Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – cho biết Hội nghị được tổ chức với 3 ý nghĩa. Đó là thực hiện kế hoạch hành động của TP; thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội với cử tri TP.HCM, đặc biệt cử tri 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện chiến lược thi đua, phát triển phục hồi TP.HCM. Ông nhấn mạnh: “Hội nghị với thông điệp mạnh mẽ: Nói phải làm, hứa phải giữ lời và làm phải làm đến nơi đến chốn”. Chủ trì Hội nghị là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM cho biết : Địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi có những đặc điểm thuận lợi quan trọng, trục phát triển nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – CMT8, tiếp giáp với khu vực đô thị hóa mạnh mẽ lan tỏa từ nội thành hiện hữu. Bên cạnh đó, tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh… Hội nghị thu hút hơn 550 đại biểu tham dự Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nói, quan điểm của TP về phát triển giao thông là ưu tiên phát triển hệ thống logistics, giao thông công cộng, phương tiện giao thông xanh như xe điện, xe buýt điện, xe đạp công cộng. Đến nay, gần 30% xe buýt chạy trên địa bàn TP đang dùng năng lượng xanh. Để phát triển, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021 – 2025 là 533.529 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách TP 218.239 tỉ đồng và vốn khác (Trung ương, ODA, PPP…) là 315.290 tỉ đồng và giai đoạn 2026 – 2030 là 437.125 tỉ đồng). Tuy nhiên, hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của TP đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỉ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020 qua giai đoạn 2021 – 2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021 – 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm. Qua Hội nghị, TP.HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9,415 tỉ USD (tương đương 216.537 tỉ đồng). Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông – kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9,302 tỉ USD, tương đương 213.942 tỉ đồng (6 dự án cầu – đường bộ với tổng vốn đầu tư 8,326 tỉ USD, tương đương 191.500 tỉ đồng; 1 dự án giao thông đường thủy với tổng vốn đầu tư 196 triệu USD, tương đương 4.500 tỉ đồng; 1 dự án đường nội đô với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tương đương 3.800 tỉ đồng; 3 dự án xử lý rác thải với tổng vốn đầu tư 566 triệu USD, tương đương 13.020 tỉ đồng; 1 dự án giảm ngập nước với tổng mức đầu tư 49 triệu USD, tương đương 1.122 tỉ đồng); 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỉ đồng; 3 dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại – dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỉ đồng và cuối cùng là 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – văn hóa – thể thao. Theo: Thanh Niên