, lại chính là các võ sĩ xuất thân hoặc “hành hiệp” tại Sài Gòn. Dân Sài Gòn từ bao đời vốn trọng đạo nghĩa, sống phóng khoáng, nên rất thích nghề võ. Họ là một phần làm phong phú cho nền văn hóa, văn minh của Sài Gòn 300 năm lịch sử.

Chút hoài niệm về Sài Gòn xưa

Nhà hàng Nam-Kin, một biểu tượng phong lưu của Sài Gòn xưa

Theo truyền thuyết, khi anh em nhà Tây Sơn nổi lên chống nhà Nguyễn, nhất là khi Nguyễn Lữ được phái vào Gia Định để trấn giữ vùng đất phía Nam, thì môn võ lâu đời của Tây Sơn đã được mang theo. Trong dân gian từng lưu truyền nhiều giai thoại về thú mê đá gà và các trò giải trí của vị “phó vương” Nguyễn Lữ.

Những trường gà nổi tiếng được mở ra khắp vùng Gia Định, tạo nên phong trào sưu tầm và nuôi gà đá rất độc đáo ở Gia Định và các tỉnh miền Tây. Bên cạnh đó, phong trào luyện võ Bình Định cũng bắt đầu lan rộng. Dân phương Nam, từ trước đó rất mê luyện võ Thiếu Lâm (do các Hoa kiều chạy nạn Mãn Thanh mang sang), nhưng từ khi được tiếp xúc với võ Tây Sơn thì lại chuyển hướng sang tập luyện môn võ này. Tương truyền, đầu tiên võ Tây Sơn đã thâm nhập giới tu sĩ, nổi bật nhất là các nhà sư vùng Cần Giuộc và Chợ Quán. Những vị sư này võ nghệ rất cao cường, thường giúp dân chống lại ác thú và đánh đuổi bọn cướp.

Theo một thống kê không chính thức, trong số các phái võ ở vùng Sài Gòn – Gia Định từ thế kỷ XVIII trở về sau, đa phần thuộc gốc Tây Sơn, số còn lại là Thiếu Lâm, hoặc pha trộn giữa các phái để trở thành võ phái địa phương. Sau này, giai đoạn 1930-1950, những “hảo Hán” xưng hùng ở Bình Xuyên, Bà Điểm, Hóc Môn, Cần Giuộc, Cần Đước như: Ba Dương, Tám Mạnh, Cố Hoạch, Bảy Viễn, Mười Trí… ít nhiều thừa hưởng chiêu thức võ công từ đất Tây Sơn, do các võ sư gốc di dân như Ba Thi (Chợ Lớn), Sáu Lầu (Bình Khánh, Nhà Bè), Bộ Dực (Bến Tre), Bảy Khuyên (Hóc Môn), Hai Ngàn (Tân Khánh, Bà Trà), Tư Thêm (Vàm Láng), và Sáu Cường (Trà Vinh)… đã truyền cho họ.

Sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định, hầu như những gì của Tây Sơn đều bị triệt tiêu. Nhưng có một thứ không thể mất, đó là võ Bình Định. Những phái võ có xuất xứ từ đất võ Tây Sơn vẫn tồn tại ở Gia Định và các tỉnh Nam kỳ. Võ Duy Dương, là võ quan triều Nguyễn, rất giỏi võ Bình Định, khi theo Nguyễn Tri Phương vào trấn giữ Sài Gòn đã từng là cho binh sĩ dưới quyền nể mặt bởi võ nghệ tuyệt luân của ông.

Khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, phá vỡ đồn Kỳ Hòa, Võ Duy Dương rút về cố thủ ở vùng Đồng Tháp Mười, chỉ mang 24 bộ tướng. Tương truyền, đây là 24 thuộc hạ võ nghệ cao cường nhất của ông. Tại cứ địa Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương và 24 thuộc hạ tụ tập binh mã, rèn luyện võ thuật cho họ, trở thành đội ngũ tinh nhuệ, thiện chiến, sau đó mở những trận tập kích, làm cho quân Pháp phải kiêng nể. Về sau, Võ Duy Dương (được dân địa phương gọi là Thiên Hộ Dương) chết, trong số đệ tử chân truyền của ông có một số người bí mật rút về vùng Thất Sơn (An Giang), tạo ra những huyền thoại võ lâm mới…

Tư giang hồ với chiêu cầm nã

Trong số các nhân vật giang hồ hảo Hán của Sài Gòn hồi đầu thế kỷ XX có Tư Mắt, một nhân vật nửa tướng cướp, nửa hảo Hán. Ông ta có “nghề võ” rất cao cường, khi ra hành hiệp thì được dân anh chị Sài Gòn kiêng nể, tôn là đại ca. Theo nhiều người kể lại, Tư Mắt giỏi võ Thiếu Lâm, do được một võ sư môn phái Thái Cực Đường Lang của Thiếu Lâm Tự từ Trung Hoa sang dạy cho.

Nhưng một số giai thoại khác do những người từng sống chung với Tư Mắt ở chùa Giác Lâm (lúc tay anh chị này hết thời về sống nương nhờ cửa Phật tại đây) kể lại, thì võ công của Tư Mắt đích thị là võ Việt Nam có pha trộn võ Thiếu Lâm. “Anh Tư” (tên giang hồ của Tư Mắt) có vài chiêu thức cực kỳ lợi hại, trong đó, lạ lùng và nguy hiểm nhất là chiêu cầm nã thủ: khi xuất chiêu nhanh như gió, chỉ thoáng một cái, năm ngón tay đã chộp vào cổ họng của địch thủ, hạ gục trong nháy mắt!

Tư Mắt đã làm trùm anh chị Sài Gòn và cả các tỉnh Nam kỳ một thời gian dài, từng đụng với các võ sĩ người Pháp. Chúng xem thường người An Nam, chẳng coi Tư Mắt ra gì. Có một giai thoại kể lại rằng, vào năm 1912, tên Aman, một võ sĩ quyền Anh hạng lông rất nổi tiếng, nhân theo tàu buồm Pháp ghé bến Sài Gòn. Lên bờ và mở võ đài ở câu lạc bộ hàng hải Pháp, thách các võ sĩ bản xứ đấu với anh ta.

Aman lớn lối tuyên bố là chấp mỗi đêm 10 võ sĩ bất kể hạng cân của Sài Gòn lên võ đài. Ngay đêm đầu, chỉ cần một mình Tư Mắt với một đòn duy nhất, tên võ sĩ kiêu căng nọ đã bị đo ván.

Sáu Cường với cú đá song phi

Vào những năm trước Chiến tranh Thế giới lần thứ II, ở Sài Gòn và vùng Nam kỳ lục tỉnh nổi lên Sáu Cường, là võ sĩ vô địch. Ông người Trà Vinh, học võ với “một ai đó” không tên tuổi. Lúc ra “giang hồ” Sáu Cường tròn 20 tuổi. Bấy giờ ở Sài Gòn và vùng lục tỉnh đã nổi lên phong trào “nghề võ” rất ồn ào. Hầu hết các cao thủ đều là người Pháp, Miên (Campuchia), Lào, Thái Lan.

Họ thích làm mưa làm gió trên các võ đài, khiến cho phần đông người bản xứ tức giận và cứ mong “ai đó” ra tay! Mà “người nào đó” không ai khác ngoài Sáu Cường. Ông xuất hiện đầu tiên ở một trận đấu tại thành phố Cần Thơ, do viên Chủ tịch tỉnh lúc đó tổ chức cho võ sĩ Pháp gốc Ấn Độ (có bản lĩnh võ thuật rất lạ, phối hợp giữa quyền Anh và võ Ấn). Anh chàng võ sĩ này đã từng đấu 10 trận ở khu vực Đông Nam Á, thắng cả 10. Nhưng khi Sáu Cường thượng đài, thì đó là trận đầu tiên anh chàng võ sĩ gốc Ấn này bị nằm dài, ngay trong hiệp 2, bởi cú đá song phi của Sáu Cường.

Sau trận đó 3 tháng, Sáu Cường lại được dịp thượng đài ở Sài Gòn, với một võ sĩ Xiêm (Thái Lan) tên là Anthuong Chay. Đây là một võ sĩ từng thi đấu nhiều nước ở châu Âu, thắng đến 30 trận, chưa biết nếm mùi thất bại. Anh ta đánh một thứ võ gọi là Muong Thai, vừa đánh bằng tay, vừa sử dụng chân đá, rất lợi hại. Kết quả: Sáu Cường lại thắng! Có thể nói, vào thời điểm đó, Sáu Cường đã trở thành một huyền thoại của làng võ Nam kỳ lục tỉnh. Sáu Cường chưa hề nếm mùi thất bại.

Từ Kid Dempsey không đối thủ đến Minh Cảnh vô địch Đông Dương

Trong những “huyền thoại” cận đại, phải kể đến võ sĩ Kid Dempsey và Minh Cảnh. Những người này đã làm rạng dang làng võ Việt Nam từ những năm trước và sau chiến trang thế giới lần thứ 2. Kid Dempsey thật sự là một người Việt Nam. Tên thật là Văn Phát (Nguyễn Văn Phát), sinh năm 1914, do ái mộ võ sĩ vô địch hạng nặng của Mỹ là Jack Dempsey nên đã tự đặt cho mình cái tên Kid Dempsey. Phải nói rằng, đây là một võ sĩ Việt Nam đầu tiên từng làm mưa làm gió trên võ đài trong nước và ngoài nước.

Sau khi thắng trận đầu tiên vào năm 1939, đoạt chức vô địch Đông Dương, Kid Dempsey được mời sang Pháp thi đấu. Từ đó đến năm 1958, ông lưu trú luôn tại đất Pháp, hành nghề võ sĩ, với các trận thắng vang dội các võ sĩ người Pháp tại những thành phố lớn như Paris, Marseilles… rồi lấy vợ Pháp, sinh con. Năm 1958, Kid Dempsey trở lại Sài Gòn, tiếp tục thượng đài và hầu như không có đối thủ. Ông thắng hầu hết gần trăm trận đấu khắp miền Nam và cả khu vực Đông Dương. Đến năm 1983, ông qua đời tại quê hưong, đất Sài Gòn.

Sau Kid Dempsey một thời gian, năm 1944, tại Sài Gòn đã nổi lên một tài năng khác của làng võ. Đó là Minh Cảnh, một huyền thoại mới về quyền Anh. Năm đó, Minh Cảnh đoạt chức vô địch quyền Anh Đông Dương, được tổ chức tại Hà Nội. Ông vốn là đệ tử của võ sư Muôn, nhà vô địch quyền Anh Việt Nam vào thời 1938-1940, lại được các võ sĩ tiền bối như Sáu Cường, Thái Ngọc Kỳ (Rạch Giá) truyền dạy thêm những tuyệt kỹ, nên ở Minh Cảnh có được tinh hoa của môn quyền Anh mang đặc tính phù hợp với thể chất người châu Á, với căn bản kỹ thuật hoàn chỉnh, cộng thêm sự gan lì hiếm thấy ở một võ sĩ.

Minh Cảnh đã gây được tiếng vang lớn trên khắp võ đài Đông Dương. Nhiều võ sĩ châu Âu đã bị Minh Cảnh hạ đo ván ngay tại Sài Gòn, sau đó phải “tâm phục khẩu phục”, công nhận tài nghệ thật sự của người có thể hình nhỏ nhắn, nhưng cực kỳ nhanh nhẹn và dũng cảm. Hiện nay, võ sĩ Minh Cảnh đã lớn tuổi, vẫn sống đạm bạc ở Sài Gòn.

Huyền thoại võ Thiếu Lâm ở Chợ Lớn

Nói đến võ thuật ở Sài Gòn mà không đề cập đến võ Thiếu Lâm là một thiếu sót. Bởi vì, như đã nói ở phần đầu, làng võ Sài Gòn đã tích lũy cái vốn rất quý của hai nguồn cội võ thuật, đó là võ dân tộc (võ Bình Định là chính) và võ Thiếu Lâm. Chính các lưu dân gốc Trung Hoa, khi chạy nạn Mãn Thanh, đã đem sang Việt Nam các tinh hoa võ thuật xứ họ, mà Thiếu Lâm là cái gốc.

Võ Thiếu Lâm chia ra nhiều hệ phái ngay tại nguồn gốc của nó và khi truyền sang Việt Nam cũng giữ nguyên như vậy. Vùng Sài Gòn – Chợ lớn là nơi tiếp nhận và sau đó phổ biến các nơi. Có thể kê ra những phái chính của võ Thiếu Lâm được truyền dạy ở Chợ Lớn ngay từ những năm của thế kỷ XVIII: Thái Cực Đường Lang, Thiếu Lâm Hồng Gia, Thiếu Lâm Châu Gia, Thái Lý Phật, Nga Mi, Võ Đang.

Đã có những tên tuổi đáng gọi là “huyền thoại” trong làng võ Thiếu Lâm Chợ Lớn, như Triệu Thúc Khê, Tạ Xy Vinh, Tạ Nam, Trần Nhất Minh, Đặng Văn Thành, Tăng Huê, Triệu Di Văn, Huỳnh Thuận Quý (đệ tử đời thứ ba của Tổ sư Thiếu Lâm Hồng Gia, Hồng Hy Quang)… Những tên tuổi trên đã làm rạng danh sư Tổ của họ như Trương Tam Phong, Hồng Hy Quang, Lý Bá Sơn, Ngũ Mai Sư Thái, Phùng Đạo Đức, Miêu Hiển, Chí Thiện Thiền Sư, Tân Uyên Trưởng Lão, Châu Gia Ngũ Hổ…

Làng võ Sài Gòn theo dòng lịch sử

Cái hay của võ sĩ Việt Nam là tuy tiếp thu cả nền võ học nước ngoài như Thiếu Lâm, nhưng đã khéo léo cải biên, chắt lọc tinh hoa, để có riêng một số trường phái mang đậm bản sắc dân tộc, gọi chung là võ Việt Nam. Người ta gọi Sài Gòn là cái nôi của làng võ, bởi sự tiếp thu rộng rãi và biết chắt lọc, phát huy như thế. Những huyền thoại của làng võ Sài Gòn sẽ còn tiếp nối các tên tuổi khác đang theo dòng lịch sử…

Theo dansaigon


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: