Tuy nhiên, có hai lần trong đời “ngủ lang” của mình, tôi bị đánh thức bởi thanh âm buổi sớm mai từ trong những con hẻm tự lúc ánh sáng còn chưa kịp xuyên màn. Mỗi người sinh ra đều có một định mệnh đã an bài sẵn. Và cuộc đời cứ thế mà tiếp diễn cho đến khi ta trút hơi thở cuối cùng. Nếu đúng là như thế, có lẽ nhiệm vụ của tôi được trao khi đến với cuộc đời này đó là viết và đi. Tôi không thể nào ở một chỗ quá lâu, kể cả là ở nhà. Do đó, thỉnh thoảng khi cảm thấy ngột ngạt với hiện tại nhưng lại không đủ điều kiện rời khỏi Sài Gòn vài hôm, tôi lại tìm cách “dạt vòm” rồi lang thang cả buổi để hít hà sự tĩnh mịch của màn đêm và khi nào mệt lữ thì sẽ về nhà đứa bạn nào đấy sẵn sàng “chứa” cô gái hai mấy tuổi đầu vẫn chưa chịu lớn còn thêm cái tội thích nổi loạn. Hoặc không thì chui tọt vào quán cà phê 24 giờ ngủ tạm bợ. Chỉ để hôm sau được thức dậy và nhìn thấy cảnh vật chẳng có gì gọi là quen, vậy là vui. Không rõ lý do vì sao những con hẻm lại được hình thành, nhưng Sài Gòn thì nổi danh thành phố nhiều ngỏ nhỏ với những ngôi nhà chẳng theo một thứ tự quy hoạch nào nằm san sát bên nhau. Vốn đã quen chuyện làm “cú đêm” để thỏa sức viết lách hay rong chơi cho cạn nguồn năng lượng luôn trong tình trạng thừa mứa, ít khi nào tôi dậy trước mười giờ. Tuy nhiên, có hai lần trong đời “ngủ lang” của mình, tôi bị đánh thức bởi thanh âm buổi sớm mai từ trong những con hẻm tự lúc ánh sáng còn chưa kịp xuyên màn. Trong hẻm Sài Gòn sáng sớm, có các chị, các mẹ dậy từ tờ mờ. Họ gặp nhau một tí trong lúc mua hàng trên chiếc xe lưu động, kẻ than chồng, người khoe con. Tầm 5 giờ sáng, khi đứa bạn còn vùi mình ngáy khò khò thì văng vẳng đâu đó dưới đường, tiếng “tạch tạch” của xe chở rau và thịt tươi lấy từ chợ luồn vào hẻm đã vô tình kéo tôi ra khỏi cơn ngủ vừa kịp ập. Chị bán hàng dừng lại ở đâu đấy. Còn chưa kịp cất tiếng rao thì đã nghe xôn xao tiếng của các bà, các mẹ “đi chợ” sớm xôn xao lựa chọn, ngả giá và kịp “tám” với nhau vài câu chuyện phiếm. Thím khoe con mới sáu tuổi đầu đã nói tiếng Anh như gió, mợ than chồng suốt ngày cứ đi làm xong là tạt thẳng vào quán nhậu chén chú, chén anh bù khú mà chẳng thèm đoái hoài vợ ở nhà trông cơm. Ngày xưa đón đưa nhau ra sau thì giờ cơm bưng nước rót như con ở! Rồi thì những “nhân vật phụ” buông đôi lời cảm thông cùng “nhân vật chính”, động viên nhau thôi thì hi sinh là đức tính cao cả của phụ nữ Việt Nam. Độ hai mươi phút, “chợ tạm” dần tan để những người phụ nữ chính chuyên mẫn cán tất tả chạy về nhà lo bữa sáng cho chồng con chuẩn bị bắt đầu ngày làm việc, học tập. Tôi thì cứ thế lăn qua, lăn lại trên giường. Cố gắng vỗ mình vào giấc mà không tài nào làm được. Chẳng biết quán cà phê cóc trong xóm mở cửa tự lúc nào. Chỉ biết rằng mặt trời còn chưa kịp mọc thì đã nghe tiếng muỗng gõ vào li tí tách vui tai. À! Hóa ra ở Sài Gòn người ta chia giờ để sinh hoạt như vậy. Khi các chị vợ đã xong nhiệm vụ của mình thì đến lượt các anh chồng rủ nhau ra quán dì bảy làm ly cà phê sáng rồi bàn thế sự, kể chuyện đời. Hòa lẫn trong tiếng nói chuyện là tiếng xe pháo mã tượng đánh nhau tanh tách trên bàn. Tôi thích thú đoán rằng đó là của hội các “bô lão” đi tập dưỡng sinh về bèn ghé quán so tài với nhau. Chợt nhớ chuyện ngày xưa khi ông ngoại còn sống, thỉnh thoảng chán chê với mớ búp bê, robot, cô bé con lại chạy ra vườn đòi ông dạy chơi cờ. Có vậy mà mắt ầng ậng nước. Kì ghê! Hội các “bô lão” và những ông chồng, sáng sáng dậy sớm cà phê rồi đọc báo, chơi cờ Bên ngoài lớp màn của phòng ngủ, ánh sáng đã kịp ló dạng. Những chiếc xe đã bắt đầu nổ máy rền vang và tiếng lũ trẻ con văng vẳng thưa từng người trong gia đình lớn đi học nghe mới thật đáng yêu thế nào. Kí ức ngày thơ lại ùa về trong tâm. Cũng có một dạo tôi trước khi đi học, đi chơi hay ra khỏi nhà cũng chạy tán loạn đi “trình báo” từng người trong gia đình. Tổng cộng có khi một ngày phải thưa tận…mười người chứ chẳng đùa! Lớn lên, cùng với sự “lười biếng” của mình, mỗi khi đi đâu tôi cứ gom lại “chào CẢ NHÀ con đi” là xong. Thỉnh thoảng vẫn thấy “văn hóa” người mình thiệt rườm rà và phiền phức. Nhưng nghĩ lại thì như thế hóa ra lại hay. Cái truyền thống “đi thưa về gửi” nó như một trong những sợi chỉ vô hình cột các thành viên trong gia đình lại sát bên nhau hơn. Trời càng sáng dần, âm thanh cũng càng thưa thớt. Những tiếng động cuối cùng của buổi sáng trong con hẻm nhỏ vang lên là giọng người mẹ lo lắng nhắc đứa con chắc đang điên cuồng chạy thật nhanh đến trường cho kịp giờ học nhớ đi đường cẩn thận. Nhoẻn môi cười lại nghĩ về ngày xưa, tôi cũng từng là chúa đi trễ vì ỷ lại nhà cách trường có là bao xa mà phải vội. Thế nên sáng nào cũng nghe mẹ cằn nhằn và gọi với theo: “Ê! Chạy từ từ thôi và đừng quên ăn sáng, nha mậy!” Con hẻm nhỏ chìm trong im lặng khi căn phòng đã ngập ánh sáng. Tôi kéo tấm mền của đứa bạn trùm kín đầu hòng níu kéo giấc ngủ quay trở lại vài giờ trước khi bắt đầu “buổi sáng” của mình vào ban trưa và tối nay lại “bay về tổ”, kết thúc thêm một đêm tuổi trẻ đi hoang ở Sài Gòn. Eleanor Ng | Hình ảnh: Sưu tầm