Mong ước cuối đời: “Con cái thành đạt, sinh cho cô đứa cháu ẵm bồng. Riêng cô thì về quê để được gần với mộ phần của cha mẹ và chồng.” Một đời gánh tàu hũ nuôi con Cô họ và tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ái (SN 1965, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi). Cô từng có chồng và 2 đứa con. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười, nào ngờ, người chồng đột ngột qua đời sau cơn đau “thập tử nhất sinh” để lại 2 đứa con thơ dại. Từ đây, một mình cô Ái phải còng lưng nuôi con. Vì ở quê quá nghèo nên cô đã đưa hai con vào Sài Gòn kiếm sống. Cô chọn khu làng đại học Thủ Đức (TP. HCM) để mưu sinh nghề tàu hủ nuôi con, đến nay đã ngót 20 năm. Hỏi về cô, hầu như sinh viên nào trong làng đều biết. Họ tếu táo bảo nhau: “Cô Bảy Ái tàu hũ ngon nhất làng, cứ thử đi rồi sẽ biết.” Qủa như “thiên hạ đồn đại”, món tàu hũ của cô ngon đáo để. Nghe cô kể mới hiểu hết những gian khổ. Ngày mới nấu cô cũng vấp phải muôn vàn khó khăn để có được công thức như bây giờ. Tàu hũ cô Bảy Ái ngon nhất làng đại học Trước khi bán tàu hũ, cô Ái đã trải qua nhiều công việc khó nhọc khác như bán vé số, rửa chén thuê,… Rồi nhờ sự giúp đỡ của một người chị cùng phòng trọ, cô Ái tự tìm cho mình một công thức nấu tàu hũ. Không lâu sau, cô đi bán, được rất nhiều người khen ngon, gánh tàu hũ bán hết sạch. Nghiệp bán tàu hũ gắn liền với đời cô từ đó. Cái cực nghề tàu hũ là dậy sớm. Cứ độ 2 giờ sáng, cô Ái đã phải thức dậy nấu hai nồi tàu hũ cùng một ấm nước đường. Khoảng 5 giờ, cô gánh ra sau cổng Đại học Thể dục thể thao, sắp bàn ghế vào một góc nhỏ ngồi bán tới 4 giờ chiều. Mỗi gành kiếm được tầm hơn 200 nghìn đồng. Số tiền này chỉ đủ chi trả phí sinh hoạt và nuôi hai con đi học cuộc sống nơi phố thị. Tàu hũ cô Bảy Ái gắn liền với biết bao thế hệ sinh viên làng đại học. Nhiều sinh viên còn bảo: “Không ăn tàu hũ cô Bảy thì đích thị không phải dân trong làng.”. Cô Ái cũng là người tốt tính. Nhiều khi gặp trường hợp sinh viên không đủ tiền, cô cũng chỉ xuề xòa bảo: “Khi nào có trả cũng được, không thì xem như cô cho, ráng học giỏi làm có tiền nhớ tới ăn tiếp là được.” Ước mơ giản dị của một người mẹ Tuy cuộc sống còn lắm vất vả nhưng lúc nào cô Ái cũng luôn sống lạc quan. Cô luôn tự an ủi bản thân: “Cuộc sống này còn nhiều người đáng thương hơn. Phải nhìn xuống để thấy mình còn hạnh phúc. Giờ, cô có một chỗ bán ổn định như thế là quá đủ rồi. Cô vẫn nhớ những ngày gánh tàu hũ rong ruổi khắp ngõ ngách. Có hôm bị dân phòng thu bàn ghế, cả nhà phải nhịn đói, ôm nhau thút thít.” Không buôn bán tay chân lại run cả lên Vốn không được học hành tử tế, cả cuộc đời phải vất vả với trăm thứ nghề tay chân, cô Ái hiểu rõ được tầm giá trị của việc học. Vì thế, dù cực khổ nhưng cô luôn cố gắng cho các con được học đến nơi đến chốn. Hiện, con trai đầu của cô là Nguyễn Xuân Trường đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Còn đứa thứ hai là Nguyễn Thị Thu Phương đang là sinh viên năm 3 trường đại học Thể dục thể thao TP HCM. Gánh nặng trên vai cô đã nhẹ hơn. Nhiều lần, các con có ý muốn cô ở nhà để phụng dưỡng, cô lại nhất quyết từ chối. Cô cười nói: “Không buôn bán tay chân lại run cả lên. Ngồi nghe sinh viên kể chuyện thế mà vui. Nhiều đứa thương còn kêu mình bằng mẹ.” Dẫu vậy, cô Ái vẫn luôn tâm niệm: Cô xa quê hơn 20 năm, mộ phần dòng họ không ai chăm sóc. Giờ đây, cô Ái chỉ có mong ước cuối đời: “Con cái thành đạt, sinh cho cô vài đứa cháu ẵm bồng. Riêng cô thì về quê để được gần với mộ phần của cha mẹ và chồng.” Trời nhá nhem tối, tôi ăn vội chén tàu hũ, đứng dậy chào cô ra về cho kịp chuyến xe buýt cuối ngày. Cô nở một nụ cười, hẹn dịp khác lại ghé. Từ xa, bóng cô nhỏ dần trong nắng chiều hắt hiu… Theo Huy Hậu