Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Trương Văn Bền, ‘chỉ huy trưởng kỹ nghệ’ đầu tiên


Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Trương Văn Bền, 'chỉ huy trưởng kỹ nghệ' đầu tiên 1

Người Anh, Mỹ thường gọi những người khai phá, lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn có sức mạnh trong công nghiệp, kinh tế, tài chính là ‘captains of industry’ (chỉ huy trưởng kỹ nghệ). Ông Trương Văn Bền là ‘chỉ huy trưởng kỹ nghệ’ đầu tiên của VN đầu thế kỷ 20.

Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Trương Văn Bền, 'chỉ huy trưởng kỹ nghệ' đầu tiên 1

Gia đình ông Trương Văn Bền
ẢNH: TƯ LIỆU TỪ SÁCH

Trương Văn Bền sanh ngày 10.10 năm Giáp Thân thời vua Hàm Nghi (tháng 12.1884) tại Chợ Lớn. Ông thi đỗ kỳ thi Brevet élémentaire (cao đẳng tiểu học) đầu tiên do chính quyền thuộc địa Pháp tổ chức, được bổ nhiệm chức vụ Ký lục thượng thư.

Năm 1901, ông rời bỏ không làm cho chính quyền Pháp nữa và trở lại nghề buôn bán của cha ông. Lúc đầu ông bán đậu phộng, đậu xanh, đường trong một cửa tiệm nhỏ tọa lạc ở số 40 rue du Cambodge (nay là chợ Kim Biên, Q.5).

Năm 1905, ông mở một xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức. Một năm sau, ông mở một nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn và một ở Rạch Các. Năm 1918, ông mở thêm một cơ sở sản xuất dầu nữa ở Chợ Lớn. Xưởng này sản xuất đủ loại dầu từ dầu nấu ăn, dầu salat (salad oil) đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ. Trên báo Écho Annamite ngày 23.2.1922 có đăng quảng cáo về các sản phẩm dầu của ông.

Trong ký sự Một tháng ở Nam kỳ (1918), ông Phạm Quỳnh viết: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”.

Trong thập niên 1920, ông nhảy vào lĩnh vực canh nông. Lúc đầu ông mua 300 mẫu ruộng ở Mỹ Tho. Vài năm sau đó, năm 1925, ông cùng một số người khác thành lập Công ty canh nông Tháp Mười (Société Rizicolte du Tháp Mười). Công ty có hơn 10.000 mẫu và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn nhân sự ở miền Tây Nam bộ.

Vai trò quan trọng của ông trong địa hạt phát triển canh nông, kỹ nghệ, kinh tế tài chính được đánh giá cao trong xã hội. Ông được bầu làm hội viên của Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de l’Indochine) năm 1929. Qua những biên bản báo cáo chi tiết các cuộc họp đại hội đồng được công bố mỗi năm của chính phủ Toàn quyền Đông Dương, ta có thể thấy một vài sự kiện thể hiện tinh thần bảo vệ phúc lợi người dân của Trương Văn Bền.

Xà bông “cô ba”

Chuyện ít biết về Sài Gòn xưa: Trương Văn Bền, 'chỉ huy trưởng kỹ nghệ' đầu tiên 2

Xà bông “Cô Ba”

Từ năm 1928, Trương Văn Bền thành lập xưởng chế dầu dừa ở Chợ Lớn sản xuất các loại dầu ăn và dầu công nghiệp. Từ năm 1932, ông mở thêm nhà máy làm xà bông từ dầu nông sản. Vào thời gian này và trước đó, hầu hết xà bông dùng trong nước và ở Đông Dương là nhập khẩu từ Pháp.

Hãng xà bông của ông tọa lạc trên đường Cambodge. Công ty của ông gọi là Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils – Huilerie et Savonnerie Vietnam). Xưởng dầu của ông ở Chợ Lớn mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và Hãng xà bông Trương Văn Bền sản xuất khoảng 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine trong năm 1943, vào thời kỳ khó khăn ở nhiều nước do Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là công ty quan trọng nhất sản xuất dầu và xà bông trên toàn cõi Đông Dương.

Xà bông của ông được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng tốt và giá phải chăng, đánh bạt xà bông thơm Mạc Xây (Marseille) của Pháp và còn được dùng rộng rãi ở Lào và Cam Bốt, được xuất khẩu qua Hồng Kông, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số nước châu Phi.

Trong hồi ký của mình, ông viết về sự chọn lựa tên sản phẩm xà bông: “Tôi đang tìm kiếm tên nào kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho xà bông mà chưa kiếm ra. Ngoài bắc, phong trào cách mạng Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu nổi lên nhiều chỗ và đã bị thất bại đau đớn, đến lúc Tây xử tử họ ở Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình tĩnh hô to: “Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới. Tôi không bỏ lỡ vội chụp lấy vụ này, lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông, gọi savon Việt Nam để nêu lòng ái quốc đang bồng bột ở trong xứ, xà bông Việt Nam là của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam”.

Về sự chọn lựa biểu tượng của xà bông Việt Nam, ông đã dùng hình ảnh một người con gái đẹp VN rất đậm dân gian Nam bộ mà người tiêu dùng hay gọi là “Cô Ba”. Một trong những tin đồn thì “Cô Ba” chính là con gái thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, người đàn bà đẹp nhất Nam kỳ hồi đầu thế kỷ 20. Theo tư liệu của tác giả Hứa Hoành thì thật ra người phụ nữ ấy chính là người vợ của ông.

Sau năm 1948, Trương Văn Bền sống tại Paris. Ông viết hồi ký ở Paris và sau khi ông mất, anh Phillipe Trương vẫn giữ tập hồi ký này của ông cho đến nay.

Nguyễn Đức Hiệp
(Trích từ Sài Gòn – Chợ Lớn Ký ức đô thị và con người, NXB Văn hóa – Văn nghệ)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: