Nếm món mì Tàu Thiệu Ký được nấu đúng kiểu gia truyền 70 năm nay, ngó mấy bà cô, ông chú ba Tàu bận áo xẩm rộng, tay loẹt xoẹt tung hứng vắt mì, ngửa cổ coi tranh kiếng trên xe mì, đó là bạn đang hưởng lạc thú chánh hiệu Sài Gòn đó. Cocochin – Khu ẩm thực trên phố đi bộ Nguyễn Huệ với các món ăn ba miền và không gian phố cổ Ăn ngon Sài Gòn – Bánh mì bì, món ăn sáng gắn với bao thế hệ Trong ký ức tuổi thơ và cho đến tận bây giờ, ba luôn kể với tôi rằng, lạc thú của một thị dân Sài Gòn đôi khi đến vào một buổi chiều lạc quẻ nào đó, xỏ chân vào đôi dép sứt quai mẻ đế, bận thêm bộ đồ rẻ tiền rồi nghêu ngao tản bộ tới một xe mì Tàu ở khu Sài Gòn – Chợ Lớn; kêu tô mì xá xíu có thêm sủi cảo, ngoắc tay nói người bán hàng đưa thêm chai xá xị Chương Dương, ăn uống “linh đình” rồi ngửa mặt lên dòm tranh kiếng… là đủ nhẹ hõm cho ngày đầu óc căng căng. Nhưng ba cũng nói, kiếm được một xe mì đúng điệu thiệt ngon của người Hoa kiều cũng không phải chuyện dễ, nhất là với thời buổi hiện nay, khi “đế chế” thức ăn nhanh, món Tây, món ngoại của Sài Gòn được ưa chuộng hơn và những cái tên quen thuộc đại diện cho tinh hoa ẩm thực người Tàu khu Chợ Lớn đã trở thành quá vãng. Thiệu Ký mì gia, cái tên vang danh cả một khu Sài Gòn – Chợ Lớn trong suốt 70 năm nay. Dì Thanh Thảo, chủ quán đời thứ 4 của mì Tàu Thiệu Ký đang “làm xiếc” với vắt mì. “Nói thì nói vậy chớ Sài Gòn cũng còn mấy tiệm mì Tàu chính gốc người Hoa đó con. Thử bữa nào tạt ngang Thiệu Ký ăn đi, con sẽ thấy một trong những hảo thủ mì tươi Chợ Lớn vẫn còn tồn tại” – ba an ủi nói với tôi, như thể sau cùng, Sài Gòn đi qua những hoàng hoa thời thế, vẫn còn để lại chút gì đó dư âm. Vậy là chiều nay, chỉ với cái áo ngắn tay, quần cộc, đầu tóc bờm xờm, dép chiếu lẹp xẹp, tôi đến với tiệm mì Tàu Thiệu Ký, giờ nằm sâu trong hẻm 66, Lê Đại Hành, quận 11. Thiệu Ký không phải chốn vọng ngoại để đưa những thực khách tới vùng Trung Hoa có nền ẩm thực đa chủng truyền thống, càng không phải nơi dẫn dắt người ta tới những quán rượu bán đồ ăn giống như mấy phim chưởng hay chiếu trên tivi. Tiệm mì này nhỏ xíu, ấm và đặc rặt bản sắc Hoa kiều Sài Gòn – Chợ Lớn với một xe mì kiểu cổ bằng gỗ, chung quanh có tranh kiếng kể tích Quan Công và những giai thoại về Điêu Thuyền, Lữ Bố,… Ăn mì Tàu, xem tranh kiếng là một trong những lạc thú chánh hiệu Sài Gòn. Một bức tranh kiếng trên xe mì Tàu Thiệu Ký mô tả cảnh Đổng Trác đại náo Phụng Nghi Đình. Với những tấm bích chương chi chít chữ Tàu, có nghĩa đại loại là chúc ngôi gia làm ăn phát tài, phát đạt và với những ông chú, bà cô gốc Hoa chí chóe nói chuyện với nhau, cũng bằng tiếng Hoa, nghe cứ ra rả bên tai “cáy xí”, “quai i tien”… tôi cứ ngỡ mình đang đi lạc ở tận đâu đâu. Nhưng đặc biệt nhất quán có lẽ là hình ảnh một bà dì dáng tròn, tóc ngắn, đang thoăn thoắt đôi tay lành nghề, cứ nhùng nhằng cái vá trụng vắt mì dưới nồi nước đang sôi sùng sục, rồi thi thoảng tung vắt mì lộn nhào lên cho ráo, nhìn thôi đã thấy “hồi hộp” không kém coi phim hành động hay coi xiếc mạo hiểm. Nhìn dáng điệu bà dì, tôi đoán, đó là bà chủ quán đời thứ 4 của thương hiệu mì Tàu Thiệu Ký có tuổi đời hơn 70 năm này. Ít ai biết được, xe mì Tàu do chị Thanh Thảo làm chủ hiện nay có từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đoán thôi vậy mà trúng chóc, bà dì tên Quách Thị Thanh Thảo, cháu dâu đời thứ 4 của ông Tư Ky – người sáng lập ra thương hiệu mì Tàu trứ danh vùng Sài Gòn – Chợ Lớn này. Mà nhắc ông Tư Ky thì cũng phải kể rõ về giai thoại hoàng hoa mà ông đã đi qua. Theo như lời dì Thảo, ông Tư Ky hồi đó nổi tiếng nhất nhì khu này về cái tài nấu mì Tàu, ngon đặc biệt khó ai sánh bằng. “Ông cố chồng của chị lập nghiệp và xem Sài Gòn như quê hương thứ hai của mình vào những năm 30 của thế kỷ trước, từ người đàn ông bận áo xẩm, gánh mì Tàu bán ở những khu đông người Hoa, rồi sau bỏ gánh chuyển sang xe mì đẩy đi, đến khi sau giải phóng bắt đầu yên vị trong con hẻm 66 này luôn. Cố dì nổi tiếng tới mức hẻm này, nhiều khi người ta kêu hẻm Tư Ky chứ có ai nói hẻm 66 đâu”. Dì Kim, chị dì Thảo cũng là một trong những bậc trưởng nữ đời cháu của ông Tư Ky – người sáng lập ra thương hiệu Thiệu Ký lừng danh. Nói đoạn, dì Thanh Thảo nhanh tay “làm xiếc” với mấy vắt mì, hất vô tô, nhón tay thêm mấy miếng xá xíu, vài cái sủi cảo tôm, há cảo thịt, đổ nước lèo, rải vài miếng hành hẹ, thêm muỗng tóp mỡ rồi để trên bàn tôi, đủng đỉnh cười: “Ăn thử coi như vầy có đủ nổi tiếng nhất nhì chưa em?”. Tôi giựt mình, xém xíu bật ngửa vì khoái chí. Bụng đang đói mà thấy tô mì nghi ngút khói thơm, sắc màu rực rỡ, tự nhiên thấy ba nói đúng thiệt, một trong những lạc thú chính hiệu Sài Gòn là đi ăn mì Tàu do đúng người Hoa nấu. Một tô mì khô thập cẩm chỉn chu tại Thiệu Ký mì gia. Tô mì ngon, rất ngon được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa của những nguyên liệu giản dị, nhưng được nấu cầu kỳ cho ra đúng vị Trung Hoa. Nước lèo ngọt thanh, trong vắt với xương heo hầm kỹ, há cảo, sủi cảo căng đầy tôm thịt được chần lâu dưới nước lèo, cắn một cái là vị tươi, thơm của nhân hòa với cái deo dẻo mềm mại của vỏ tràn khoang miệng. Kết hợp tóp mỡ, hành tươi và vị cay cay của sa tế, vị chua thanh của giấm, tô mì Thiệu Ký làm ấm lòng mọi vị thực khách sành ăn. Nước lèo ngọt thanh, trong veo với xương heo hầm kỹ, há cảo, sủi cảo căng đầy tôm thịt, chần lâu dưới nước lèo hòa cùng nhau như một bản hòa tấu của vị giác. Nhưng nói vậy thì chưa đủ, cái cốt yếu nhất mà tôi nghĩ làm nên một thương hiệu Thiệu Ký sống hoài sau hơn 70 năm, được hàng trăm, hàng ngàn Hoa kiều và người Việt mến mộ có lẽ là sợi mì. Sợi mì Thiệu Ký bí truyền được làm ra bằng cách trộn bột mì với hột vịt, nước tro Tàu, rồi ủ một thời gian sau mới mang cắt tay thành sợi. Chính nguyên tắc làm hoàn toàn chuẩn mực và thủ công đó khiến từng sợi mì vẫn giữ được độ dai thơm tuyệt vời, ăn hoài không biết ngán và khác hẳn thứ mì ngàn sợi như một nhan nhản ngoài siêu thị. Ăn xong tô mì tôi xoay qua nói với dì Thảo: “Hảo thủ, quả là hảo thủ”, với giọng nói và âm sắc bắt chước y hệt kiểu lồng tiếng phim kiếm hiệp Tàu, nhại giọng của một vị anh hùng hảo hán nào đó sau khi thưởng thức tô mì ngon trên đường ngao du. Dì Thảo cười rồi… chửi: “Cái thằng, bày đặt quá mậy!”, thế là cả quán phá lên cười, chung một cuộc vui. Mỗi tô mì Thiệu Ký chứa đựng cả tinh hoa của nền ẩm thực người Hoa tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Lúc này tôi mới để ý thấy quán mới 4 giờ chiều mà đông nghẹt, chật kín cả con hẻm nhỏ. Dì Thảo khoe, đó toàn là những khách quen ngày nào cũng tới ăn, riết rồi quen mặt nhớ tên, tới là biết ý ai ăn gì nên làm liền, khỏi đợi gọi, khỏi nghe hối. “Nhà dì buôn bán lâu, làm ăn đàng hoàng, giá cả hợp lý nên khách thương. Khách mới nhiều mà khách quen, khách cũ cũng không ít. Có người đưa cả gia đình ra nước ngoài mà lâu lâu Tết về vẫn chọn ghé nhà dì ăn sủi cảo. Em biết không, người Hoa có tục lệ ăn sủi cảo đầu năm cho hên, chắc ăn sủi cảo nhà chị hên cả năm hay sao mà Tết nào cũng năm bảy gia đình A Phó trưởng thượng, con cháu chi chít ghé ăn” – Dì Thảo vừa nói vừa ha hả cười, cả quán lại một lần nữa cười theo, vang động cả con hẻm nhỏ. Một cao niên khách mối của mì Tàu Thiệu Ký chia sẻ: “Ngày nào ông cũng ăn ở đây a, cả gia đình ông cũng thích ăn Thiệu Ký. Ăn vì ngon là một chuyện chứ quan trọng nhất là ăn để ôn lại hương vị xưa a”. Chiều rước con đi học về, chị gái này cao hứng dẫn hai đứa nhỏ đi ăn mì Tàu để hưởng lạc thú Sài Gòn chính hiệu. Bỗng có ông chú ba Tàu, bụng bự, đầu trọc trông rất oai vệ, dẫn theo hai đứa con nít ngồi ăn từ xa, cũng nói vọng vào: “Bả nói nghe tốt dzị a, mà ăn lâu cũng có cho thêm miếng xá xíu nào đâu a”. Rồi một bà cô cao niên, mặt phúc hậu với mái tóc bạc xoăn, tay đeo vòng cẩm thạch với chiếc ximen vàng y bự tổ chảng ở bàn khác nói chêm vô: “Nói sao dzị a, chứ bả hay cho đây tới hai cái bánh tôm lận a, chứ có trùm sò (keo kiệt) đâu mà nói bậy a”. Một chị khác ngồi cách tôi hai ba bàn, mặc áo xẩm đàn ông, chắc là của chồng, chống bàn tay đứng dậy, xấn xổ nhào cuộc “khẩu chiến”: “Sẵm (thím) nói đúng a, có cho mà, a có (anh) bậy quá, bậy quá!”. Bà lão người Hoa ăn mì vì… chồng thích ăn. Bà nói, chồng bà ăn ở đây từ khi mười mấy tuổi tới giờ còn thích, nên chiều nào ông bà cũng ẵm cháu nội ghé Thiệu Ký làm một hai tô. Vậy đó, cộng đồng người Hoa ở đất Sài Gòn hiền lành dễ thương, thiệt thà đôn hậu, có sao nói đó, thấy ngon thì nói ngon, thấy mình làm ăn đàng hoàng thì nói đàng hoàng, thấy vui thì cười như người thân tình kế nhà, chung vách chớ không dè dặt lạ quen. Cuộc “khẩu chiến” thiệt vui trên cứ thế mà kéo dài cho đến khi cả ba ăn xong đứng dậy ra về cùng lúc, để lại âm “a” đặc sệt gốc Hoa cứ kéo dài văng vẳng trong đầu khiến tôi như muốn lớ miệng nói chuyện theo cho giống để hòa chung với niềm vui giản dị của họ, trong một ngày đáng yêu như hôm nay. Thiệu Ký mì gia, một “ốc đảo” nhỏ giữa đại thị tân thời luôn chào mời những vị khách thèm một tô mì chánh hiệu gốc Hoa. Bởi vậy hãy tin tôi đi, đâu đó giữa lòng Sài Gòn – Chợ Lớn, nơi những thị dân người Hoa đã bền bỉ sống trên mảnh đất lành này, vẫn còn món mì Tàu đúng kiểu gia truyền, có xá xíu thơm ngậy vị Trung Hoa nguyên thủy, có sủi cảo, há cảo và có cả mấy bà cô, ông chú ba Tàu bận áo xẩm rộng, tay loẹt xoẹt tung hứng vắt mì, nhìn giựt gân hơn coi phim hành động.. Tất cả đủ để có thể biến một buổi chiều bình thường của bạn thành một buổi chiều lạc thú chánh hiệu Sài Gòn. Theo afamily