Chủ tiệm cơm tấm, cà phê tập bán mang về vì dịch Covid-19


Nhiều hộ kinh doanh gia đình, cửa hàng vỉa hè ít có kinh nghiệm bán hàng online đang cố gắng thích nghi với hình thức “bán mang về” do dịch bệnh.

Chập tối, các khách hàng quen thuộc của cửa hàng cơm tấm tại số 184 Nguyễn Thượng Hiền (phường 4, quận 3, TP.HCM) lại tập trung về đây. Thông thường, cửa hàng rộng chừng 12 m2 của ông bà chủ vẫn là nơi dùng bữa của các thực khách bình dân vốn là những người lao động thu nhập trung bình, thấp trong khu vực.

“Có chỗ ngồi cho hai người không chú? Ngồi ăn 5 phút rồi đi liền”, hai vị khách nam là công nhân từ một công trường gần đó dừng xe trước cửa hàng và hỏi. “Bây giờ tôi chỉ bán mang về, cả nhà thông cảm. Dịch bệnh thế này ai cũng nhịn một chút, mai mốt đỡ dịch lại ghé ngồi ăn”, ông N. chủ quán nói.

Giống như hơn 50 hộ kinh doanh đồ ăn vỉa hè trên con đường Nguyễn Thượng Hiền, cửa hàng của ông N. cũng dán trên tủ kính tấm biển với dòng chữ “Vì sức khỏe cộng đồng, chỉ bán mang về”.

Đây là con đường nổi tiếng tại quận 3 với các hộ kinh doanh đồ ăn vừa và nhỏ, từ các món ăn như cơm tấm, gà nướng, bún bò… đến các loại đồ uống như nước ép trái cây, trà sữa, cà phê…


Nhiều người kinh doanh cho biết doanh thu giảm từ 60-80% kể từ khi chỉ áp dụng dịch vụ bán mang về. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chỉ bán mang về dù doanh thu giảm đến 80%

Thậm chí, những xe bán đồ ăn trên vỉa hè đường Nguyễn Thượng Hiền cũng đồng loạt chuyển sang cung cấp dịch vụ bán hàng mang đi, không phục vụ khách tại chỗ. Ông N. cho biết doanh thu của ông và các hộ kinh doanh lân cận giảm từ 60-80% doanh thu khi hoàn toàn áp dụng hình thức bán mang về.

Một số hộ kinh doanh khác đã có kinh nghiệm bán hàng trên các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến sẽ khả quan hơn. Trên thực tế, không chỉ ở những hộ kinh doanh cá thể, hàng loạt nhà hàng, quán cà phê có thương hiệu tại khu vực trung tâm TP.HCM cũng đang chuyển sang hình thức bán hàng này.

Theo khảo sát của Zing, phần lớn nhà hàng, quán cà phê trên những trục đường lớn tại khu trung tâm thành phố như đường Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Hàn Thuyên, Lê Duẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh… đều chuyển sang hình thức bán hàng mang về, không phục vụ tại cửa hàng.

Một số doanh nghiệp còn lại thậm chí ngừng kinh doanh tạm thời để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM.

Một nhà hàng trên đường Hàn Thuyên, quận 1, TP.HCM đưa ra ưu đãi miễn phí giao hàng và tặng đồ uống kèm cho các đơn hàng mang về trị giá từ 200.000 đồng. Ảnh: Hà Bùi.

Anh Hoàng Anh (28 tuổi, làm việc tự do) cho biết trong hai ngày 28 và 29/5, mỗi ngày anh đều mất hơn một giờ lái xe quanh các quận trung tâm như quận 1, quận 3, Bình Thạnh tìm một quán cà phê vắng người để làm việc. Tuy nhiên, các quán cà phê anh thường ghé đều đã đóng cửa, một số ít cửa hàng chỉ phục vụ gọi đồ uống mang về.

Trước đó, chiều ngày 27/5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản khẩn về việc tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, TP.HCM yêu cầu không tập trung quá 10 người, tạm dừng hàng loạt hoạt động như spa, tiệm cắt tóc, quán ăn chỉ phục vụ khách mang đi…

Nhiều cửa hàng đã đưa ra các chính sách bán hàng ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng mua mang về như giảm từ 10-20% các đơn hàng, tặng đồ ăn và đồ uống kèm, miễn phí giao hàng… Đồng thời, các đơn vị kinh doanh này cũng cho biết sẽ chỉ mở lại khi nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng.

Tăng ưu đãi khi ‘bán mang về’

Từ ngày 27/5, nhà hàng Gánh Phố Cổ tại số 7, đường Hàn Thuyên, quận 1 ngừng phục vụ khách hàng tại chỗ nhằm hạn chế việc tụ tập đông người theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng tại TP.HCM. Đồng thời, doanh nghiệp này đã áp dụng chính sáng giao hàng tận nơi miễn phí kèm ưu đã tặng thêm đồ uống hoặc tráng miệng tự chọn cho các đơn hàng từ 200.000 trở lên.

Các chuỗi cà phê như The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks… cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên các ứng dụng đặt hàng trực tuyến của thương hiệu hoặc các đối tác như Grab, Now, Baemin… khi không thể phục vụ khách hàng tại chỗ. Ngoài ra, nhiều chương trình khuyến mãi như mua 1 tặng 1 hay giảm đến 35% giá trị đơn hàng cũng được các doanh nghiệp này áp dụng.

Trao đổi với Zing, ông Hoàng Tùng, người sáng lập Cloud Kitchen Food Home, việc chuyển đổi ngành F&B từ lên online có khá nhiều điều khó, khi làm cần phải có kinh nghiệm cũng như phải có sự đầu tư và tỷ mỉ nhất định mới có thể chuyển dịch lên bán hàng trên môi trường online hiệu quả.

“Theo tôi điểm khó khăn nhất từ truyền thống lên trực tuyến mà nhiều thương hiệu F&B làm không thành công đó là tư duy. Không ít người đã đưa toàn bộ những thứ mình đang có lên nền tảng trực tuyến và đây là lỗi lớn”, ông Hoàng Tùng nói.

Điểm khó khăn nhất từ truyền thống lên trực tuyến mà nhiều thương hiệu F&B làm không thành công đó là tư duy

Ông Hoàng Tùng, người sáng lập Cloud Kitchen Food Home

“Nhiều sản phẩm F&B chỉ phù hợp ở cho phục vụ tại chỗ, không không bán được hoặc không thể đóng gói đề phù hợp với môi trường trực tuyến”, ông Hoàng Tùng chia sẻ. Ngoài ra, ông cũng cho biết có 12 yếu tố buộc các hộ kinh doanh khi chuyển đổi từ cửa hàng truyền thống lên các nền tảng trực tuyến cần phải tối ưu.

Các yếu tố này bao gồm đối tác, tên gọi, thực đơn, khuyến mãi, hình ảnh, món ăn, combo, review, vận hành, mô tả, traffic và giá thành. Theo ông Tùng, nếu đảm bảo được cả 12 yếu tố này, tỷ lệ thành công của việc kinh doanh F&B trên các kênh trực tuyến sẽ rất cao.

“Việc bán hàng qua các kênh thứ 3… là một xu hướng phổ biến do khách hàng dịch chuyển rất mạnh lên các kênh này. Các đơn vị kinh doanh F&B cần nhanh chóng thích nghi và thay đổi để gia tăng nguồn thu cũng như có thêm những tập khách hàng mới”, ông Hoàng Tùng nói.

“Với nhiều nhà hàng đã kịp dịch chuyển lên các ứng dụng giao đồ ăn thì đây là kênh bán hàng mang lại doanh thu tốt để có thể vượt qua những đợt dịch bệnh như hiện nay”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: