Chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP.HCM) vào mỗi sáng lại chật kín và đông đúc, người thì đến đây để lượn lờ vào vòng tìm món ngon để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình, người thì đến đây để thưởng thức bữa sáng. Và có một món bún mà mọi người hay truyền tai nhau phải thưởng thức cho bằng được khi đến đây, món bún của người Campuchia với tên gọi độc đáo, Num bo chóc. Nếu bạn đã từng ăn bún cá của người miền Tây thì sẽ cảm nhận được hương vị quen quen của món bún này, nhưng bên cạnh đó nó vẫn có nét đặc trưng riêng bởi sự đậm đà và cầu kì trong cách chế biến. Vẫn bao gồm bún, cá và rau tuy nhiên bún Num bo chóc lại nổi bật với thành phần nguyên liệu trong nồi nước lèo bẳt vị. Nước dùng là sự pha trộn của nhiều tầng hương vị, mang đến nét đặc biệt của ẩm thực xứ chùa tháp. Trong sắc vàng ươm của nồi nước súp pha trộn nào là ngải bún, củ nghệ, sả,… tạo nên một gam màu bắt mắt và lôi cuốn vị giác. Tuy nhiên, cần phải kể đến sự có mặt của những thành phần riêng biệt của người Campuchia như trái chúc thơm thơm và nước mắm bò hóc mới tạo nên hương vị độc đáo cho món. Cá được chọn phải là cá lóc bông, có vị ngọt và tươi cho món bún. Sau khi làm sạch, cá sẽ được luộc chín, rồi ướp sơ qua gia vị để thấm đều và khử đi mùi tanh. Mỗi tô bún sau khi chan hòa trong nước lèo thì sẽ được điểm tô thêm sắc vàng của các loại hương liệu đã giã nhuyễn. Tô bún thơm ngon ngoài màu trắng của cá, màu vàng của nước dùng thì còn điểm xuyết thêm màu xanh của đậu đũa. Và không thể bỏ qua một đĩa rau sống tươi ngon ăn kèm. Món ăn muốn đúng vị đầy đủ ngoài cái loại rau quen thuộc như bắp chuối, rau muống, dưa leo thái mỏng, bông súng thì phải thêm vị the the rau thơm. Cái hay là đĩa điên điển, loại rau chỉ có ở vùng miền Tây và hiếm khi được thưởng thức ở Sài Gòn cũng “góp sắc” cho phần món bún này thơm ngon hơn. Với những ai e ngại mùi vị của mắm bò hóc sẽ không dám thưởng thức món ăn này. Nhưng chỉ cần ngửi mùi thơm của nước lèo thì sẽ không thể cưỡng lại bởi ngải bún, trái chúc đã hoà lẫn và át đi mùi mắm rồi. Các nguyên liệu hài hoà và hoà quyện vào nhau tạo nên vị ngọt đậm đà, vị chua thanh thanh đặc trưng của món ăn. Đầu cá là phần ngon nhất tiếp cái béo, cái ngọt tự nhiên cho món bún nên cũng được nhiều thực khách ưu ái gọi thêm. Bạn có thể chọn kích cỡ cho đầu cá để hợp lí với khẩu phần ăn của mình. Do thấm gia vị và được làm sạch nên món hoàn toàn mất đi vị tanh vốn có. Khu chợ nhỏ nhưng lúc nào cũng đông đúc và chật kín thực khách, ở đây chỉ có khoảng vài ba địa chỉ phục vụ món này. Nhưng bạn phải đi sớm không thôi sẽ bị hụt mất vì đa phần các quán đều bán hết dù chỉ mới tầm 9h30 thôi đấy. Quán Cô Diệu là một trong những nơi phục vụ món này đúng chuẩn, quán đơn sơ với vài chiếc bàn bắt ở ven con hẻm nhỏ nhưng rất sạch sẽ, tinh tươm. Giá mỗi tô bún ở đây là 40.000 đồng, còn về đầu cá thì cô sẽ tính theo kích cỡ, tuỳ lớn bé mà dao động từ 50.000-70.000 đồng một phần đầu cá. Ngoài ra, quán còn có món hủ tiếu xào, bánh khọt tất cả đều nấu theo khẩu vị của người Campuchia. Bún bò Num bo chóc dù đã du nhập vào Việt Nam khá lâu những vẫn giữ đúng hương vị truyền thống tại xứ sở của nó. Đối với những người Campuchia đang sinh sống tại Sài Gòn, đây không đơn thuần là một món ăn mà còn là vị ngọt tinh thần cho họ nơi xứ người. Còn riêng với người Việt, món ăn đã tạo nên sự đa dạng và phong phú thêm cho ẩm thực quê nhà. Theo SaoStar