Không chỉ các đại lý xăng dầu ở TP.HCM, hàng loạt cửa hàng xăng dầu tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL tái diễn cảnh “hết xăng còn dầu” hoặc bán theo định mức 30.000 – 50.000 đồng/lần đổ xăng. Mỗi lượt khách vào cây xăng trên đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức chỉ được đổ 30.000 đồng chiều 26-10 – Ảnh: T.T.D. Tại khu vực Tây Nguyên, nhiều người dân thậm chí phải chạy hàng chục cây số, từ huyện này sang huyện khác để mua xăng nhưng chỉ mua được với số lượng hạn chế. Theo nhiều doanh nghiệp phân phối, trong khi các nhà bán lẻ vẫn thua lỗ, nghi vấn có tình trạng doanh nghiệp đầu mối “găm hàng” để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về dự trữ, vì lo ngại rủi ro khi nhập hàng. Nhiều cửa hàng lại “hết xăng còn dầu” Ngày 26-10, ghi nhận của Tuổi Trẻ dọc đoạn đường hơn 10km trên đường Xuyên Á từ ngã tư An Sương (quận 12) đến Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho thấy nhiều cây xăng hoạt động cầm chừng. Gần 10 cây xăng trên đoạn đường này thông báo hết xăng, một số cây xăng khác chỉ bán theo định mức 50.000 đồng mỗi lần đổ. Theo các doanh nghiệp, do lượng hàng cung cấp chưa dồi dào nên chỉ kinh doanh cầm chừng. Tại trạm xăng dầu Thịnh Tấn Phát trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, cũng treo biển “hết xăng còn dầu” trước trụ bơm. Một nam nhân viên cây xăng cho biết tình trạng này đã diễn ra 3-4 ngày nay, chưa biết khi nào sẽ có hàng bán lại. Tương tự, cả bốn trụ bơm tại cây xăng số 1205 đường Huỳnh Tấn Phát đều tối đèn. Nhân viên cây xăng cho biết trạm đã tạm dừng bán xăng được một tuần, chưa biết khi nào sẽ có xăng bán lại. Một thương nhân phân phối tại Đông Nam Bộ cho hay theo báo giá của Công ty Phúc Lâm Petro cho các đại lý tại kho Nhà Bè, chiết khấu cho dầu DO là 200 đồng/lít, xăng RON95 là 100 đồng/lít. Với mức chiết khấu này, các đại lý phải chịu lỗ cước vận chuyển, tiếp tục thua lỗ, chưa kể nguồn hàng cấp ra nhỏ giọt khiến nhiều cửa hàng bán lẻ rơi vào tình trạng hết hàng. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu miền Bắc cũng cho biết không thể mua được hàng mặc dù chấp nhận mức chiết khấu 0 đồng. Theo một thương nhân phân phối xăng dầu tại Hà Nội, dù giá xăng dầu được tăng tiếp từ phiên điều hành ngày 21-10, nhưng các đầu mối vẫn bán ra nhỏ giọt. Các kho đều báo mức chiết khấu 0 đồng nhưng cũng không lấy được hàng. “Tình trạng này cứ diễn ra dai dẳng suốt mấy ngày nay mà không thể chấm dứt mặc dù các bộ ngành đều khẳng định đủ hàng, không thiếu hàng. Bộ Công Thương đã họp với các doanh nghiệp đầu mối, cung cấp thông tin đủ hàng, doanh nghiệp sẽ cấp hàng ra, nhưng không hiểu sao nguồn trên thị trường vẫn thiếu, chúng tôi chỉ cầm cự được một thời gian chứ tình trạng này doanh nghiệp bán lẻ khó khăn quá”, vị này cho biết. “Găm hàng” để đảm bảo dự trữ? Một doanh nghiệp phân phối cho biết nguồn hàng được các đầu mối nhập về vẫn nhiều, nhưng có nghi vấn rằng các đầu mối giữ hàng lại để đảm bảo nguồn dự trữ theo quy định, chứ không muốn đẩy hàng ra. Bởi nếu đưa hàng ra bán, doanh nghiệp đầu mối phải nhập thêm, trong khi giá biến động liên tục có thể bị rủi ro chi phí. “Chưa kể doanh nghiệp đầu mối có thể lo ngại rủi ro khi không đáp ứng được quy định về tồn kho 20 ngày, có thể bị phạt như một số doanh nghiệp trước đây nên đã giữ hàng trong hệ thống và hạn chế bán ra”, doanh nghiệp này nói. Tuy nhiên, một doanh nghiệp đầu mối cho hay dù Bộ Tài chính đã hai lần điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu, nhưng doanh nghiệp này cho rằng vẫn đang lỗ hơn 1.200 đồng/lít xăng nhập về, chưa kể các khoản chi phí khác. Ngoài ra nguồn tín dụng của ngân hàng cấp có hạn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong nhập hàng, đảm bảo hạn ngạch được phân giao. Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong năm 2022, tổng nguồn phân giao xăng dầu được Bộ Công Thương giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện là 20,7 triệu m3/tấn. Ngoài ra, bộ còn giao cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu. Nhưng ngoài những doanh nghiệp đáp ứng được tổng nguồn phân giao tối thiểu, cũng có một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao, như Công ty TNHH sản xuất – thương mại Hưng Phát, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên, Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty CP Phúc Lộc Ninh… Do đó để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý 4-2022, bộ tiếp tục phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu với tổng lượng là 5,5 triệu m3/tấn. ĐBSCL: Thêm nhiều cửa hàng ngừng bán xăng Chiều 26-10, ghi nhận tại một đoạn ngắn trên tuyến quốc lộ 91, đoạn huyện Châu Phú, An Giang, có ít nhất hai cửa hàng xăng dầu (cây xăng) thông báo hết xăng khi có người vào đổ xăng. Đó là cây xăng của Công ty TNHH một thành viên nhiên liệu Thanh Minh và cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân Mỹ Phú (xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú). Dù không treo bảng hết xăng, không đóng cửa nhưng khi người dân chạy xe vào đổ xăng, nhân viên tại các cửa hàng xăng này thông báo “hết xăng”. Tại Sóc Trăng, chị Th., nhân viên tại một cây xăng nằm trên quốc lộ 1, thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, phải treo biển hết xăng do đã cạn xăng trong khi nhà phân phối không giao nên không còn nguồn để bán. “Tôi đặt một xe 6.000 lít, nhưng nhà phân phối chỉ giao 1.000 – 2.000 lít nên chỉ bán vài ngày thì hết xăng. Không chỉ chiết khấu giảm, phân phối nhỏ giọt khiến việc mua bán rất khó khăn, mệt mỏi” – chị Như Ý, chủ một cây xăng ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, nói. Ông Võ Văn Chiêu – giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng – cho biết có thời điểm ghi nhận trên địa bàn có hơn 30 cây xăng tạm ngưng bán một vài ngày, rồi bán lại sau khi có nguồn. “Một số cây xăng chỉ hết nguồn cục bộ. Chúng tôi sẽ phối hợp Cục QLTT tỉnh kiểm tra, nếu cây xăng nào cố tình ngưng bán sẽ xử phạt theo quy định”, ông Chiêu cho biết. Cùng ngày, tại An Giang có thêm hai cửa hàng xăng dầu hết xăng, nâng tổng số đến nay có sáu cửa hàng hết xăng dầu, với lý do đứt nguồn cung từ các đầu mối phân phối. Theo Tuổi Trẻ Online