Không biết số phận run rủi thế nào, di chuyển đến mấy thành phố rồi, căn nhà tôi chọn luôn ở vị trí mà bạn bè hay bảo là “trung tâm của trung tâm”, nơi muốn tìm chỗ đậu xe phải mất 20 phút, nơi đoàn người “đi bão” sẽ tràn qua sau mỗi trận đội bóng Việt Nam thắng. Chiều chủ nhật, thả hồn ở bốn quán cà phê trung tâm Sài Gòn Ảnh hiếm về trung tâm Sài Gòn năm 1967 Những con phố trung tâm có số phận rất kỳ lạ. Người ta thường nói đến bất cứ nơi đâu, nên vào chợ sẽ hiểu được vùng đó, kinh tế nơi đó. Nhưng câu nói này đã lạc hậu với đà phát triển của đô thị. Bây giờ khu đất vàng trung tâm mới chính là “hàn thử biểu” đo độ nóng của kinh tế nơi đó. Thành phố tôi ở cũng vậy. Nhớ những năm kinh tế yếu kém, phố trung tâm mới 9 giờ tối mà chỉ còn ngọn đèn đường leo lét, tôi đi học Anh văn về, sợ hãi khi thấy mấy thanh niên đi bộ ngược chiều từ xa, lo tìm chỗ trốn, chờ họ đi qua mới dám ló ra đi tiếp. Bây giờ phố cũ ngày xưa đang dần biến mất. Ở góc phố, khu biệt thự cổ với kiến trúc Đông dương thuộc địa sau 40 năm thành nhà tập thể nhem nhuốc, nay bỗng lột xác thành khu nhà hàng Ý nhằm đón đầu dòng khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc đang tràn ngập thành phố. Một ngày ra phố, tần ngần vì căn nhà trệt, nơi cô giáo lớp một của con mình cư ngụ và dạy thêm ngày nào bỗng đóng cửa ít bữa, rồi mở ra với bảng hiệu của một thương hiệu bánh mì nghe nói đến từ TP.HCM. Rồi tiệm bán vải cũ cũng đóng cửa, bà bán vải bán khu đất rộng, theo các con đi xa sinh sống. Và trên mảnh đất đó mọc lên một tiệm cà phê lớn nhất nhì thành phố, rộng mênh mông với ba tầng lầu. Thỉnh thoảng nhớ bà bán vải, tôi lại qua đó ngồi, nghe mùi cà phê bốc lên thơm lừng, không còn cái mùi ẩm thấp và bụi bặm của tiệm vải cũ. Đèn đuốc sáng choang, khách du lịch đông nườm nượp với đủ thứ ngôn ngữ. Nhưng đó là quán cà phê thu hút cả người địa phương, chứ không bị du khách “chiếm” như rất nhiều tiệm khác. Vì thế cũng không quá lạc lõng khi ngồi đó nhớ về người cũ cảnh xưa. Sống ở trung tâm, bạn có để ý khi không còn nhìn thấy những người già ra cửa ngồi tắm nắng vào mùa đông, hoặc chuyện vãn, đánh cờ tướng trước cửa vào mùa hè? Tôi đã nhìn thấy những người già ở Hà Nội ngồi trên ban công tầng ba, nhìn mông lung qua ô cửa, chân yếu nên không xuống nhà được, và tầng trệt còn phải nhường cho con cháu buôn bán hoặc cho thuê mặt bằng. Người mình không giống người Âu -Mỹ, không thể sống quá nội tâm, chỉ làm bạn với tivi hay sách vở. Vì thích giao du nên các cụ bảy mươi bây giờ la cà ở quán cà phê rất đông, lắm người còn chơi Facebook, chủ yếu để có cơ hội gặp gỡ bạn bè cũ, chẳng được sang chảnh như các cụ già có điều kiện về ngoại ô sống, làm quen với láng giềng mới và sống thảnh thơi trong những căn nhà ngoại ô yên tĩnh. Thế nên ở ngay trung tâm không hiếm những cái ngách nhỏ được tận dụng mở quán cà phê phục vụ các cụ buổi sáng và đội ngũ bảo vệ các tòa cao ốc suốt ngày đêm. Vì là người sống ở trung tâm, mỗi khi đến TP.HCM, tôi thường chọn khách sạn ở sát chợ Bến Thành dù giá phòng đắt gấp đôi khách sạn cùng hạng ở các quận khác. Và lần nào cũng vậy, tôi thấy một quán phở lâu đời, một người ngồi bán hoa sen ở góc phố, một xe bánh mì nóng buổi tối, một hàng bánh cuốn Bắc buổi sáng… như cố tồn tại với thời gian, tất cả tạo nên một sự quen thuộc giống như trở về nhà vậy. Theo doanhnhansaigon