Gần 70% trong số 1700 bạn đọc trả lời khảo sát trên mạng của báo Tuổi Trẻ mong muốn đôi bờ sông Sài Gòn thành công viên cảnh quan. Nếu tôi là nhà đầu tư đã và đang ‘xí phần’ những mảnh đất ‘vàng’ ven sông, đây là một tin tốt lành. Người dân đã ‘gợi ý’ cho chính quyền và các nhà đầu tư biết mô hình phát triển hiệu quả nhất cho bờ sông Sài Gòn là gì để dải đất vàng này thành điểm đến hấp dẫn của thành phố. Ông Joe Berridge, chuyên gia quy hoạch cho nhiều dự án phát triển ven mặt nước trên thế giới từ Toronto, London tới Singapore và Sydney, tổng kết:”nơi nào nhiều người muốn tới là nơi ấy tiền chảy tới”. Để biến mong ước giản dị của người dân thành một động lực mới cho thành phố phát triển, lợi nhuận cho nhà đầu tư và chất lượng cuộc sống cho người dân, có ba bước mà những người trong cuộc phải cùng thực hiện: Tiềm năng đôi bờ sông Sài Gòn vẫn đang chờ được khai phá Dung hòa lợi ích Có bốn nhóm có lợi ích trong việc phát triển những lô đất ‘vàng’ ven sông: chủ sở hữu ban đầu, nhà đầu tư bất động sản (BĐS), người dân và chính quyền. Mỗi nhóm đều có mục tiêu riêng. Chủ sở hữu đất muốn bán đất giá cao để có nguồn tiền xây dựng cơ sở mới. Nhà đầu tư thì muốn hệ số sử dụng đất tối đa để tăng lợi nhuận. Người dân thì muốn có không gian xanh trong một thành phố ngày càng ngột ngạt. Mục tiêu của chính quyền phức tạp hơn: vừa cần phải làm hài lòng người dân, vừa không muốn làm mếch lòng nhà đầu tư bởi họ mang tới nguồn thu cho ngân sách và hình ảnh đô thị hiện đại. Chìa khóa cho việc phát triển thành công dải đất ven sông Sài Gòn nằm ở việc tìm ra điểm chung chứ không phải khoét sâu thêm sự khác biệt giữa các nhóm. Điểm chung mà có thể tất cả các nhóm lợi ích đều chia sẻ là mong muốn biến bờ sông Sài Gòn trở thành một điểm đến hấp dẫn cả về cảnh quan lẫn các hoạt động thương mại. Khi ấy, chủ sở hữu bán được đất giá cao, các dự án BĐS của nhà đầu tư có thêm tiện ích và giá trị thị trường, người dân có thêm một điểm vãn cảnh và thành phố có được một dải bờ sông xanh, nhân văn và sống động hơn để thu hút nhân tài, du khách và doanh nghiệp. Công viên Trung tâm ở New York chính là một ví dụ sống động về một điểm đến hấp dẫn: một diện tích không gian xanh đã gia tăng đáng kể giá trị đất đai và góp phần biến khu vực trung tâm đảo Mahattan trở thành trung tâm thứ hai của thành phố. Central Park góp phần khiến Midtown Mahattan trở thành trung tâm thứ hai cuả New York sau khu hạ Mahattan nơi có phố Wall. Tòa tháp cao nhất New York, Empire State Building, hiện cũng nằm ở Midtown. Xây dựng mục tiêu chung Làm sao để bờ sông Sài Gòn trở thành một điểm đến hấp dẫn? Bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã hiến kế: dải đất ven sông Sài Gòn nên trở thành một tuyến công viên xanh và quảng trường công cộng với rất nhiều không gian cho các hoạt động đa dạng từ tĩnh tới động. Tuyến công viên không cần quá lớn hay quá rộng nhưng quan trọng nhất phải liên tục và được kết nối tốt với các tiện ích công cộng (metro, tuyến xe buýt, phố đi bộ, bảo tàng, v.v.) và cả các dự án BĐS tư nhân. Sự kết nối đầu tiên khiến dải công viên ven sông Sài Gòn trở thành một tuyến đi bộ khám phá lịch sử, cảnh quan và văn hóa Sài Gòn độc đáo cho người dân và du khách. Sự kết nối thứ hai chính là giúp cho các nhà đầu tư tư nhân làm ăn phát đạt bằng cách mang đến một lượng khách hàng khổng lồ cho các hoạt động thương mại, đồng thời “lợi dụng” chính các tiện ích công cộng này làm cho các sản BĐS hấp dẫn hơn nữa trên thị trường. Một tuyến công viên cảnh quan ven sông như vậy chỉ có thể thành hiện thực nếu thành phố, với sự tham gia của cộng đồng và các nhà đầu tư, cùng xây dựng một mục tiêu phát triển chung dải đất vàng ven sông. Một mục tiêu chung (có thể đạt được thông qua một đồ án quy hoạch tổng thể) vừa có thể giúp chính quyền thành phố cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và thu hút đầu tư, lại vừa là kim chỉ nam cho các nhà đầu tư trong việc lựa chọn sản phẩm BĐS phù hợp. Khu vực ven sông Singapore tại đảo quốc Sư tử là một ví dụ: thông qua định hướng của chính phủ, các khu phố ẩm thực, khu mua sắm, khu quán bar, khu ở cao cấp hình thành và trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất thành phố. Từ một cảng cá nhem nhuốc, dưới nỗ lực của chính phủ dưới thời thủ tướng Lý Quang Diệu trong việc làm sạch và quy hoạch hai bờ sông, sông Singapore giờ đã là một điểm đến hấp dẫn hàng đầu quốc đảo này. Hợp tác công tư Không có các nhà đầu tư, vùng đất ven sông Sài Gòn sẽ vẫn chỉ là những cầu cảng và nhà xưởng. Nhưng không có vai trò của chính quyền và sự ủng hộ của người dân, tiềm năng của vùng đất này sẽ không bao giờ được khai phá trọn vẹn. Thực tế là giá trị lớn lao mà dải đất ven sông Sài Gòn có được là nhờ một phần những khoản đầu tư khổng lồ của nhà nước bằng tiền thuế của dân vào hạ tầng nơi đây, đặc biệt là tuyến metro số 1. Nếu chủ sở hữu cùng các nhà đầu tư hợp tác với chính quyền để ước mơ có một dải công viên cảnh quan ven sông thành hiện thực thì những dự án trên đất vàng không chỉ tăng thêm giá trị thị trường mà cả giá trị xã hội và trở thành thương hiệu thực sự trong lòng người dân. Mô hình thành công cho phát triển hai bờ sông Sài Gòn. Dải đất ven dòng sông Sài Gòn là nơi phản chiếu rõ nhất quyền lực trong thành phố. Nếu dải đất ven sông bị tư hữu hóa hoàn toàn hoặc bị chia cắt bởi những dự án tách biệt, quyền lực của đồng tiền và sự thiển cận đã lên ngôi. Nếu dải đất ven sông trở thành một dải công viên, kết nối những điểm du lịch và những dự án thương mại tầm cỡ, là điểm đến của cư dân, du khách và các thương hiệu như bất cứ thành phố trù phú nào trên thế giới, hệ thống chính trị chứng tỏ được thẩm quyền, các nhà đầu tư cho thấy tầm nhìn và người dân hiểu được rằng họ chưa bị lãng quên trong bài toán phát triển của thành phố. Nguồn: Nhà quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng/dothivietnam Cú hích khu Đông Sài Gòn Phát triển Trung tâm Sài Gòn Dân Sài Gòn khổ vì triểu cường