Sài Gòn về đêm không tĩnh lặng mà huyên náo. Sài Gòn về đêm lung linh và huyền ảo sắc màu. Sài Gòn về đêm lập lòe mảng sáng tối với những cảnh đời mưu sinh vất vả, với những giấc ngủ chập chờn trong đêm… Tôi đã có dịp đi qua đêm ở nơi này, cùng những người vô gia cư làm bạn dọc đường. Những người ngủ đêm giữa nghìn ngôi mộ ở Sài Gòn Tha hương ở Sài Gòn hoa lệ, đêm đi lưới dơi dưới ánh đèn vàng Đến Sài Gòn vào một chiều cuối tháng 3, với đủ thứ suy nghĩ tò mò về thành phố năng động này, về con người nơi đây. Mong muốn được một lần đi qua đêm ở nơi được xem là “Thành phố không ngủ”, muốn được trò chuyện với mảnh đời ẩn dật lúc đêm về, dù là Hà Nội hay Sài Gòn vẫn còn nhiều những “phận đời ẩn náu”. “Người li hương tần tảo kiếp lầm than” Sài Gòn về đêm đẹp lắm. Tòa nhà Bitexco sáng lên nhiều màu, con Tàu Sài Gòn mang cả dòng điện là là trên mặt sông sáng rực. Nơi Nhà thờ Đức Bà, nhiều bạn trẻ tụ tập, ngồi bệt, vây quanh thành từng nhóm nói chuyện, đàn hát xuyên màn đêm. Dù đã khuy khoắt những quán xá bên đường vẫn mở cửa, lửa bếp vẫn còn bùng cháy… Bỏ qua những tấp nập của Thành phố, bỏ qua những điểm vui chơi, những hàng quán là những mảnh đời vật vờ, dật dờ về đêm. Cũng như Hà Nội, những người vô gia cư đều là những tỉnh lẻ, đang manh nha cơ hội kiếm sống ở một nơi đất chật, người đông. Người ta vẫn thường nói rằng Sài Gòn là miền đất hứa vì thế người dân cả 3 miền Bắc Trung Nam đều đổ xô về đây để kiếm kế sinh nhai, nhưng lời hứa đấy không phải dành cho tất cả mọi người. Người thì nhà cao, cửa rộng, mặc đồ hàng hiệu. Kẻ còng lưng làm việc cả đêm lẫn ngày vẫn chẳng đủ ăn. Hằng ngày, cụ ông xin tắm rửa trong nhà tang lễ, ban đêm ngủ ở dọc đường. Ngồi bệt ở con đường Lê Hồng Phong (Phường 3, Quận 5) ông Hòa vừa sắp xếp lại “hàng hóa” của mình, vừa phì phèo điếu thuốc mới châm. Ngày xưa, ông là lính ngụy. Sau khi miền Nam được giải phóng ông cùng với mẹ lên thành phố lăn lộn đủ nghề để sống. Ông tâm sự: “Ông làm việc này được 40 năm rồi, sáng thì dậy sớm phụ người ta dọn hàng bán cà phê, chiều thì đi lượm ve chai”. Chạm vào chiếc áo ông đang mặc, vừa khô, vừa cứng tôi nhớ đến chiếc áo lao động ngấm nhiều mồ hôi của bố vừa nhăn nheo vừa thô ráp. 1h sáng, lạc bước đến đường Hồng Bàng (Phường 14, Quận 5), đang ngồi vật vờ chụp ảnh đường phố, bất ngờ hình ảnh của 2 ông bà bán vé số dắt díu nhau lọt vào khe ngắm. Qua câu chuyện ngắn ngủi giữa đường, tôi biết được họ là 2 chị em. Hằng ngày, bà Huyên dắt em trai bị mù đi khắp các con đường ở Sài Gòn để bán vé số. Họ là người Phú Yên rong ruổi trên đất thị thành này cũng đã ngót 10 năm mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Vừa nói, bà vừa lục tìm địa chỉ phòng trọ đưa cho tôi xem. Căn nhà 24/22A, đường Nguyễn Văn Cừ, Phường Cầu Kho, Quận 1 là căn nhà tập thể, ông bà sống cùng với hơn 30 người khác, họ cũng đều là dân tỉnh lẻ lên Sài Gòn sinh sống. Hằng ngày bà Huyên dắt díu người em trai bị mù đi bán vé số ở các con đường Sài Gòn Ngày nào cũng vậy, đi làm từ 3 giờ chiều nhưng đến 1-2 giờ sáng mới về mà tiền kiếm được cũng chỉ là “mỗi chiếc vé số lời có 1 ngàn thôi à”. Nhìn xấp vé số trên tay vẫn còn dày, tôi chẳng lãng phí thời gian của bà thêm nữa. Tặng ông bà hai chiếc bánh mì cùng với chai nước mới mua, ông bà luôn miệng “A di đà phật” và cảm ơn các cháu rối rít. Bóng hai người dắt díu nhau đi xa, xa mãi. Giấc ngủ thấp thỏm âu lo 2h sáng. Người và xe cộ vẫn nườm nượp chạy, không đông đúc như ban ngày nhưng cũng đủ để thấy rõ một Sài Gòn sống về đêm. Một “Sài Gòn đêm” với “những cuộc vui thâu đêm suốt sáng” (Bài thơ Sài Gòn đêm). Đi tiếp đến con đường 3/2 (quận 10), ở đây gần bệnh viện Nhi đồng và chợ nên có rất nhiều người vô gia cư sinh sống. Tôi đang kéo chiếc chân chống trước của xe máy, định ngả lưng lên yên xe nghỉ một chút. Bỗng giật bắn người khi tôi tia thấy một đường đàn ông hết nằm xuống lại ngồi dậy ngó nghiêng. Chú Thành chập chờn lo sợ, ánh mắt ráo hoảnh nhìn về mọi phía, bên cạnh là hương vòng diệt muỗi. Đó là chú Thành, người Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày thường chú chạy xe 3 gác nhưng chiếc xe vừa bị quản lí trị trường tịch thu nên chuyển sang nghề lượm ve chai. Lên Sài Gòn sinh sóng được 20 năm, quần quật làm ăn mà vẫn không đủ tiền thuê nổi một căn nhà, chú nói: “Thuê nhà không đủ tiền, ban ngày có ở nhà đâu, ban đêm ngủ xíu thế à, phí lắm”. Đang dở dang câu chuyện, định bụng nói chuyện với chú chờ trời sáng về phòng trọ đánh một giấc ngủ say sưa, nhưng chú nói: “Đừng tụ tập ở đây đông quá, công an đi tuần tra suốt, đi đi nếu không chú cũng chẳng có chỗ ngủ đâu”. Không giấy tờ tùy thân, không họ hàng thân thích, những người như chú Thành bị kiểm tra thường xuyên, chú nói việc “đổi chỗ ngủ như cơm bữa, nếu không sẽ bị đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội”. Một mình một xe tìm chỗ ngủ trong đêm tối Lặn lội lọc cọc chiếc xe đạp đi từ quận Tân Bình đến quận 5 để ngủ, bác Hùng không có một nghề nghiệp gì cả, hằng ngày cứ chực chờ ở nhà hàng Phong Lan để kiếm cái ăn. Bác nói: “Tôi bị đau bao tử, ăn có một chút là no à. Chẳng làm được gì thỉnh thoảng người ta cho cái gì thì tôi ăn cái nấy, có lúc cũng chỉ có mỗi ổ bánh mì là xong bữa”. Cái lạnh bắt đầu xuyên thấu, hai con mắt như muốn sập xuống. 3 giờ sáng, tôi quay về quận 1, tìm kiếm một chỗ ngả lưng chờ sáng. Con đường Nguyễn Huệ thoáng đãng hơn, không còn người đi bộ đông đúc như ban chiều, rải rác là các bạn trẻ vừa ta, vừa tây đang trượt patin. Thỉnh thoảng có bóng dáng của các chú công an đi tuần. Cái lạnh tê tái bắt đầu ngấm vào sâu, đâm xuyên từng lớp da thịt, từng cơn gió thốc lên, mái tóc rối bời trong gió. Áp mặt lên thành ghế, cố nhắm mắt để ngủ một xíu. Trong chập chờn, tôi vẫn nghe tiếng rao bán bánh mì Sài Gòn, tôi vẫn nghe thấy tiếng bước chân, tiếng cười nói còn sót lại. Mặt trời đang nhô lên, cơn nóng cắt da cắt thịt của mùa khô đã xua tan đi cái lạnh ngắt của đêm Sài Gòn, công việc thường nhật lại bắt đầu. Theo Lao động