Vì sao chỉ số cải cách hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh tụt hạng?


Qua đánh giá sơ bộ, các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng thường phát sinh hồ sơ trễ hẹn khiến người dân chưa hài lòng; quy trình nội bộ giữa các sở ngành, quận, huyện cũng chưa hiệu quả.

Vi sao chi so cai cach hanh chinh cua Thanh pho Ho Chi Minh tut hang? hinh anh 1
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Gò Vấp (TP. HCM).

Từ vị trí thứ 23 trong năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh bị tụt xuống vị trí 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021.

Là một siêu đô thị nổi tiếng năng động, vậy tại sao thành phố lại bị tụt hạng và vấn đề cải cách hành chính được nhiều đại biểu thảo luận tại cuộc họp kinh tế-xã hội của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 4/8.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố đang khảo sát, tìm nguyên nhân khiến chỉ số cải cách hành chính của thành phố bị tụt hạng.

Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ, các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng thường phát sinh hồ sơ trễ hẹn, ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh từ người dân.

Một trong những nút thắt đại diện nhiều sở, ngành phản ánh đó là quy trình nội bộ giữa các sở ngành, quận, huyện còn chưa hiệu quả, “lòng vòng.”

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trên địa bàn hiện còn chậm và có nhiều bất cập.

Dù đã áp dụng quy trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ nhưng chất lượng tham gia góp ý khi được hỏi ý kiến giữa các Sở, ngành, đơn vị chưa cao.

“Chúng ta cứ nói cải cách thủ tục nhưng chất lượng tham gia ý kiến cũng cần phải nâng lên. Các sở, ngành muốn công việc chạy nhanh, bớt quay vòng thì khi đóng góp ý kiến, tham mưu cần rõ ràng, chất lượng hơn,” ông Trần Quang Lâm nói.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay, các Sở, ngành, đơn vị hỏi ý kiến rất nhiều, Sở Công Thương cũng phải trả lời các sở khác. Việc này làm tiêu tốn nhiều thời gian.

Do đó, đại diện Sở Công Thương thành phố cho rằng, muốn giải quyết nhanh hồ sơ cần tăng trách nhiệm của các sở chuyên ngành; đồng thời đề xuất Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố cho chủ trương một lần rồi thực hiện.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, dù Sở được giao ngân sách nhưng chưa thể thực hiện công việc do chưa nhận góp ý từ những đơn vị khác. Do đó, từ lúc xin chủ trương đến triển khai phải mất nhiều tháng cho một phần việc trong khi thực tế có thể thực hiện nhanh hơn.

Trong khi đó, thành phố đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, việc giải quyết hồ sơ phải nhanh và kịp thời; đồng thời trong quy trình xử lý nội bộ phải chuẩn bị tương thích với chủ trương để đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến bất cập trong công tác cải cách hành chính, ông Phan Văn Mãi-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, năng lực tiếp nhận, phối hợp xử lý các vấn đề đang là điểm vướng của địa phương.

Điểm nghẽn này cần được tháo gỡ để mọi phần việc chạy nhanh hơn, đầu tư công, đầu tư xã hội đạt hiệu quả hơn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, ngoài khối lượng công việc tăng sau dịch, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần xem lại tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn giải quyết công việc.

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện và triển khai ứng dụng theo dõi việc xử lý phản ánh kiến nghị của người dân theo thời gian thực. Sau khi đi vào hoạt động, các sở, ngành đều phải tham gia ứng dụng này theo quy định chung.

Dù còn một số bất cập song công tác cải cách hành chính ở nhiều đơn vị đã ghi nhận tín hiệu tích cực.

Một trong những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh 7 tháng năm 2022 đó là thành phố đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân.

Thành phố đã phát triển Cổng thông tin 1022 trở thành công cụ điều hành, giám sát, có thể phân tích dữ liệu, xử lý phản ánh của người dân theo thời gian thực, có biểu đồ nhiệt, bản đồ số để đánh giá độ hài lòng của người dân ở từng khu vực, xã, phường.

Trong 7 tháng năm 2022, cổng thông tin này đã nhận trên 22.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, tập trung vào lĩnh vực trật tự đô thị, tài nguyên môi trường…

Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển Cổng thông tin 1022 thêm chức năng chỉ đạo điều hành xử lý phản ánh kiến nghị người dân, dự kiến triển khai thử nghiệm từ ngày 8/8 đến hết ngày 30/8.

Bên cạnh đó, thành phố đang hoàn chỉnh bảng điều khiển kỹ thuật số (dashboard) về cổng thông tin đối ngoại giữa doanh nghiệp và chính quyền theo thời gian thực.

Dự kiến trong năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công của thành phố, kết nối cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống xác thực, định danh của Bộ Công an. Mục tiêu của chính quyền thành phố là 100% thủ tục hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh có thể thực hiện mức độ 3, 4.

Dự kiến vào tháng 10/2022, thành phố sẽ hoàn thành kết nối Cổng dịch vụ công thành phố và hệ thống xác thực, định danh theo Đề án 06. Theo đó, mỗi người dân, tổ chức chỉ dùng một tài khoản thống nhất để sử dụng dịch vụ từ Cổng dịch công trực tuyến của thành phố và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngoài ra, thời gian tới, thành phố dự kiến tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá nguyên nhân, hạn chế của các Chỉ số PCI, PAR Index, PAPI trên cơ sở kết quả năm 2021 và triển khai giải pháp khắc phục hạn chế trong năm 2022…/.

(TTXVN/Vietnam+)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: