Tôi là một đứa 9x đời giữa. Ba mẹ vốn có máu xê dịch và yêu văn nghệ, thế nên tôi may mắn lớn lên trong giai điệu da diết của những bản nhạc tiền chiến và nhạc vàng được phát xuyên suốt trên các chuyến xe đường dài lên rừng, xuống biển. Vậy là tôi nghiễm nhiên nghiện luôn dòng nhạc “buồn ngủ” này. Nhắc đến nhạc xưa, không thể không kể đến bốn trụ cột của nền nhạc vàng – nhạc tiền chiến thời bấy giờ hay còn gọi là “Tứ Trụ” gồm: Hùng Cường, Duy Khánh, Nhật Trường và Chế Linh. 1. Hùng Cường Hùng Cường được sinh ra để làm nghệ thuật! Trong bộ Tứ Trụ nhạc vàng, ông được xem là “chân trụ” đa tài nhất bởi bên cạnh vai trò ca nhạc sĩ, ông còn là một nghệ sĩ cải lương, kịch sĩ kiêm tài tử điện ảnh. Ca sĩ Sài Gòn xưa – Nam danh ca Hùng Cường Hùng Cường bắt đầu nghiệp ca hát của mình với thể loại cổ nhạc sau đó mới chuyển sang nhạc tiền chiến và nhạc vàng. Với chất giọng ấm và truyền cảm, Hùng Cường nhanh chóng trở thành cái tên ca sĩ Sài Gòn xưa được nhắc đến rất nhiều trong khoảng thập niên 1950. Năm 1960, cùng với Mai Lệ Huyền, Hùng Cường đã thổi một làn gió mới mẻ vào làng nhạc Việt bằng dòng nhạc kích động (Nhạc Pop-Rock được Việt hóa) và vô cùng thành công. Có thể nói đôi song ca Hùng Cường – Mai Lệ Huyền đã cùng nhau trở thành đỉnh cao của dòng nhạc này. Hùng Cường – Mai Lệ Huyền Bên cạnh việc ca hát, Hùng Cường còn kiêm vai trò nhạc sĩ và ông sáng tác rất nhiều từ trước năm 1975. Tất cả những bài hát ông viết nên đều được thu đĩa bán và đạt doanh số kỉ lục ở Sài Gòn thời bấy giờ. Ngày nay, khi vào phòng trà hoặc các quán cà phê mang hơi hướm hoài niệm Sài Gòn xưa cũ, người ta vẫn có thể đắm mình trong nhạc Hùng Cường với những bài hát quen thuộc như “Đường xưa lối cũ”, “Ông lái đò” hay “Mộng ngày xanh”. 2. Duy Khánh Duy Khánh là cái tên quen thuộc với những ai yêu thích âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. Từ những năm 1960, Duy Khánh bắt đầu nổi danh với những khúc hát mang âm hưởng dân ca, “dân ca mới” của nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc quê hương. Ca sĩ Sài Gòn xưa – Nam danh ca Duy Khánh Thuở ban sơ đi hát, ông lấy nghệ danh là Hoàng Thanh và làm nên tiếng tăm cùng cái tên ấy. Về sau ông mới đổi thành Duy Khánh với chữ “Duy” trong tên của nhạc sĩ Phạm Duy và “Khánh” là tên một người bạn thân của ông. Duy Khánh từng là một đôi song ca ăn ý với nữ danh ca Thái Thanh. Cả hai cùng nhau thâu thanh bản trường ca “Con đường Cái Quan” và sau này là trường ca “Mẹ Việt Nam” mà mãi cho đến ngày nay, hai bản trường ca này vẫn gắn liền với giọng hát Duy Khánh – Thái Thanh. Nữ danh ca Thái Thanh Ngoài vai trò là một ca sĩ Sài Gòn xưa, Duy Khánh còn thể hiện tài năng sáng tác của mình trong vài trò nhạc sĩ. Trong số hơn 30 nhạc phẩm mang tên ông, có một số bài hát đã trở nên bất hữu, có thể kể đến như “Thương về miền Trung”, “Ai ra xứ Huế”, “Xin anh giữ trọn tình quê”… 3. Trần Thiện Thanh (Nhật Trường) Trong các ca sĩ Sài gòn xưa, cố ca nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Tôi thuộc nằm lòng rất nhiều ca khúc của ông và còn từng có mơ ước rằng một ngày nào đó sẽ được đứng trên sân khấu mà ngân vang những khúc ca của người nhạc sĩ tôi ngưỡng mộ. Ca sĩ Sài Gòn xưa – Trần Thiện Thanh Trước giai đoạn 1975, Trần Thiện Thanh đã nức tiếng khắp Sài Gòn bởi ngoại hình hào hoa phong nhã và đặc biệt là tài sáng tác cũng như giọng ca thiên phú của mình. Trần Thiện Thanh sáng tác nhiều tình yêu và đời lính. Được biết đến như một người vui tính, đào hoa và đa cảm nên các bản nhạc lính của Nhật Trường lúc nào cũng mang âm hưởng tự sự lãng mạn và thi vị hóa đời lính chiến gian khổ thay vì đầy rẫy sự phẫn nộ hay kêu gọi sự thù ghét. Đầu thập niên 1970, Nhật Trường cùng Thanh Lan thực hiện nhạc cảnh “Trên đỉnh mùa đông”. Ông vào vai Đại úy Nguyễn Văn Đương và Thanh Lan vào vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Nhật Trường và Thanh Lan đã diễn chung ăn ý đến độ người thời đó còn đồn đại nhau rằng đôi trai tài gái sắc này đang yêu nhau. Sự thành công của “Trên đỉnh mùa đông” đã thu hút rất nhiều khán giả xem đài thời đó và sau này được chuyển thể thành phim cùng tên. Thanh Lan – Nhật Trường Trần Thiện Thanh được mệnh danh là “Ông hoàng bolero” bởi ông đã để lại cho làng nhạc vàng – nhạc trữ tình Việt Nam một gia tài sáng tác vô cùng đồ sộ. Nếu bạn vẫn nghe đâu đó giai điệu của “Bảy ngày đợi mong”, “Tình có như không” hay “Hàn Mặc Tử”, đó chính là các tác phẩm của ca nhạc sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh – Nhật Trường. 4. Chế Linh Chế Linh là một cái tên rất nổi tiêng không chỉ trong giới ca sĩ Sài Gòn xưa mà ngày nay, tên ông vẫn còn là một “bảo chứng” cho doanh thu phòng vé của các trung tâm ca múa nhạc hải ngoại. Ca sĩ Sài Gòn Xưa – Nam danh ca Chế Linh Cái duyên của Chế Linh với ca hát có thể gọi là “nghề chọn người” bởi trước đó, ông không có ý định gắn bó với nghiệp cầm ca này. Trước khi trở thành ca sĩ, Chế Linh đã mưu sinh bằng rất nhiều nghề khác nhau. Sau đó, trong cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đoàn văn nghệ Biệt Chính Biên Hòa, ông đã đoạt giải Nam Ca Xuất Sắc Nhất và nhanh chóng nổi lên cùng dòng nhạc boléro với nhiều đĩa hát được thu. Tình yêu với âm nhạc chỉ thật sự bắt đầu nảy nở sau 2 năm ông đi hát. Khi đoàn văn nghệ tan rã, Chế Linh chuyển sang làm nghề tài xế chở xe đá và cùng sáng tác nhạc với Bằng Giang trong thời gian này. Thành quả cho sự hợp soạn của cả hai nhạc sĩ tài năng này được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt. Một số bài hát nổi tiếng có thể kể bao gồm “Bài ca kỷ niệm”, “Đêm buồn tỉnh lẻ” và “Đoạn tái bút”. Năm 1967 – 1968, Trong khoảng thời gian cộng tác với hãng địa Continental, Chế Linh đã hợp tác hát cặp cùng Thanh Tuyền. Đôi song ca đã nhanh chóng trở thành hiện tượng được nhắc đến nhiều nhất lúc bấy giờ sau sự thành công của nhạc phẩm đầu tiên “Hái trộm hoa rừng” (Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân). Rất nhiều hãng đĩa đã tranh nhau khai thác sự hợp tác của bộ đôi này. Mãi cho đến nay, cặp song ca Chế Linh – Thanh Tuyền vẫn chiếm một vị trí không nhỏ trong tim công chúng yêu nhạc “sến”. Chế Linh Thanh Tuyền Sau phong trào 1975, cùng với nhiều nghệ sĩ khác, Chế Linh bị cấm biểu diễn không chỉ ở Sài Gòn mà cả những tỉnh khác. Ông đã vượt biên sang nước ngoài, định cư ở Canada và tiếp tục hoạt động nghệ thuật phục vụ người Việt ở đất khách. Sau này, khi lệnh cấm được gỡ bỏ, Chế Linh đã trở về Việt Nam tổ chức liveshow “Chế Linh, 30 năm ngày tái ngộ” vào năm 2011 phục vụ đồng bào. Các ca khúc nổi tiếng được Chế Linh thể hiện có thể kể đến gồm: “Thành phố buồn”, “Phút cuối”, “Con đường xưa em đi”… Tổng hợp: Xuân Ngọc | Nguồn: Wikipedia, Facebook Quán Nhạc Vàng