Hiến kế chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM: Giãn dân bằng khu trung tâm mới


Việc nén các cao ốc vào lõi trung tâm trong khi hạ tầng không theo kịp là một trong những nguyên nhân góp phần làm ùn tắc giao thông.

Giao thông xịn hơn vì người Sài Gòn biết nhường

Dẹp ‘loạn’ giao thông khu phố Tây Sài Gòn

Theo TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, các giải pháp mà người ta đưa ra hiện nay đều là giải pháp kỹ thuật, mà kỹ thuật nên không giải quyết được bản chất vấn đề một cách căn cơ.

Chẳng hạn, để giảm xe thì không được phép xây dựng thêm cao ốc ở khu trung tâm quận 1 – 3. Thực tế từ trước 1975, người ta đã có ý định xây dựng một khu trung tâm giống quận 1 – 3 ở nơi khác vì thời điểm đó người ta đã nhìn thấy vài chục năm sau khu vực này sẽ quá tải. Bên cạnh đó, việc cho xây dựng các cao ốc ở khu trung tâm còn phá vỡ kiến trúc của một đô thị cổ – một di sản có lịch sử 200 – 300 năm.

Ùn tắc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM. Ảnh: Gia Khiêm

Ùn tắc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TP.HCM. Ảnh: Gia Khiêm

Để ngăn chặn nạn kẹt xe ngày càng tăng hiện nay, đầu tiên phải chấm dứt tuyệt đối và kiên quyết không phát triển nhà cao tầng ở quận 1 – 3. Bên cạnh đó, sớm xây dựng một khu trung tâm mới giống quận 1 – 3 ở phía đông bắc hoặc tây bắc của TP và phải tương đối xa so với khu trung tâm hiện nay. Đó là bài học từ Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc), Manila (Philippines), họ đều xây dựng các trung tâm mới như thế. Trung tâm mới này phải thật sự hiện đại mang tầm quốc tế và sẽ chuyển một số cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ra đó. Người dân sẽ tự động dịch chuyển theo và làm giảm áp lực ở khu trung tâm hiện nay.

Theo TS Hòa, TP có thể khuyến khích người dân tham gia phương tiện công cộng, đi xe đạp bằng cách quy định cán bộ viên chức đi làm hoặc di chuyển trong nội đô bằng xe đạp. Chỉ trường hợp di chuyển ra ngoại ô, ngoài tỉnh mới sử dụng ô tô. “Bản thân tôi nhà ở Q.Phú Nhuận hằng ngày vẫn đạp xe đi làm ở Q.1. Mỗi người hãy tự giác đóng góp một chút sẽ góp phần giảm kẹt xe và trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cấp lãnh đạo và cán bộ công chức nhà nước” – TS Hòa nói.

Chủ đầu tư cao ốc phải đánh giá tác động giao thông

TS Đinh Thị Thanh Bình, Viện trưởng Viện Quản lý quy hoạch và GTVT, cho rằng về mặt nguyên tắc, phát triển hạ tầng giao thông phải song song với xây dựng đô thị, không có chuyện đô thị mới mọc lên nhưng chỉ có một con đường, tạo áp lực quá lớn lên hạ tầng giao thông. Nhưng thực tế vốn xã hội hóa đổ vào các khu đô thị mới quá nhiều trong khi hạ tầng giao thông TP không đủ đáp ứng. Tốc độ phát triển đô thị nhanh hơn hạ tầng giao thông là bài toán mà cơ quan quản lý quy hoạch cần giải quyết. Phải có quy định yêu cầu chủ đầu tư đánh giá tác động giao thông, có giải pháp giảm tác hại đến giao thông khi xây dựng cao ốc, khu đô thị. Tương tự khi xây dựng nhà máy, chủ đầu tư phải đánh giá tác động môi trường do dự án gây ra.

Điều này là cần thiết bởi xây khu đô thị sẽ gia tăng áp lực, thu hút rất nhiều chuyến đi, các nút giao thông trọng yếu nhất xung quanh khu đô thị sẽ bị ảnh hưởng. Nhìn thấy rất rõ dù khu đô thị lớn như thế nào thì chỉ có một vài cổng ra – vào, khi lượng lớn phương tiện dồn ra ngoài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tuyến xung quanh.

Nhiều nước đều yêu cầu chủ đầu tư phải làm đánh giá tác động giao thông, từ báo cáo đó cơ quan quản lý sẽ thẩm định mức độ tác động như thế nào, có nghiêm trọng hay không, có gây ùn tắc không, trong báo cáo phải đưa ra các giải pháp như cải tạo nút giao thông, tổ chức nút giao thông như thế nào, nếu ảnh hưởng thì chủ đầu tư phải cải tạo nút, giảm bớt mật độ xây dựng, hay đóng góp trong việc xây thêm đường như thế nào… Sau đó, cơ quan quản lý mới cấp phép cho xây dựng với mật độ bao nhiêu.

Để giảm kẹt xe với TP.HCM và Hà Nội, câu chuyện mấu chốt chính là quản lý quy hoạch. Vận tải công cộng phải song hành với phương tiện cá nhân, nhưng vận tải công cộng hiện nay chưa phát triển nên trước mắt bước một phải có phương án tổ chức giao thông hiệu quả, như không cho đỗ xe lòng đường, vỉa hè, quản lý vỉa hè trật tự.

Phương tiện đã kẹt cứng không có đường đi nhưng nhiều phố vẫn cho trông giữ xe tại lòng đường hoặc đỗ xe trái phép dưới lòng đường quá nhiều… Bước hai khi vận tải công cộng phát triển thì mới tính đến quản lý quy hoạch phương tiện cá nhân.

Bước ba là quản lý quy hoạch, công cụ quản lý quy hoạch nằm trong tay nhà nước, đó chính là việc giải bài toán quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông.

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: