“Bà già ngủ ngồi” giữa con phố nhà giàu ở Sài Gòn, sống bằng cơm từ thiện và cả tuổi thanh xuân kiêu hãnh bên xứ Mỹ


Lọt thỏm trong “khu nhà giàu” ngay quận 1 phồn hoa của Sài Gòn, nơi mỗi ngày đều vang vọng tiếng nhạc thánh ca từ nhà thờ Tân Định dẫn vào con đường Đinh Công Tráng nhỏ bé lại có một bà cụ già mà “bài hát của cuộc đời” đã dần tiến đến những khuôn nhạc cuối cùng

Tình yêu của vợ chồng bà lão mù, ông cụt chân ở Sài Gòn

Nuôi tận 20 đứa cháu, cuối đời bà lão 90 tuổi còn nuôi thêm 2 chắt ngoại vì bố mất, mẹ đi lấy chồng khác

Bà ngày nào cũng ngồi cô độc ở đó, với mái tóc bạc trắng xõa ngang bờ vai cùng chiếc cổ “nghiêng nghiêng” như tàn tích của cuộc đời bao sóng gió,… Và ở đó người ta gọi bà với cái tên “bà già ngủ ngồi” kỳ lạ ở Sài Gòn.

Bà già cô đơn ngồi trước hiên của căn nhà bốc mùi nồng nặc

Nếu nói về việc người già cô đơn thì nhiều, thậm chí với thời đại mà ai cũng sống vội như bây giờ, thì chuyện đó đôi khi còn được xem là bình thường.

Đến người trẻ còn cô đơn, huống chi là người già. Nhưng câu chuyện về sự cô đơn của “Bà già ngủ ngồi” sống ở đường Đinh Công Tráng, quận 1 lại là một bức tranh đầy “ám ảnh” và khắc khoải khác với thường lệ. Khiến hễ ai nghe qua là sẽ khó mà bước vội…

Bà tên thật là Kim Liên, năm nay đã hơn 75 tuổi. Hàng xóm không gọi bà bằng thứ như bà Hai, bà Ba,… “thân mật” như người Sài Gòn vẫn thường dùng mà gọi luôn là bà Liên, đó giờ vẫn vậy.

Trừ lúc bà kéo ghế vào trong sâu một tí để ngủ, thì cả ngày người ta đều thấy bà ngồi trước hiên của ngôi nhà cũ kỹ, tối tăm và bốc mùi nồng nặc.

Nhà bà thì nhỏ, đồ đạc thì nhiều mà bừa bộn, xộc xệch vì không ai dọn dẹp. Ai mới nhìn thấy bà lần đầu chắc sẽ chẳng dám tới gần vì… sợ.

Đâu ra mà lại có một bà già gầy nhom, đầu ngoẹo qua một bên, tóc thì trắng toát, mắt đỏ lừ lừ lại không nói, không cười, cứ ngồi lầm lì trước cửa hết ngày nay qua ngày khác.

Tụi con nít thì sợ bà, còn người lớn thì sợ cái mùi như bơ đậu phông bị hư bốc lên từ ngôi nhà ấy. Thế nên, ngoài vài người hàng xóm có lòng thương yêu và quan tâm hay qua lại giúp đỡ thì chẳng ai dám đến gần bà!

Nhưng bà vẫn cứ hay ra ngoài hiên ngồi như vậy đấy, cốt là để thấy đám trẻ sợ bà mà la ó nhau chạy đi, cốt là để thấy xe cô qua lại, thấy con người gặp nhau chào vội vài câu, và cốt là để thấy mình được là một phần của cuộc sống thường nhật cho dù chẳng ai đoái hoài gì tới bà.

Và bạn sẽ không biết được rằng tôi đã phải đứng ở khoảng cách rất xa để nhìn và suy nghĩ cách làm sao tiếp cận được bà đây? Bởi tôi không thể tin được rằng lại có một bà lão cô đơn và khép mình đến đáng sợ như thế ở Sài Gòn…

Bà sống chỉ một mình trong ngôi nhà mà ba mẹ để lại, đối diện nhà thờ Tân Định. Bà không chồng không con, với lí do là: “Người ta thương mình nhiều lắm, nhưng mà mình hổng có thương lại! Cũng hổng hiểu sao”.

Bà còn có một người em trai định cư ở Mỹ, chỉ thi thoảng mới gọi về thăm bà, còn về tận Việt Nam thì cũng là lâu lâu mới về thôi.

Nhưng bà thương em, suốt buổi chuyện trò với tôi bà chẳng trách em trai một lời: “Bên Mỹ khó khăn lắm, hổng phải ai ở bển cũng là sướng đâu, muốn xài cái gì là phải suy nghĩ chắt chiu từng đồng. Mà ở bển tụi nó tính kỹ lắm, nó (em trai bà) muốn gửi tiền về cho tui thì cũng phải hỏi ý vợ nó nữa”.

Khi được hỏi tại sao bà không kể về cuộc sống khó khăn của mình cho em, bà lắc đầu nguầy nguậy và dứt khoát: “Thôi! Nói chi để nó nghĩ nhiều. Để nó sống yên ổn bên đó, nó còn con cái”.

Bà sống nhờ tình thương của vài người hàng xóm tốt bụng và những thanh niên trẻ tuổi biết đến câu chuyện của bà mà thăm nom hỗ trợ cơm nước hằng ngày.

Già yếu lại bệnh tật, việc tự chủ trong hoạt động sinh hoạt của bà rất hạn chế. Từng miếng cơm, chai nước cũng là của người ta mang cho. Căn nhà của bà luôn bốc mùi khó chịu vì đồ để không ai xếp, rác rưới không ai dọn.

Chu vi sinh hoạt của bà vừa là chỗ để bà ăn, bà ngủ, lại vừa là chỗ để bầy chó, mèo của bà tiểu tiện và đại tiện hằng ngày, ngay ở đó, và không ai dọn. Lâu dần, ngoài bà và lũ chó, mèo, căn nhà còn là nơi cư ngụ của chuột, gián, bọ, kiến và vô số những loại côn trùng khác.

Chu vi sinh hoạt của bà vừa là chỗ để bà ăn, bà ngủ, lại vừa là chỗ để bầy chó, mèo đại tiện…

Bà già ngủ ngồi cùng bầy chó mèo bầu bạn

Người ta gọi bà là “Bà già ngủ ngồi” bởi vì… bà ngủ ngồi thật! Cái chuyện lạ kỳ này là có lí do của nó, một lí do rất buồn.

Tuổi cao sức yếu lại không có con cháu bên cạnh, mọi sinh hoạt hằng ngày của bà đều phải tự làm một mình mà không có ai giúp đỡ. Hồi đó, bà hay xuống gian nhà sau để nấu nướng và tắm rửa bình thường.

Nhưng có một lần, do chân yếu đi không vững, bà không may bị ngã xuống nền đất mà không tự đứng dậy được. Bà nằm sõng soài như vậy cả đêm cho đến sáng hôm sau mà không có ai đến giúp. Hôm đó, thành phố mưa lớn, nước dột từ trên mái xuống thấm ướt cả người bà.

Tâm sự với tôi, bà tủi thân trách móc: “Tui có gõ gõ vô cửa cho người ta nghe nè, mà tụi con nít nó thấy, nó sợ rồi chạy đi. Tới sáng hôm sau có thằng giao báo tới thấy, mới đỡ dậy. Từ đó đâu dám vô trong nữa đâu, ở ngoài đây thôi”.

Ngày hôm đó trời Sài Gòn mưa lớn khiến bà té ngã và những tiếng kêu cứu trong vô vọng…

Vậy là từ hôm đó, bà chỉ sống ở trước cái hiên vỏn vẹn tầm đâu mười mét vuông đổ lại, với một con chó, hai con mèo cùng một đống đồ vương vãi đặc mùi hôi.

Bà luôn ngủ trên cái ghế bố từ ngày này sang ngày khác, vậy nên lâu dần làm cổ bị ngoẹo sang một bên, không còn ngẩng thẳng đầu lên được nữa.

Lúc nào nói chuyện, bà cũng phải ngoẹo cổ ngước nhìn. Sinh hoạt, vệ sinh thì tại chỗ, đến nỗi bà phải nhốt lũ chó, mèo trong những cái lồng bên cạnh mình để tiện cho bà chăm sóc và trò chuyện cùng chúng vào mỗi lúc buồn…

Nhắc về những người bạn chó, mèo của bà, tôi lại thấy trong đó là một tình yêu thương tuyệt đẹp, một sự nương tựa lẫn nhau giữa những cá thể cô đơn trong cuộc sống. Bà vốn yêu động vật, đó là kiểu yêu thương mà bà có thể nhường nhịn phần ăn ít ỏi của mình cho chúng.

Chuyện là buổi chiều tôi ghé thăm, bà được cô hàng xóm tốt bụng ngay sát bên nhà mang qua cho chén thanh long được gọt sẵn để ăn tráng miệng sau khi bỏ bụng hộp cơm rau muống thịt heo mà một người hảo tâm nào đó mang qua cho hồi sáng.

Qua đến nơi thì cô hàng xóm giận bụng mà to tiếng khi thấy bà cứ múc cơm và rau cho con chó, con mèo ăn, còn bản thân thì chỉ ăn vài muỗng.

“Thôi! Bà ăn đi rồi cho nó ăn, ăn không hết thì hãy cho nó. Ăn đi!” – cô hàng xóm la lối cũng chỉ vì xót ruột. Thế mà bà nghe xong vẫn cứ nhất quyết cho đám chó, mèo ăn: “Nó thích cái này. Kệ, tôi no rồi!” khiến tôi và cả cô hàng xóm cũng “nhót ruột” thương bà mà chỉ dám tặc lưỡi, lắc đầu nhìn chứ chẳng biết làm sao vì đó là ý thích của mà cơ mà!

Đoạn cũng là nói về chuyện chó mèo, cô hàng xóm dịu giọng mà kể: “Bả thương tụi nó lắm. Hồi đó bị mất con mèo, bả khóc quá trời!”.

Tuổi trẻ huy hoàng, từng là du học sinh ưu tú ở Mỹ, nói tiếng Anh như gió

Năm 1951, bà Liên được bên hội đạo cử đi học ngành Hóa học ở Mỹ tại tiểu bang Chicago. Vốn thông minh và chăm chỉ, bà cùng nhóm du học sinh Việt Nam cùng thời đã tử tế mà đem cái truyền thống hiếu học, cùng bản tính chịu khó đi chinh phục tinh hoa tri thức nơi xứ người.

Cốt chứng minh cho sinh viên ngoại quốc thấy rằng người trẻ nước ta về cái sự học hành thì chưa bao giờ thua kém ai.

Nghe bà kể lại chuyện đi du học hồi đó, tôi cảm thấy ngưỡng mộ lắm bởi đối với bà, chuyện học nó “dễ như ăn cháo”. “Bên đó học dễ lắm, vì mình chỉ toàn lo học, còn tụi nó thì đi chơi. Mình làm gì có tiền đi chơi, vậy nên toàn học, học rất giỏi, học rất dễ” – Bà nói nghe nhẹ như bâng.

Khoe về thành tích học tập của mình thời “còn con gái”, bà hãnh diện: “Tui là một trong những người ra trường đầu tiên mà được cấp bằng cấp Mỹ”.

Sống và học tập bên Mỹ 10 năm nên vốn tiếng Anh của bà rất tốt. Nhưng bất ngờ hơn cả là dù đã hơn 75 tuổi và trở về Việt Nam sinh sống từ rất lâu, bà vẫn nói tiếng Anh “như gió” mà tôi nghĩ rằng giới trẻ bây giờ nếu được dịp nghe bà trổ tài nói tiếng Anh thì cũng phải ngã mũ “tâm phục khẩu phục”.

Bà là một trong những người ra trường đầu tiên mà được cấp bằng cấp Mỹ.

Bà là một trong những người ra trường đầu tiên mà được cấp bằng cấp Mỹ.

Dù đã lớn tuổi, bà vẫn không ngừng học hỏi và theo dõi tin tức xã hội. Vật bất li thân của bà là chiếc radio cũ kỹ. Bà nghe tin từ đài Việt sang đài Mỹ, và nghe mỗi ngày. Đối với bà: “Kiến thức là không biên giới”.

Sau khi về nước, bà đi dạy Hóa, trở thành người phụ nữ tân thời có công việc ổn định, thu nhập tốt. Do thời thế thay đổi, sau này bà chuyển nghề sang dạy tiếng Anh.

Đối với bà, sau khi trải qua vô số những thăng trầm, sóng gió của cuộc đời, bà chỉ trầm mặc mà buông ra một câu rồi lặng lẽ thở dài: “Cuộc đời là vòng tuần hoàn của sự hên – xui, may – rủi”.

Như tôi đã nói từ lúc đầu rằng một khi đã được bà tin tưởng và được bà kể chuyện cho nghe thì chẳng thể nào mà muốn rời đi đâu.

Mãi đến khi bà bảo chứ “thôi muộn rồi về sớm đi” thì tôi mới chợt thấy ánh nắng chiều cuối cùng của Sài Gòn cũng đã buông xuống. Vì thế tôi đành phải xin phép bà và hứa sẽ quay lại thăm bà vào một ngày hoàn toàn không hề xa.

Bởi tôi vẫn còn muốn được nghe nhiều hơn nữa từng câu chuyện và từng cái quan niệm nhân sinh rất đỗi tân thời mà không phải một bà lão bước qua tuổi này vẫn còn có thể kể cho lớp trẻ được nghe, được học hỏi hay đến thế.

Bà cười hiền mà bảo: “Giờ đi dạy hả? Đi cẩn thận nha. Đường xá xe cộ giờ đông quá, hồi xưa đâu có như vậy”. Tôi chợt nhớ khi còn sống, ngoại cũng hay dặn tôi mỗi lần ra đường như vậy.

Bất cứ ai khi chưa tiếp xúc cũng đều cảm thấy sợ bà vì dáng người khô khốc, ngôi nhà nặng mùi và cái ánh nhìn u ám qua đôi mắt đỏ lừ lúc nào cũng đổ ghèn xanh.

Nhưng “bà già ngủ ngồi” trong con phố Sài Gòn hiền lắm, bà nhân hậu và đầy lòng bác ái. Bà hay chia đồ ăn được biếu cho cô hàng xóm thường xuyên sang giúp đỡ, bà yêu thương lũ chó, mèo và chăm chúng từ khi còn đỏ hỏn, bà nói “hello” với những ông bà Tây bất chợt đi ngang qua mà đang ngơ ngác tìm nhà người quen, và bà mừng rỡ mời bánh, mời kẹo với những cô cậu thanh niên không hề quen biết như chúng tôi.

Trong ngồi nhà cũ kỹ kẹp giữa hai căn biệt thự to lớn trên con đường Đinh Công Tráng, có một bà lão mà cuộc đời của bà vừa là một góc cuộc sống cần được quan tâm và thấu cảm, vừa là câu chuyện đầy cảm hứng về một tấm gương không ngừng mưu cầu tri thức dẫu tuổi đã xế chiều.

Theo saigonnews


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: