Khu vực bên kia đường Pasteur chạy dài đến đường Công Lý là khuôn viên thuộc Bộ Công chánh và Giao thông Vận tải. Cơ quan này kế tục Sở Công chánh (hay Sở Trường tiền) thời Pháp thuộc được thiết lập tại đây từ những năm 1870. Một tòa nhà đã lâu đời nhìn ra ngã tư Lê Lợi – Pasteur được sử dụng làm Ty Bưu điện Quận Nhất. Đã lùng ra địa chỉ cánh đồng sen rộng bát ngát tại An Giang: Thiên đường sống ảo là đây chứ đâu nữa! CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG SÀI GÒN Bên ngoài bức tường của Bộ Công chánh, phía đại lộ Lê Lợi, thường xuyên có một chợ sách chiếm trọn cả vỉa hè. Các gian hàng sách xây bằng mái tôn cột gỗ, hoặc che bằng bạt vải bố, ni-lông, đứng tiếp nối nhau suốt đoạn đường. Ta đọc được vài bảng hiệu gắn trên các gian hàng như: Thu Ba, Phương Nam, Thống Nhất… Bên trong ta thấy sách, báo cũ mới đủ loại, bằng Việt ngữ lẫn ngoại ngữ, sắp từng chồng nằm trên sạp hoặc xếp đứng trên kệ. Sách bán tại đây rẻ hơn tại các tiệm phía bên đường đối diện nên thường đông người chen chúc đến tìm tòi giữa lối đi chật hẹp. Chợ sách nối dài đến đầu đường Công Lý, cạnh cổng vào Bộ Công chánh. Trước ngày xây dựng chợ Bến Thành, chỗ ngã năm Công Lý – Nguyễn Trung Trực này là phần cuối của đại lộ Bonard. Đến khi chợ được xây xong vào năm 1914, một khúc đường mới được khai thông và mang tên là “Đại lộ Bonard nối dài”. Thời ấy, phía lề đường ta sắp đi tới hãy còn bỏ trống, nhiều năm sau nhà cửa mới được xây lên, trong đó cơ sở đầu tiên có lẽ là Nhà thương thí Sài Gòn, nay là Bệnh viện Sài Gòn vẫn nằm tại địa điểm cũ. Rời chợ bán sách ta vượt qua đường Công Lý. Nơi tầng trệt của tòa nhà bốn tầng ngay góc đường là Nhà thuốc Tây Diệu Tâm, trước kia là Pharmacie Bonard. Kề bên ta thấy dãy cao ốc ba, bốn tầng, nơi đặt nhiều văn phòng đại diện các xí nghiệp, tư thất các nhân viên sứ quán… Trên lề đường tại đây có hai quán bán sách báo, bản nhạc. Đi thêm vài mươi bước ta đến rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi, được nhiều người vào xem vì giá vé không đắt và thường chiếu phim cũ nhưng giá trị. Đây là một rạp thuộc loại cũ xưa, trước kia là Cinéma Bonard, ra đời vào những năm 1930. Cách rạp Vĩnh Lợi một hẻm nhỏ là nhà hàng Thanh Bạch, thường được nhắc nhở do tài nấu nướng những món ăn ngon như pâté chaud, bò kho, bánh mì gà, lại có ghế bàn đặt trên bờ hè trước tiệm, khách vừa có nơi ăn uống thoáng đãng vừa được ngắm cảnh sinh hoạt trên phố xá. Tiệm cơm Thanh Bạch nằm tại tầng trệt của tòa nhà năm tầng, lầu một đến lầu hai thuộc về nhà hàng và khiêu vũ trường Olympia (tên cũ là Thiên Hương), nơi khách sành điệu đến mua vui còn được thưởng thức hương vị của các món ăn Nhật Bản. Đi vài bước nữa ta đến Y viện Sài Gòn, xưa được gọi là Nhà thương thí, sau gọi là Bệnh viện Đô Thành. Cơ sở này được xây cất vào khoảng thời gian đại lộ Bonard vừa mới được nối dài tới công trường trước chợ Bến Thành. Đến năm 1937 nhà thương thí được tái thiết mang tên bác sĩ Dejean de la Bâtie, là người đã sáng lập nhà thương thí đầu tiên nằm tại vùng Chợ Đũi, sau này trở thành Y viện Bạc Hà. Bệnh viện Dejean de la Bâtie xây theo hình chữ U, từ bên trong nhìn ra đường, tòa nhà nằm phía bên phải mang tên ông Hui Bon Hoa, nhà cự phú hảo tâm đã tài trợ một phần kinh phí xây dựng, tòa nhà bên trái mang tên bác sĩ Montel, vị y sĩ tận tụy đã nhiều năm tòng sự tại đây và chứng kiến nhiều nỗi bất hạnh của kẻ không nhà cửa hoặc nghiện thuốc phiện chết gục trên đường phố. Nằm kế bên Y viện Sài Gòn là bót Cảnh sát Lê Văn Ken, tòa nhà nằm trong tường rào song sắt cạnh góc đầu đường Huỳnh Thúc Kháng, nhìn ra công trường Diên Hồng. Chúng ta trở lại công trường Lam Sơn, lần này chọn phía lề đường bên phải (bên dãy nhà số chẵn) để tiếp tục cuộc dạo phố Lê Lợi. Ngay góc đường Tự Do, nơi tầng trệt cao ốc sáu tầng là quán cà-phê Givral, một địa chỉ nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ, ký giả, chính trị gia. Họ thường gặp nhau tại chốn thanh lịch này, bên tách cà-phê, ly kem hay chiếc bánh ngọt, họ vừa bàn luận, đổi trao tin tức thời sự, vừa ngắm nhìn phố xá, dinh thự sang trọng qua khung cửa kính rộng. Quán Givral tọa lạc trên một phần nền cũ của “Grand Café de la Musique”, một quán giải khát nổi tiếng vào những năm 1900. Sau đó, khoảng năm 1912, quán cà-phê nhường chỗ cho nhà thuốc Âu dược Renoux, và tiếp đến là nhà thuốc Solirène, khoảng 1920. Đến năm 1950, khu phố này được tái thiết, cao ốc Eden được xây lên giữa đường Catinat và đại lộ Charner, nhà thuốc Solirène biến mất, từ đó quán cà-phê Givral ra đời. Cách Givral không xa ta đến trước cổng vào hành lang Eden, một khu thương mại sang trọng, ăn thông qua đường Tự Do và đại lộ Nguyễn Huệ. Vào bên trong ta gặp những cửa hàng mỹ phẩm, nữ trang, đồng hồ, y phục, dụng cụ thể thao, tem sưu tập… Tại đây ta chỉ thấy hàng hóa thuộc loại hảo hạng, đắt tiền. Ngoài ra có cả chi nhánh ngân hàng, ca vũ trường Queen Bee (trên lầu 1) và đặc biệt có rạp chiếu bóng Eden, được lấy tên đặt cho hành lang. Rạp xi-nê này thuộc hạng nhất nhì Sài Gòn, giới thiệu cho khán giả những phim Âu Mỹ chiếu lần đầu tại Việt Nam. Trên các tầng lầu vừa là cư xá, vừa là các văn phòng đại diện công ty, báo chí, truyền hình… Cao ốc và hành lang Eden là kiến trúc mới, nhưng lấy tên của một rạp chiếu bóng Eden cũ nay không còn nữa. Vào thời Đệ nhất Thế chiến, các ông Frasseto và Sicé đã thành lập rạp chiếu bóng Eden Cinema trên đường Catinat, tại lối vào hành lang bên phía đường Tự Do. Thỉnh thoảng rạp xi-nê này được dùng làm nơi trình diễn thoại kịch, nhạc hòa tấu hoặc tổ chức khiêu vũ có dàn nhạc. Từ cổng hành lang Eden đi về phía đại lộ Nguyễn Huệ ta có thể kể: tiệm buôn hàng vải Mai Khanh, nhà hàng Ramuntcho, tiệm tạp hóa Abdul Mohamed, và nơi góc đường có tiệm Liên Seng chuyên về thực phẩm, đồ hộp nhập cảng. Vào khoảng năm 1905, cũng tại đây có Hôtel des Nations, nhà hàng kiêm khách sạn gồm hai tầng. Trải qua nhiều đời chủ nhân, khách sạn tồn tại đến khoảng 1935. Bước qua bên kia đại lộ Nguyễn Huệ ta đến building Rex, tòa nhà tân kỳ này bao gồm cả rạp chiếu bóng Rex danh tiếng, khai trương vào năm 1962 với phim Ben-Hur. Sở Thông tin Hoa Kỳ, thư viện Abraham Lincoln cũng đặt trụ sở tại cao ốc này. Vào những năm trước Tết Mậu Thân, khi đi ngang đây, khách qua đường thường dừng chân bên những quày kính xem truyền hình màu chiếu phim tài liệu về văn hóa, du lịch, thể thao… Phía mặt đường kề cận rạp Rex còn có lối vào cơ quan JUSPAO của Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ trước, nơi góc Bonard – Charner ta đang đứng là khu văn phòng các luật sư và thừa phát lại. Gần chỗ rạp chiếu bóng Rex là quán Café Saigonnais. Năm 1927, hãng xe hơi Bainier từ góc chéo đối diện bên kia ngã tư dọn đến đây. Cơ sở mới này có phòng trưng bày xe hơi xây rộng tới đường Lê Thánh Tôn ngày nay. Đi thêm vài bước, ta thấy nhà may De Fouquières, may cắt những bộ y phục thượng hạng, đã hành nghề tại đây từ thập niên 1930. Không xa đó là nhà hàng Phạm Thị Trước, nổi tiếng với các món bò kho, hủ tiếu, pâté chaud… Gần bên là tiệm kem Tuyết Lan. Đến góc đường Pasteur ta gặp tiệm kem Mai Hương. Vào thập k ỷ 1920, chỗ tiệm kem này có Hãng Garage Central của ông Nguyễn Văn Kiệu, bán xe hơi, xe đạp và đồ phụ tùng, bán cả giường đồng, giường sắt. Bên kia góc đường Pasteur, ta thấy Nhà hàng Kim Hoa, chuyên về các món ăn Việt, Tây, Tàu. Mặt tiền có mái chìa ra và mành sáo che nắng mưa cho thực khách ngồi ngoài hè đường. Cạnh nhà hàng Kim Hoa phía đại lộ Lê Lợi là Nhà sách Sài Gòn, chi nhánh của nhà sách Lê Phan trên đường Phạm Ngũ Lão, đối diện chợ Bến Thành. Kế bên nhà hàng Kim Hoa, phía đường Pasteur, ta thấy rạp chiếu bóng Casino Sài Gòn. Tại đây, vào khoảng 1910, ông Bernard thành lập rạp chiếu bóng Casino, cũng là nơi diễn kịch, diễn ảo thuật, hòa nhạc. Giải trí xong nếu khách muốn tìm bữa ăn ngon thì có Restaurant du Casino ở bên cạnh, hoặc tìm phòng ngủ thì có Hôtel du Casino không xa đấy. Hai nơi này chính là chỗ quán ăn Kim Hoa và nhà sách Sài Gòn vừa nói. Nhà sách Sài Gòn gồm ba căn phố hai tầng, bên trên mặt tiền ta còn thấy trán nhà, vết tích còn lại của quán Brasserie des Sports, sau trở thành Hôtel du Casino, đến thập niên 1960 là phòng trà kiêm vũ trường Kim Điệp. Đi tiếp ta còn gặp gần đấy một loạt các nhà sách Văn Hữu, Nguyễn Trung, Việt Hương… và một số cửa hàng, có thể kể tiêu biểu: nhà thuốc gác Nguyễn Thị Hai, nhà buôn thiết bị thể thao Émile Bodin, tiệm Photo Chánh Ký, Công ty Bất động sản SIDI, tiệm bán đồng hồ Thụy Sĩ, thẩm mỹ viện Mimi… Vào thời kỳ trước Thế chiến Thứ nhất, ông Bainier thành lập hãng xe hơi Auto-Hall tại quãng này, và cũng chính ông là người cho ra mắt công chúng chiếc xe bus đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1909, ông ta lái xe chở một số khách mời chạy biểu diễn trước mắt công chúng trên đại lộ Bonard, đánh một vòng qua đường Paul Blanchy rồi quay về đây. Thực ra phải đợi đến năm 1921 phương tiện giao thông này mới được hãng Perrin bắt đầu phổ biến tại Sài Gòn như đã nói trên đây. (Hãng xe Bainier hay được nhắc lại trong bài này vì thay đổi địa chỉ nhiều lần). Đi về hướng đường Công Lý ta còn gặp vài nhà sách nữa như: Thanh Tuân, Khai Trí, Dân Trí. Riêng Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương là nhà sách danh tiếng hơn cả, ấn phẩm dồi dào, ta có thể mất hằng giờ rảo qua các dãy kệ, giở các trang sách báo đọc tùy thích. Vào những năm 1920, dãy phố gần nhà sách Khai Trí có tiệm chụp ảnh Khánh Ký của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Khánh. Gần bên là nhà in Xưa Nay của ông Nguyễn Háo Vĩnh, nơi một dạo từng là tòa soạn các báo La Cloche Fêlée và L’Écho Annamite. Trên đoạn phố ta vừa đi qua, từ đường Pasteur đến đường Công Lý, và cả đoạn sắp tới, từ đường Công Lý đến bùng binh chợ Bến Thành, là khu vực có lề đường thường bề bộn nhất, khách bộ hành phải chậm bước, len lỏi giữa các bảng hiệu, quày hàng bày bán trước các cửa tiệm, gánh hàng rong, tủ kiếng của người ép plastic giấy tờ hoặc khắc chữ trên viết máy, và thỉnh thoảng còn gặp vài nhóm “sơn đông mãi võ” rao bán “thuốc gia truyền”, lôi cuốn đám đông vây quanh khiến lề đường càng chật chội hơn. Dừng chân tại góc đường Công Lý, trước mặt ta là một ngã năm, vì tại đây còn có đường Nguyễn Trung Trực đổ vào đại lộ Lê Lợi. Trên khúc đường ngắn của “mũi tàu” này, phía Công Lý có tiệm bán máy thu thanh Kinh Châu, phía Nguyễn Trung Trực là nhà sách Vĩnh Bảo. Nhà hàng ca nhạc Quốc Tế chiếm trên tầng lầu, nơi thường được tổ chức tiệc cưới, tiếp tân… Theo quảng cáo thời đó nhà hàng này quy tụ các ca sĩ và dàn nhạc danh tiếng nhất, và là nơi có thể tiếp đón cùng một lúc 400 khách ăn. Sát bên cạnh nhà hàng Quốc Tế, khoảng trước Đệ nhất Thế chiến, có hãng xe hơi SIT (Société Indochinoise de Transports) được thành lập và hoạt động suốt gần 50 năm. Vào cuối thập niên 1960, tòa nhà ba tầng này bị phá bỏ, thay thế bởi thương xá Tam Đa (Crystal Palace), tòa cao ốc sáu tầng do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, nơi tầng lầu 3 có nhà hàng ca vũ nhạc Pha Lê. Giới mộ điệu ca nhạc thường ghé qua khu phố Công Lý này, tìm đến các trung tâm phát hành băng nhạc Mạnh Phát, Phạm Mạnh Cương, Thúy Nga, Jo Marcel, Shotguns… hoặc đi qua trung tâm Tiếng Hát Đôi Mươi của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phía bên đường Nguyễn Trung Trực cạnh nhà sách Vĩnh Bảo. Ngay góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực là nhà hàng Kim Sơn, thành lập vào khoảng đầu thập niên 1950, cũng thuộc loại nhà hàng danh tiếng với các món ăn Âu, Mỹ, Trung Hoa. Nhưng khi nhắc tới Kim Sơn và một nơi tương tự là nhà hàng Thanh Thế, cùng chung vỉa hè Nguyễn Trung Trực đi về phía đầu đường Tạ Thu Thâu, khách nhàn du vẫn nhớ đến hàng cà-phê và dãy ghế bàn bày dưới mái hiên, nơi văn nghệ sĩ, ký giả tìm gặp nhau thân mật chia sẻ chuyện văn chương, thời sự, nhân tình thế thái… lại vừa được hòa mình vào không khí náo nhiệt của đô thị. Tại khu phố này còn một nơi giải trí về đêm khá đặc sắc, đó là nhà hàng ca nhạc Bồng Lai, nằm trên sân thượng, xung quanh trang hoàng bằng cây cảnh theo kiểu vườn treo. Cửa vào nhà hàng Bồng Lai ở phía đường Nguyễn Trung Trực, bên cạnh tiệm Kim Sơn, từ cửa có thang máy đưa lên sân thượng. Đến năm 1975, tại đây vẫn còn địa chỉ cũ từ hơn bốn thập niên qua của Hôtel de l’Ouest mà người sáng lập là ông Nguyễn Phong Cảnh, vì vậy ban đầu khách sạn này còn có tên gọi là “Đại Phong Cảnh Khách Lầu”. Cũng vào khoảng thời gian đó (năm1928), vị trí nhà hàng Kim Sơn là tiệm kim hoàn của ông François Sự. Chúng ta lại tiếp tục tản bộ, đúng ra là luồn lách giữa đám đông và quày sạp chen chúc trên lề. Cách đường Công Lý vài mươi mét là dãy năm, sáu tiệm bán vải của người Ấn, chen ở giữa là nhà sách Việt Bằng, bán dụng cụ văn phòng lẫn sách vở, đặc biệt bán cả các loại sách Pháp. Từ đây đến đầu đường Phan Bội Châu, không sao nhớ hết các cửa hiệu, tiêu biểu ta có thể kể tiệm bách hóa, tiệm đồng hồ, nhà sách Việt Bằng, nhà thuốc Tiên, và ngay tại góc đường là Nhà thuốc Sài Gòn còn được biết với các tên quen thuộc như Pharmacie Nguyễn Văn Cao hay Nhà thuốc Tây Tô Ngọc Dung. Dừng chân tại đầu đường Phan Bội Châu, chúng ta vừa kết thúc cuộc bát phố ngắn ngủi trên đại lộ Lê Lợi. Nhìn ra công trường Diên Hồng bao la, thấy ngựa xe cuồn cuộn và người đi như trẩy hội, cảnh nhộn nhịp ấy như mời mọc ta cùng hòa nhập, chen chân vào các đường phố trong khu quanh chợ Bến Thành. Theo trithucvn