Tới thăm anh phải leo lên tận lầu năm của chung cư cũ. Chỉ cần gởi xe hỏi thăm Lê Bình ai cũng tận tình chỉ ngôi nhà tuốt ở trên cao. “Kịch cùng Bolero”: Nam Thư được khen diễn xuất giỏi khi đanh đá, tráo trở và dùng thủ đoạn giật chồng Người Sài Gòn có thể không giàu nhưng thấy xót trong dạ là làm thôi, có nghĩ gì đâu Gặp nhau, anh cười hỉ hả, vui lắm vì đến tận bây giờ anh mới biết tình cảm của xã hội dành cho anh quá nhiều. Từ ông Trung tướng quân đội, một vị sư thầy xa lạ cho đến các em cháu tuốt bên Mỹ cũng thuộc làng showbiz, chỉ cần nghe tin Lê Bình bệnh là rủ nhau góp tiền gởi về để chú có thêm tinh thần trị bệnh. Việt Trinh gấp 1.000 hạc giấy cầu phúc cho Lê Bình Anh chỉ vào cái máy nước lọc mới mua, cùng các thiết bị lỉnh kỉnh để trong nhà, khoe: “Nhóm nghệ sĩ Trần Bùm, Lê Nam, Hoàng Mèo, nhạc sĩ Quốc An… rủ nhau đi đá bóng ủng hộ. Mới hôm qua, Việt Trinh dám leo lên đến tận ngôi nhà này gửi tiền, 1000 con hạc giấy để chúc phúc cho tôi, tình cảm này khiến tôi cũng lúng túng đôi phần. Vậy mà Việt Trinh vẫn tỉnh bơ: “Anh ơi, lúc hoạn nạn như vầy, anh em mình mới cần với nhau. Lầu năm mà ăn thua gì, anh ở trên núi em cũng phải leo lên thăm chứ!”. Lê Bình tâm sự: “Ngày trước tôi chỉ đóng cho Việt Trinh vài ba phân đoạn trong bộ phim: Duyên trần thoát tục, vậy mà mới đó đã hơn 10 năm, con bé vẫn nhớ để có cuộc viếng thăm nghĩa tình thế này. 1000 ngàn con hạc giấy, tưởng chừng như một hũ đồ chơi, nhưng tôi biết, cô ấy đang thành tâm chúc cho tôi được bình an, chỉ nhìn hạc giấy là tôi đã thấy khoẻ lạ lùng”. Mới đây, anh nhận được tiền lì xì từ nhóm bạn nhỏ Việt kiều, nghe nói ngày xưa có đóng vai quần chúng với anh. Rồi Mạc Can trong tình trạng lê từng bước chân, cũng lên tận lầu năm thăm làm anh phấn chấn như mới uống nghìn hộp thuốc bổ. Cuộc sống vốn dĩ còn nhiều cái đẹp lắm, chỉ khi nào mình đối diện với sự cùng cực, nó hiện ra cứ như một câu chuyện cổ tích vậy. Tôi nghĩ, sau ít ngày tôi và Mai Phương khoẻ lại, chú cháu sẽ cùng nhau mời những vị ân nhân này một buổi cơm chay”. Anh hồ hởi khoe: “Mới nhận lịch quay từ đoàn phim, tôi phải lên phim trường 3 ngày trong những ngày tới. Chỉ cách đây nửa tháng tôi thấy mình tiêu rồi, vậy mà bây giờ cơ thể như hừng hực, luôn nghĩ đến ngày quay để mà háo hức, nghĩ thấy cũng lạ”. Hỏi anh cái đầu trọc lóc như vậy làm sao đóng? Rồi liệu sức khoẻ có chịu nổi không? Anh lại cười: “Tổ thương, tôi đóng vai quan nên đội mũ là xong. Lịch quay, đoàn phim hứa sẽ ưu tiên quay đặc biệt cho chú Lê Bình để còn về sớm… Bây giờ tôi như sao hạng A chứ bộ, ai cũng quý và ưu ái hết…”. Nói xong anh cười rất duyên. Từng thề không đóng vai… phù thuỷ Nghiệm lại Lê Bình thấy sự nghiệp của mình, tầm trên 100 vai diễn, vai nào cũng có cái quái quái để “chơi”. Từng giành 3 vàng, 3 bạc trong các nghiệp diễn và một bằng khen của Bộ Quốc phòng nhưng anh vẫn hơi buồn là chưa được công nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, vì nghe đâu còn thiếu một cái huy chương. Lê Bình nổi danh nhờ các vai phù thủy trong loạt series Chuyện cổ tích của đạo diễn Minh Chung. Anh bảo: “Thời đó làm gì có công nghệ rạp chiếu như bây giờ, mỗi lần phim ra băng video, phụ huynh rủ nhau mua về chiếu cho con coi bằng đầu máy, thế là cả xóm đồn nhau, ông phù thủy xóm mình “ghê” quá, toàn hút máu người, bắt cóc trẻ con”… Tuy nhiên anh sợ nhất là đóng vai phù thuỷ, vì phần hóa trang của Viêt Nam khi đó còn kém. Mỗi lần làm mặt, dán râu y như một cuộc hành xác. Nóng, nực, bứt rứt… rồi chờ đợi đến lúc diễn là những nỗi cực không phải ai cũng biết được. Có lúc anh tự thề với lòng sẽ không đóng những vai diễn “quỷ quái” này nữa, vì phim chiếu ra, khán giả không biết mặt, lúc biết, người ta lại sợ và không dám lại gần. Đã vậy có hãng quảng cáo sữa còn mời anh đóng vai phù thủy, hù dọa con nít mỗi khi lười ăn, biếng uống… Vai diễn Lê Bình đảm nhận nhiều nhất là nông dân. Cứ tưởng thoát vai phù thủy là ngon, nhưng không biết tiếng lành đồn xa như thế nào, đạo diễn gọi tên anh nhờ đóng vai nghèo. Không chạy ba gác, xích lô, bảo vệ thì cũng là người đưa thư và nhiều nhất vẫn là nông dân chính hiệu. Khán giả thường nhớ Lê Bình trong vai anh đưa thư luôn lật đật trong phim Người đàn bà không hóa đá, ông ngư dân thực dụng trong phim Hải âu, nhà báo láu cá trong Đèn không hắt bóng, ông Hai Khương đầy dằn vặt trong phim Bến mê. Và nhớ nhất là vai diễn diễn lão nông dân nghèo trong Bến Phà. Gia tài của Lê Bình là hơn 100 vai diễn. Anh vào vai đến độ nhiều đạo diễn yêu cầu với tổ hóa trang: Lê Bình thì khỏi đánh phấn, không cần nhắc thoại. Cứ nhìn cái mặt khắc khổ, cái lưng còng còng và sự im lặng với con mắt xa xăm là xem như đã là nhân vật rồi. Nói là như thế, nhưng chỉ có anh hiểu, vì cuộc sống, vốn sống nghèo khó của anh từ những ngày thiếu thời đã vận vào máu thịt, giờ chỉ cần thổn thức lại là y như thật thôi. Hỏi anh vai nào làm anh sang trọng nhất? Anh cười: “Cũng có lần đạo diễn Mỹ Hà bạo gan giao tôi vai Phó giám đốc trong phim Thám tử tư, sau đó đóng luôn vai ông Hán đại gia Việt kiều trong Blouse Trắng nhiều tiền lắm của. Nói thật, dù nhiều người rất thích những vai diễn kiểu này nhưng mấy ai biết trong trong quá trình đóng phim, tôi khó chịu gần chết, vì mặc những bộ trang phục sang trọng, rồi ăn nói đi đứng kiểu đại gia ngại làm sao. Cũng may vốn sống của mình nhờ đi nhiều, biết nhiều nên nhập vai cũng đạt yêu cầu”. Dư âm từ vai diễn… độc Hơn 100 vai diễn, vậy mà hỏi anh vai nào đậm nhất trong lòng khán giả? Anh lại cười phân bua: “Cái số tôi không thuộc về ngôi sao, nên vai nào đóng cũng ngọt, nhưng để vang danh thiên hạ thì chỉ có đôi ba lần. Đình đám có vai diễn Bảy cô đơn giúp đoạt giải Diễn viên phụ xuất sắc nhất của HTV Award năm 2010 trong bộ phim Vùng đất không yên tĩnh của đạo diễn Phương Nam. Đây là vai diễn một chiến sĩ đặc công trở về quê với nghề làm ruộng đối diện với bao sóng dữ trước cuộc cải cách mới của nhà nước. Vai này làm tôi nhớ lại cái thời mới nhập cuộc Đất Phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn cũng vai anh nông dân trong phân đoạn máu đổ trên cánh đồng khi chiến đấu với bọn lính Tây”. Lê Bình từng bị hiểu nhầm vì phim. Đôi khi, Lê Bình cũng khổ vì phim. Trong vai gã họa sĩ hom hem được cô bé hàng xóm mơn mởn (Hiền Thục) yêu thầm trong Ở trọ nhà mình với nhiều tình huống “trâu già được gặm cỏ non” anh bị nhiều người chọc đào hoa tốt mã. Riêng vai ông Hai trong phim Một cơn mê, đạo diễn Lê Dân cho anh vào một tình huống oái oăm: Nhậu xỉn rồi cưỡng hiếp đứa cháu gái (Nhật Kim Anh), miêu tả cái thời nông dân vì rượu mà tan nhà nát cửa, mất hết thanh danh cũng vì rượu. Thời đó, không chỉ cả cái làng trong phim ngờ vực căm ghét Lê Bình, mà ngay cả hàng xóm nơi anh ở, hoặc lúc ra đường ai thấy mặt cũng liếc mắt nhìn anh, như phát hiện ra cái lão chẳng ra gì. Anh bảo: “Cái số của tôi là vậy. Vai giàu thì mình khó chịu, đóng vai nghèo, vai quái thì cực thân, còn vai ác thì “chúng” ghét”… Nói xong anh lại cười, bởi cái nghiệp diễn, chung quy lại hạnh phúc chính là những nỗi oái oăm như thế. Sống với nghề tay trái Nếu ai lần đầu gặp Lê Bình sẽ khó nhận ra anh sở trường là gì. Sắm cái máy ảnh chuyên nghiệp đi chụp khắp xứ. Từng vẽ pano với giá quảng cáo đàng hoàng. Sau đó người ta thấy anh làm đạo diễn văn nghệ từ phong trào quần chúng cho đến sân khấu chuyên nghiệp. Và hình ảnh tác giả Lê Bình xuất hiện đều đặn mỗi đêm trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, hoặc hàng trăm tiểu phẩm hài về đời sống của người bình dân, nông dân được phát sóng trên khắp kênh truyền hình. Lê Bình phải làm nhiều nghề để duy trì cuộc sống. Đời của anh, có những lúc lạ thường. Như lúc làm “chuyên gia tư vấn” cho bà con nông dân về việc làm nông của Đài truyền hình Vĩnh Long. Ở vai trò này, anh được ngồi ngang hàng với tiến sĩ, thạc sĩ… kinh tế nông lâm. Anh bảo, ở vai trò nho nhỏ này, người ta bảo tôi cứ nói theo đúng chất Lê Bình. Tưng tửng, hài hước, dí dỏm… vậy mà bà con khoái quá, khiến lãnh đạo đài lên lương gấp ba lần, đủ giúp tôi nuôi cả gia đình năm miệng ăn suốt một thời gian dài. Có lúc về miền Tây, Lê Bình cứ như một ngôi sao, bà con xin chữ ký, tặng gạo, trái cây ăn thoải mái. Nhớ nhất là lần anh vào vai anh Ba Vui trong chương trình Ra khơi của hãng phim Cửu Long. Lê Bình chỉ việc trò chuyện, ra câu đố khán giả về trái cây, thực phẩm vùng quê… Anh nhập vai đến độ đạo diễn Phan Hoàng giám đốc hãng phim tặng luôn chiếc xe Attila nguyên thùng cho anh, xem như phần thưởng dành ông già nông dân duyên dáng. Anh bảo: “Lần đó cưỡi con xe Atila dạo quanh thành phố mà cứ tưởng mình bay trên mây, vui và hãnh diện dữ lắm”. Anh kể thêm mấy lần đóng quảng cáo cũng vậy, dường như tổ nghiệp thương, cứ casting là dính vai. Có lần, một hãng quảng cáo xe từ Hà Nội mời anh đóng, ra giá 1.500 USD, bao ăn, bao ở, bao đi chơi Hà Nội thoải mái. Thế mà họ còn hỏi anh có vui không? Anh đáp lại, nếu được cho tôi “xin” 2.000 USD, chắc tôi sẽ khoái trí vì có được cái giá kỷ lục của riêng mình. Cứ tưởng “xin” chơi, ai dè chị giám đốc đồng ý. Ra đến hiện trường, thấy anh em nghệ sĩ Hà Nội bảnh bao trong các vai… phụ, ai cũng hỏi anh: Lĩnh được bao nhiêu mà phải từ Sài Gòn ra đóng vậy. Sau khi dò biết họ lĩnh được một triệu đồng, anh chỉ dám cười nhẹ rồi lí nhí: “Dạ em lĩnh được gấp 5 lần của anh thôi”. Sau lần đó anh thấy mình như một ngôi sao thật sự. Thôi thì tự sướng một mình, chứ nói ra lại sợ người ta mắng mình chết. Theo Vietnamnet