Họ là “gia đình” bán vé số dạo có cùng quê hương Phú Yên được anh Ngô Văn Tiến (quê ở An Hải, Tuy An, Phú Yên) cưu mang từ nhiều năm nay. Căn nhà 22/22A Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM) từ nhiều năm nay đã trở thành nơi che mưa nắng của một “đại gia đình” 37 người cùng quê hương Phú Yên vào Sài Gòn bán vé số. Họ là những người cùng chung cảnh khốn khó, già cả, tật nguyền được vợ chồng anh Ngô Văn Tiến (quê ở An Hải, Tuy An, Phú Yên) cưu mang. Ảnh: Chị Đào Thị Lê – vợ anh Tiến (bìa phải) đang chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình. Năm 2010, được một người đồng hương gợi ý anh Tiến đã tập hợp những người Phú Yên ở Sài Gòn cùng bán vé số về sống một nhà cho đỡ chi phí. Ban đầu chỉ có 5-7 người, về sau con số đã tăng lên đến 42 người. Ảnh: Giờ trưa, mọi người tranh thủ ngủ để chiều đi bán tiếp. Đại gia đình đủ độ tuổi, già có, trẻ có, họ cùng chung sống với nhau trong một nhà. Hằng ngày, anh Tiến nhận từ đại lý hơn 4.000 tờ vé số rồi phát cho từng người. Tùy sức mỗi người bán được, phần tiền lời thì họ giữ, bán không hết thì mang về cho anh đi trả lại đại lý. Căn nhà vỏn vẹn 20 m2, được kê thêm gác gỗ tạm bợ với giá thuê 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, mọi người cùng chia nhau tiền nhà, ai để dành được nhiều thì gửi về quê chăm lo cho gia đình. Buổi trưa, cô Tạ Thị Nghiệm (59 tuổi, bìa trái) mắc bệnh hiểm nghèo, cùng con gái út nhận bán 150 tờ vé số, về trả lại 54 tờ. Cô Lê Thị Xuân (57 tuổi, bìa trái) đang kiểm tra tiền sau một ngày bán được. Cô cho hay mấy tháng trước đi bán bị giật 100 tờ vé số, sau đó cô phải làm dành dụm từng đồng để trả nợ cho đại lý. Chị Trần Thị Tuyết (49 tuổi) vừa đạp xe đạp chở cụ Lê Thị Hương (81 tuổi) đi bán vé số, vừa tranh thủ xin những tấm vé phát gạo từ thiện mang về cho cả nhà. 6 giờ sáng, “đại gia đình” ấy lại ra quân đi bán vé số, trưa về ăn cơm rồi chiều lại tiếp tục lên đường mưu sinh. Những lúc rảnh rỗi, họ lại ngồi quây quần bên nhau trò chuyện, kể nhau nghe những vui buồn sau một ngày vất vả. Cứ 13 giờ, dù bán được hay không, mọi người phải trở về nhà để trả tiền và vé “ế” cho vợ chồng anh Tiến mang lên đại lý trả lại. Nhà đông người, nên việc sinh hoạt phải chờ đợi nhau nhưng ai cũng vui vẻ. Chú Phan Văn Toàn (69 tuổi) đang phơi bộ đồ cũ mèm hằng ngày mặc đi bán vé số. Chú cho hay mỗi ngày cũng bán được 100 tờ vé số. Chú Hồ Văn Long (53 tuổi) cặm cụi sạc điện thoại – thứ giá trị nhất mà chú dùng để liên lạc với mọi người ở quê nhà. 14 giờ, mọi người đều thức dậy để chuẩn bị ăn cơm chiều trước khi đi bán. Những đứa nhỏ mới học lớp 5, tranh thủ kỳ nghỉ hè vào chơi với người thân. Chị Đào Thị Liên đang múc cơm canh, chia cho mọi người. Vì số người đông nên không thể ngồi ăn chung với nhau hết. Mọi người đếm vé số trước giờ đi bán. Cụ Võ Thị Mậu (89 tuổi) là người lớn tuổi nhất trong đại gia đình nên miếng cá ngon mọi người luôn dành cho cụ. Mỗi ngày, anh Tiến chở bà cụ đến chỗ ngồi bán vé số, bán hết vé cụ gọi anh ra chở về nhà. Sau giờ cơm, mọi người đợi qua giờ sổ xố để có kết quả rồi mới đi bán. Căn nhà dù thiếu trước hụt sau, nhưng chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cười và tình yêu thương của mọi người dành cho nhau. Sau giờ xổ số, anh Tiến đi nhận kết quả và về phát cho mọi người chuẩn bị đi bán. Như thường lệ, các cô lớn tuổi thường cầu thần tài cho buổi bán vé số được hết sớm. Hai vợ chồng cô Nguyễn Thị Tư (74 tuổi) – Tống Mười (75 tuổi) trên đường bán vé số tạt ngang ngôi chùa gần nhà, chấp tay cầu buôn may bán đắt. Khi tất cả mọi người tất bật về nhà sau một ngày làm việc vất vả thì “đội quân” bán vé số lại bắt đầu cuộc mưu sinh. Theo Hoàng Giang/Pháp luật