Đó là nhận xét rất nhỏ nhưng cực kỳ thú vị của bạn balinguyen: “Người Sài Gòn xem cái sân, lề đường trước nhà là của chung, trong đó có phần mình nên có thể cầm chổi quét hai ba sân một lúc”. Người Sài Gòn qua cầu chữ Y có ‘gai mắt’ với cảnh này không? Hình ảnh lạ: Người Sài Gòn cũng đốt lửa sưởi ấm trong đêm Một chuyện nhỏ xíu: va quẹt nhỏ trên đường Nguyễn Trọng Tuyển lúc 7g10 sáng 25-12, báo của một người bán báo văng vãi trên đường. Ngay lập tức, nhiều người trên đường, trong đó có cả những y sĩ ở một cơ sở y tế gần đó xúm vô lượm báo giùm người bán báo – Ảnh: M.C … Chỉ một phút sau, số báo đã nhặt xong, xếp gọn lên vỉa hè. Lòng đường lại thông thoáng – Ảnh: M.C Đó không phải là chuyện cá biệt. Với hơn 500 bình luận (comment) ở hai bài Ở Sài Gòn bao lâu thành người Sài Gòn và Người Sài Gòn thứ thiệt “nhà quê” một cách sang trọng, hàng loạt những chuyện “nhỏ xíu như tô hủ tíu” trong sinh hoạt của người Sài Gòn đã được nhiều bạn nêu ra. Một bạn ở miền Bắc vô thăm họ hàng ở quận 3 nhớ lại một bất ngờ của mình khi có người bất ngờ cho biết “cái cô gần nhà ngày nào cũng quét sân nhà rồi quét sang sân nhà cạnh bên, đổ rác rất đàng hoàng, như mọi người dân trong khu phố” đang là vợ một lãnh đạo cấp cao của nước mình. Ngo Diep: “Cuộc sống vui vẻ chỉ từ những điều giản dị. Những thế hệ lắng nghe nhau để thêm yêu cuộc sống” Người bạn miền Bắc này nhận xét thêm: “Tôi có cảm giác người Sài Gòn thật sự rất giữ vệ sinh trong nhà cũng như trong khu phố. Tôi khen bác tôi may chọn được căn nhà ở khu phố sạch sẽ. Bác bảo: không chỉ khu phố mình đâu, dân Sài Gòn đa số ăn ở vệ sinh lắm. Mấy hôm sau, đi chơi lòng vòng các con hẻm gần nhà bác, tôi thấy đúng như vậy: hẻm nào cũng rất sạch sẽ, vệ sinh; lúc nào tôi cũng thấy có người trong xóm quét sân trước nhà rồi quét sân xung quanh”. Nhỏ xíu thôi, như chuyện nhớ lại của bạn Tân Sebastian: “Nói về chỉ đường mới nhớ, lúc trước có một cô ngoài Bắc vào Nam công tác. Đang chạy đến gần Xô Viết Nghệ Tĩnh, cô hỏi mình hướng ra cầu Sài Gòn. Không biết đầu óc để đâu mà mình chỉ quẹo trái, mà quẹo trái là ra cầu Bình Triệu, còn mình thì chạy qua quận nhất. Chạy một hồi mới nhớ chỉ lộn, quay đầu xe 180 độ rượt theo cả hơn cây số kêu cổ quay đầu lại…”. Hai bạn Le, thanhnguyen69 lưu ý rất tinh tế: “Người Sài Gòn cởi mở, ưa giúp đỡ, chia sẻ nhưng hiếm khi xía vô chuyện nhà người khác; quét sân nhà hàng xóm nhưng không dòm vô nhà người ta…”. “Làm ra làm, chơi ra chơi… Có thể nghèo vật chất nhưng rất giàu tình nghĩa. bao dung… Bình dân dể gần không quan cách khách sáo…” như bạn Dan rút tỉa là vậy. Nguyên nhân tính cách này, theo bạn khainguyen, “Tính cách người Sài Gòn có lẽ phần lớn là sự pha trộn văn minh miệt vườn Nam bộ và ảnh hưởng văn minh Tây phương nên vừa hào phóng Nam bộ vừa lịch sự, tôn trọng luật lệ”. Người bạn này nhớ lại: “Tôi còn nhớ thời còn là học sinh ở Sài Gòn, học trường Võ Trường Toản gần Thảo Cầm Viên, học sinh chúng tôi rất nề nếp, tôn sư trọng đạo, dù đôi lúc cũng nghịch ngợm của tuổi học trò! Đi ra đường lúc nào cũng ra dáng học sinh có giáo dục, hiếm khi chửi thề, nói tục nơi công cộng. Thỉnh thoảng giúp các cụ già hay người mù băng qua đường, lên xe buýt luôn nhường chỗ cho người già, cho phụ nữ mang thai. Những điều đó đã được các thầy cô trong trường dạy dỗ rất kỹ”. Bạn bánh khọt nước dừa: “Hôm rồi một bà cùng phường đến mượn hai triệu cho con đi bệnh viện. Mình lật đật lấy tiền đưa. Rốt cục mới biết bả nói xạo” (!). Nhưng rồi, người bạn này lại “tặc” lưỡi: “Thôi, thây kệ bả đi, người xấu tính vậy mốt ai thèm giúp. Cái tính dễ tin của người Sài Gòn không biết có… di truyền?”. Theo TTO