Đó là một quán hủ tíu, bình thường như bao quán hủ tíu khác, ở Sài Gòn, có khác chăng là quán trông có vẻ sang trọng hơn tấm biển “hủ tíu bình dân 20.000đ”, quán chiếm trọn một khoảng sân của một ngôi biệt thự lớn, chỉ bán buổi sáng, khách rất đông, xe dựng tràn cả vỉa hè phía trước và bên hông, quán sạch, bàn ghế gỗ, tô dĩa sành màu trắng, đũa gỗ hồng và muỗng inox sáng tinh, rau xanh giá tươi nhìn bắt mắt, đông khách cũng phải. Quán có rất đông người phục vụ, buổi sáng trời chưa tỏ đã có người đến, phụ chủ quán bày biện bàn ghế, sắp xếp gia vị, nhóm lửa bắc nồi xách nước, xắt thịt soạn giá rửa rau… Người đến trễ hơn thì phụ coi xe, dẫn xe cho khách, dọn dẹp, rửa tô, lau khô, chạy bàn, tính tiền… Người đến trễ nữa thì phụ dọn bàn ghế, rửa nồi, xếp lại lại tô chén, lau chùi cái sân cho sạch sẽ… Quán có rất đông người phục vụ, người chạy bàn thường là những người lớn tuổi, khách đến, họ ra lau bàn, hỏi khách dùng chi, xương nạc giò hay bò viên, rau giá hành ngò tiêu ớt thế nào, rồi vô báo lại cho chủ quán, chờ làm xong thì bưng ra bàn cho khách, đi phục vụ bàn khác. Khi khách dùng xong, họ lại đến bưng đi, dọn dẹp, rồi nhẹ nhàng rút xấp vé số ra mời khách mua, khách mua hay không thì họ cũng cảm ơn, tiễn khách trịnh trọng Quán có rất đông người phục vụ, có người lớn tuổi, có người tàn tật, có cả phụ nữ ẵm con nhỏ, nhiều người nói nhiều giọng, giọng bắc, giọng quảng, giọng nẫu, giọng huế, giọng miền tây… tuần tự ai đến lúc nào vô phụ việc lúc đó, ai mạnh làm nhiều ai yếu làm ít… tuần tự ai cũng được đãi một tô hủ tíu tú nụ, ai thích gì ăn nấy, tự lấy cho mình cũng được, dĩ nhiên là miễn phí, ai cũng được chủ quán han hỏi, cảm ơn chu đáo, ai làm xong ăn xong thì tản ra đi làm việc của mình, bởi họ là những người bán vé số, mua ve chai phế liệu hay xích lô ba gác… lòng vòng Sài Gòn. Quán đông khách lắm, hủ tíu ngon người ta mới ăn đông, khách gần đó có, khách từ xa tới có, khách đi SH, @ cũng có mà khách đi xe đạp, xe thồ cũng có, ai cũng được đối đãi lịch sự, vui vẻ. Mấy đứa sinh viên trọ học gần đó chỉ cần trả mười ngàn là cũng có một tô hủ tíu ngon lành, y chang người ta, đứa nào ốm yếu hay đến mùa thi còn có thêm cục giò, cục thịt, ăn cho khỏe có sức vóc học hành, mấy ông già xích lô, ba gác, ăn xong còn xin bịch nước lèo với cục xương hay mấy viên bò viên, đặng buổi trưa mua hộp cơm không chan vô ăn, cũng ngon lành… ai có tiền trả, ai không có thì đưa năm bảy ngàn, kẹt nữa cứ ăn thiếu, rồi có thì trả, không thì thôi, không ai kể. Hai ông bà chủ quán cũng già lắm rồi, đã gần tám mươi, nghe nói cả đời lam lũ. Căn biệt thự của quán hủ tíu là nhà con trai cả của ông bà, ông bà có năm người con, năm người này hằng tháng đều phải góp vốn vô xe hủ tíu, để ông bà buôn bán cho vui tuổi già. Hai ông bà chủ quán cũng già lắm rồi, ông bà có năm người con, ai nấy đều giàu có sang trọng thành đạt xe hơi nhà lầu, cháu nội ngoại của ông bà gần chục đứa, trai thời đều khôi ngô tuấn tú, gái thời xinh đẹp giỏi giang, đứa nào cũng ngoan hiền lễ phép, đứa nào cũng thông tuệ sáng sáng… người ta nói bọn nhỏ hưởng phước của ông bà, từ cái quán hủ tíu, bán buôn cái tình, ở Sài Gòn. Theo Đàm Hà Phú