Dự án “Nữ Chiến Binh – Phòng chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật bằng nghệ thuật” từ chương trình Sáng kiến thủ lĩnh thanh niên Đông Nam Á đã tổ chức thành công hoạt động “Raise our voice – Hãy cất tiếng nói” tại Trường THCS Đức Thắng, Hà Nội vào ngày 18.01.2020. Sóng 20: Trấn Thành và chủ nhân loạt big hits chiếm lĩnh top Youtube trending cùng hội tụ đêm Giao thừa Trịnh Thăng Bình khẳng định ế 100%, thả thính cô gái gốc Nga khi tham gia “Ai là số 1” Tại đây, các thành viên của dự án – những người khuyết tật đã cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng chống bạo lực tình dục đến hơn 500 học sinh và 100 thầy cô. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật dân tộc thiểu số là đối tượng có nguy cơ cao trải qua các hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và kinh tế. Theo Liên Hợp Quốc (2017), phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bạo lực giới cao hơn so với nam giới khuyết tật do bị kỳ thị và phân biệt đối xử về giới và khuyết tật. Có một số chị em khuyết tật trí tuệ bị xâm hại nhiều lần đến mức gia đình không biết cách nào khác phải đưa đi triệt sản. Hoặc có nhiều trường hợp bị xâm hại nhưng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật không biết nói với ai. Từ đây, “Raise our voice – Hãy cất tiếng nói” đã ra đời nhằm mong cung cấp kiến thức phòng chống bạo lực tình dục không chỉ cho người khuyết tật mà cả cộng đồng một cách trực tiếp, dễ hiểu đến các em thiếu niên – thế hệ tương lai của đất nước. Tại trường THCS Đức Thắng, chị Nguyễn Minh Châu – một biên tập viên khuyết tật của Đài truyền hình Việt Nam đã chia sẻ về thực trạng tấn công tình dục đang xảy ra, đặc biệt với người khuyết tật. Trên sân khấu, các chị em khuyết tật, những nhân vật trong cuộc của nạn bạo hành cũng đã can đảm chia sẻ lại những khó khăn và hành trình vượt qua hoàn cảnh của mình. Đây cũng chính là một mục đích nhằm giúp người khuyết tật mạnh mẽ cất lên tiếng nói của mình, chủ động giúp cộng đồng hiểu hơn về nghị lực của bản thân. Từ đó, người khuyết tật và các em học sinh đã cùng nhau trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình và người khác. Trên sân khấu, các học viên khuyết tật cũng đã trình diễn tiết mục múa do chính mình biên đạo và trình diễn để lan toả nội dung phòng chống bạo lực tình dục. Bên cạnh đó, triển lãm ảnh “Nữ Chiến Binh” do các chị em khuyết tật của dự án cũng đã được trưng bày trong khuôn viên trường. Mỗi bức ảnh, mỗi nhân vật là một câu chuyện về nghị lực của các dạng khuyết tật mà họ hay chính chúng ta có thể phải đối mặt. Tuy nhiên, không mang màu sắc bi luỵ, người xem sẽ cảm nhận được sự tự tin, nét đẹp, nghị lực và năng lượng tích cực lan toả từ các chị em khuyết tật – cộng đồng phải chịu nhiều định kiến từ xã hội. “Nữ Chiến Binh – Phòng chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật bằng nghệ thuật” sẽ tiếp tục đến với nhiều tổ chức và không gian cộng đồng khác tại Hà Nội. Dự án hiện đang được cộng đồng đón nhận và hưởng ứng như một chương trình rút ngắn khoảng cách, gia tăng sự thấu hiểu xã hội và sự tự tin, chủ động của NKT. “Nữ Chiến Binh – Phòng chống bạo lực tình dục cho phụ nữ khuyết tật bằng nghệ thuật” là dự án cung cấp kiến thức – kỹ năng mềm, hiểu biết về luật và quyền cho người khuyết tật để phòng chống bạo lực tình dục. Sau thời gian tập huấn và chuỗi giao lưu với các nhóm cộng đồng như Học Viện Phụ Nữ, Trường THCS Đức Thắng…các học viên của dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nghệ thuật như kịch, âm nhạc, múa để lan toả những kiến thức và câu chuyện nghị lực của mình đến công chúng. Minh Nguyễn