Quán ăn lâu đời ở TP.HCM đóng cửa, chuyển chỗ sau dịch


Nhiều quán ăn hàng chục năm tuổi như bún riêu Gánh Bến Thành, chè Đèn Dầu Nguyễn Kiệm, sữa tươi Mười đều gặp khó khăn buộc phải chuyển chỗ hoặc đóng cửa sau đợt dịch thứ 4.

“Bún riêu Gánh hả? Chuyển chỗ rồi con ơi”.

Chưa kịp tấp xe vào quán bún ở cửa Đông chợ Bến Thành (quận 1), Hạnh Nguyên đã nghe tiếng gọi của một bảo vệ gần đó.

Nguyên (ngụ ở quận Tân Bình) bất ngờ vì tiệm ăn mình đã gắn bó hơn 10 năm nay không còn nằm ở vị trí quen thuộc.

Cô cho biết từ nhỏ đã được cha mẹ đưa đi ăn bún riêu Gánh. Hồi đó, chủ quán vẫn còn gánh nồi bún bán dọc lề đường Phan Bội Châu (quận 1).

“Mình ăn ở đây mãi cho đến khi lớn lên, đi làm, lấy chồng. Do dịch bệnh nên cũng hơn nửa năm rồi chưa quay lại. Giờ thấy quán chuyển chỗ, mình có hơi hụt hẫng vì từng có nhiều kỷ niệm ở đây”, Nguyên nói với Zing.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều quán ăn nổi tiếng tại TP.HCM rơi vào cảnh điêu đứng. Một số nơi không thể trả nổi tiền mặt bằng phải thay đổi địa điểm kinh doanh trong khi không ít cửa hàng thông báo nghỉ bán, đóng cửa vĩnh viễn.


Bà Mai Thị Liên, chủ tiệm bún riêu Gánh Bến Thành cảm thấy tiếc nuối khi phải chuyển địa điểm kinh doanh.

“Không thể tiếp tục gồng gánh”

Bà Mai Thị Liên, chủ tiệm bún riêu Gánh Bến Thành, cho biết quán chuyển về số 163 Lê Thánh Tôn (quận 1) từ đầu tháng 12.

Dù cách vị trí cũ không quá xa, những ngày đầu, nhiều khách vẫn khá bối rối. Một số thậm chí phải gọi điện cho chủ tiệm xác nhận vì đã quá quen với góc quán đối diện cửa Đông chợ Bến Thành.

“Những ngày đầu, nhiều khách điện thoại thắc mắc lắm. Tôi phải tự chạy xe lên địa điểm cũ để chỉ hoặc dẫn đường cho khách đến chỗ mới”, bà Liên kể.

Chủ tiệm bún riêu hơn 40 năm tuổi chia sẻ nguyên nhân chính khiến quán phải chuyển chỗ kinh doanh là không thể tiếp tục gồng gánh tiền thuê mặt bằng.

Quán bún riêu Gánh đông khách trong những ngày đầu chuyển đến địa điểm mới.

“Mặt bằng cũ đối diện chợ nên khá đắt đỏ. Khu nhà có 3 tầng, tiệm chúng tôi thuê tầng trệt còn 2 tầng phía trên của một quán hamburger. Sau dịch, tiệm hamburger trả mặt bằng. Nếu muốn thuê tiếp, chúng tôi phải một mình gánh cả 3 tầng nhà, như vậy thì không thể kham nổi. Đúng lúc vừa hết hạn hợp đồng nên tôi quyết định tìm chỗ mới có giá thuê dễ thở hơn”.

Gánh bún riêu đã được truyền qua 4 thế hệ trong hàng chục năm qua. Ban đầu, bà ngoại bà Liên mở gánh bún riêu bán trên vỉa hè, sau đó truyền lại cho mẹ bà.

Sau khi mẹ qua đời, 6 chị em bà Liên cùng tiếp quản hàng ăn gia đình. Các công thức gia truyền tiếp tục được truyền lại cho con cháu trong nhà.

Trong suốt quãng thời gian đó, gánh bún riêu – dù là không tên trên vỉa hè hay có biển hiệu, hàng quán – vẫn luôn gắn bó với khu chợ Bến Thành.

“Nếu không có dịch Covid-19, chắc chúng tôi vẫn ở đó. Phải chuyển đi như thế này, tôi tiếc lắm, nghĩ thôi đã muốn khóc. Nhưng tôi cũng tính đủ cách cả rồi, không còn đường nào nữa”.

Bà Liên cho biết giá thuê mặt bằng mới chỉ bằng khoảng một nửa so với giá mặt bằng cũ. “Ở mặt bằng cũ nếu tôi ráng làm, làm bất chấp thì có khi cũng gắng nổi. Nhưng giờ tuổi mấy chị em tôi cũng lớn cả rồi, thà tìm chỗ dễ thở hơn chứ không gắng mãi được”.


Nhiều khách quen tìm đến địa chỉ mới của quán để thưởng thức món bún riêu.

Có việc phải đi từ Bình Dương lên TP.HCM, Phương Thảo và cậu bạn của mình bất ngờ khi ghé vào quán bún riêu Gánh Bến Thành đã thấy treo biển đổi sang địa chỉ mới.

Thảo và bạn là khách quen của bún riêu Gánh đã hơn 10 năm nay. “Trước khi có dịch, mình thường hay ăn quán này, mỗi lần lên Sài Gòn chơi đều ghé qua. Mọi người quen hương vị ở đây thì ghiền luôn”.

Quán bún riêu nổi tiếng chuyển địa điểm mới vì những khó khăn dịch bệnh, hai thực khách đều cảm thấy đôi chút luyến tiếc.

“Tuy nhiên, cũng may là chỗ mới khá gần vị trí cũ, không khó để tìm đường. Về đây, không còn view chợ Bến Thành nữa nhưng lại có không gian rộng rãi, thoáng đãng hơn”.

Tiếc nuối chè Đèn Dầu, sữa tươi Mười

Từ đầu tháng 10, khi hàng quán được mở cửa trở lại, nhiều người đi qua số nhà 504 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) hàng đêm không còn thấy ánh sáng đèn dầu từ quán chè đêm của bà Sáu.

Quán chè Đèn Dầu hơn 45 năm tuổi không mở bán lại suốt hơn 2 tháng qua khiến những khách quen thắc mắc, lo lắng.

Hỏi người dân gần đó, phóng viên tìm được vào nhà của bà Sáu trong con hẻm đối diện. Thấy có người đến hỏi thăm, bà tỏ ra bất ngờ và niềm nở trò chuyện.

Bà Sáu chưa thể bán chè trở lại vì bận chăm sóc con trai bị tai nạn.

“Từ đầu tháng 7, thành phố cấm bán nên tôi phải nghỉ. Vừa rồi mở cửa, tôi định bán lại thì con trai bị tai nạn nằm một chỗ nên phải đưa nó đi chạy chữa, chăm sóc. Có mỗi hai mẹ con sống ở đây, mấy đứa khác ở bên quận 12 hết nên tôi phải lo thôi”.

Trước đây, con trai bà chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống. Sau khi con bị tai nạn, kinh tế trong nhà chỉ có thể dựa vào người mẹ đã gần 80 tuổi.

“Đợi khoảng một tuần nữa, tôi đưa con đi tái khám về rồi ráng ra ngồi bán lại. Muốn hay không cũng phải bán thôi, chứ nghỉ hoài thì chắc chết, lấy tiền đâu mà sống được. Lúc khó khăn thì mình phải sống theo kiểu khó, ăn uống gói ghém tiết kiệm hơn chút”, bà nói.

Trước đây, quán chè nóng trên vỉa hè của bà Sáu là điểm ăn vặt được nhiều người tìm đến, đặc biệt là những vị khách trẻ. Thời còn khỏe mạnh, bà bán từ 21h đến 3h sáng. Sau này, bà bán sớm hơn, từ 18h tới gần nửa đêm.

“Giờ dịch bệnh nên đêm đâu có ai ở ngoài đường nhiều, chiều tầm 16h là tôi sẽ dọn hàng ra, bán tới khoảng 21h là về nghỉ. Phần nữa mình cũng yếu rồi, cũng phải về chăm cho con nữa”.


Dù đã thông báo đóng cửa được 2 tháng, quán sữa tươi Mười vẫn giữ bảng hiệu trên đường Phùng Khắc Khoan.

Nằm trên con đường Phùng Khắc Khoan (quận 1) rợp mát bóng cây, sữa tươi Mười là một trong những địa điểm ăn uống nổi tiếng với giới trẻ Sài Gòn.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm kinh doanh, quán sữa tươi này đã thông báo đóng cửa vĩnh viễn do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch thứ 4. Thông tin này khiến nhiều người cảm thấy nuối tiếc.

“Mình là khách quen của quán hơn 5 năm nay. Sau mùa dịch, nghe tin đóng cửa vĩnh viễn cảm thầy buồn lắm. Với mình, đó không chỉ là một điểm ăn sáng mà còn là những kỷ niệm tươi đẹp thời sinh viên. Giờ mỗi lần đi ngang thấy biển hiệu vẫn còn nhưng quán đóng cửa im lìm lại thấy nhớ”, Minh Châu (25 tuổi) cho biết.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: