Bạn có thể đã sống ở Sài Gòn lâu năm, cả chục năm hoặc hơn thế nữa, nhưng chắc chẳng mấy khi bạn bỏ hẳn một ngày thong dong thả bộ từ con phố này sang con phố khác, trong cái nắng Sài Gòn để rồi bắt gặp một “Sài Gòn trên những đôi quang gánh”. Đó là những mảng nhỏ trong bức tranh đô thị đầy ắp sắc màu và âm thanh. Nó không thể hiện “tầm vóc hiện đại” của cái thành phố chen chúc cao ốc này nhưng chính là nét sinh hoạt đời thường rất riêng, lặng lẽ trong lòng phố Sài Gòn. Đặc biệt hơn, những gánh hàng rong ấy bao năm qua vẫn tồn tại dung hòa bên những nhà hàng, quán ăn sang trọng, chứng kiến bao sự đổi thay mạnh mẽ của Sài Gòn. Nhà văn Mỹ E.Shillue đã viết một câu thú vị: “Bà bán hàng rong mang trên vai một vật lãng mạn nhất ở phương Đông – cái đòn gánh…”. Từ nông thôn, đôi quang gánh đã ra phố trong rộn ràng của những tiện nghi, và tồn tại một cách hài hòa trong lòng đô thị Sài Gòn. Dạo một vòng từ Hồ Con Rùa ra công viên Tao Đàn, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong với đủ thứ quà vặt được bày bán, nào là bánh tráng nướng, bánh tráng trộn, nào đậu hũ, chè đậu xanh, nào cốm, nào trái cây, nào xôi, nào bánh bột lọc… Gánh hàng rong ngày xưa là đôi quang gánh với chiếc thúng và chiếc đòn gánh. Gánh hàng rong bây giờ, cùng với thời gian, chiếc thúng đã dần được thay thế bằng những vật dụng khác, nhưng vẫn còn đó chiếc đòn gánh mang đậm dấu ấn nông thôn Việt Nam. Sài Gòn vẫn hai mùa mưa nắng với dáng chị, dáng mẹ, dáng bà tất tả ngược xuôi trên phố, quang gánh in hằn trên vai, gánh hàng rong, gánh cuộc đời, gánh mưu sinh. Sài Gòn thực sự là mảnh đất tứ hải giai huynh đệ, Có người từng nói là sống ở Sài Gòn, chỉ cần chịu khó là có thể sống được.Người ta có thể sống ở Sài Gòn chỉ bằng gánh hàng rong, bằng sự cần mẫn, chịu thương chịu khó. Sáng, chiều, sớm, tối và cả ngày nắng hay ngày mưa. Phố Sài Gòn điểm xuyết những đôi quang gánh của đủ mọi con người từ mọi vùng miền đất nước tạo nên nét riêng cho con phố. Với chiếc đòn gánh trên vai, biến đôi quang gánh thành một “cửa hàng” bằng số vốn nghèo nho nhỏ, những người phụ nữ ngược xuôi trong lòng phố ấy tần tảo dưới nắng mưa vì cuộc sống gia đình. Gánh hàng rong cũng trở thành biểu hiện trong tính cách mở của người Sài Gòn, nhịp sống Sài Gòn: giản đơn, không cầu kì, thích ứng nhanh và linh hoạt.Gánh tàu hũ chén quen thuộc chỉ với một nồi đậu hũ, một ca nước dừa, nước đường và …. Gánh canh bún chỉ với một nồi nước lèo, một rổ rau muống luộc và những thứ gia vị đặc trưng rất Huế: ớt, mắm tôm. Nhiều khi ta tự hỏi: chỉ một gánh hàng rong thôi sao mà để nhớ thương nhiều đến vậy. có khi chỉ là nhớ một tiếng rao quen thuộc giữa trưa hè oi ả trong con hẻm nhỏ, nhớ một nụ cười hiền của bà má miền Nam, của chị gái miền Bắc, nhớ hương vị cay cay những món bánh miền Trung… Bởi vậy có những gánh hàng rong ta ghé qua chỉ là bất chợt, có những người cứ phải tìm tới tận con đường ấy, món ăn ấy, người bán ấy để nếm cái hương vị, tẩn hưởng cái không khí ấm áp, thân mật của một quán quen, khách quen. Bên những gánh hàng rong, người ta bắt gặp một góc quê nhà của mình, thấy mình bớt lẻ loi trên chuyến hành trình dài nơi đất khách. Bên những gánh hàng rong, người ta dễ sẻ chia với nhau những câu chuyện về bạn bè, gia đình, cuộc sống. Nhớ để rồi bất giác giật mình nếu một ngày Sài Gòn vắng bóng hẳn những gánh hàng rong chắc là sẽ hụt hẫng nhiều, biết đi đâu tìm lại những khoảng lặng giữa phố phường tấp nập? Tác giả: Huyền Trần.