Chỉ 1 năm nữa, các cửa ngõ phía đông, tây và nam của TP.HCM sẽ đồng loạt khởi công những dự án trọng điểm gỡ những nút cổ chai đã “thắt” giao thông TP hàng thập niên qua. Đây được coi là dấu mốc quan trọng mở ra vận hội mới cho giao thương, kinh tế Vùng trọng điểm phía nam. “Lột xác” 3 tuyến quốc lộ Sở GTVT TP.HCM mới đây đã hoàn thành báo cáo tiền khả thi 4 dự án BOT cửa ngõ TP.HCM là các quốc lộ 1, 22, 13 và trục Bắc – Nam, trình UBND TP.HCM xem xét, thẩm định. Đây được coi là những “trái ngọt” đầu tiên từ Nghị quyết 98 về các cơ chế và chính sách phát triển đặc thù của TP.HCM. Trong đó, HĐND TP ban hành danh mục dự án được nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu theo loại hợp đồng BOT. Tuyến QL13 sắp được mở rộng lên 10 làn xe sau hơn 2 thập niên dự án “nằm trên giấy” ẢNH: NGỌC DƯƠNG Theo Sở GTVT, TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế của cả nước, đầu tàu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Thế nhưng 3 tuyến quốc lộ 1, 22, 13 quá tải nghiêm trọng trong suốt 2 thập niên qua đã trở thành nỗi nhức nhối của giao thông, cản trở giao thương của TP với các địa phương. Trong đó, dự án có “thâm niên” nằm trên giấy lâu nhất là mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước. Được coi là “xương sống” nối tỉnh Bình Dương với TP.HCM, dự án mở rộng QL13 đã được UBND TP đề xuất từ năm 2002. Thế nhưng, do hàng loạt vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, cơ chế… nên tuyến đường huyết mạch này đành ngậm ngùi “gánh còng lưng” mỗi ngày một lượng lớn hàng hóa từ Bình Dương về TP.HCM. Với hơn 13 khu công nghiệp, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc hàng “khủng”, tình trạng ách tắc diễn ra cả ngày lẫn đêm, lan vào cả các đường nối nội đô như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ung Văn Khiêm… Đặc biệt, sau khi phía Bình Dương khởi công dự án mở rộng QL13 thêm 2 làn xe đoạn giáp ranh TP.HCM đến TP.Thủ Dầu Một từ tháng 4.2022, lượng xe cộ khổng lồ trên đoạn đường 8 làn xe rộng thênh thang khi dồn về TP.HCM càng bị bóp nghẹt. Có thể nói QL13 là con đường độc đạo đi Bình Dương, cũng là nút cổ chai gây ám ảnh nhất của TP.HCM Trong phương án đang được Sở GTVT trình HĐND TP, QL13 nối TP.HCM với Bình Dương ngoài mở rộng quy mô mặt đường từ 4 – 6 làn xe lên 10 làn (rộng 60 m), còn có đề xuất làm đường trên cao (cầu cạn) khoảng 3,2 km ở giữa tuyến với quy mô 4 làn xe, hai bên là đường song hành. Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng sẽ bắt đầu từ quý 3 năm nay, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện song song. Quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu từ quý 3/2026, hoàn thành và khai thác sau đó 2 năm. Như vậy, muộn nhất tới cuối năm 2028, giấc mơ xóa nút cổ chai QL13 của người dân TP.HCM sẽ thành hiện thực, sau 26 năm chờ đợi. Tương tự, tại cửa ngõ phía tây bắc, QL22 qua Q.12 và H.Hóc Môn cũng sẽ được đầu tư nâng cấp trên đoạn dài hơn 8 km, từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 quy mô 10 làn xe. Trên đoạn đường này cũng được đầu tư nút giao lớn xây khác mức để giảm giao cắt với các tuyến đường xung quanh. Trong đó, 4 làn xe ở giữa tuyến sẽ được thiết kế cho xe chạy nhanh với vận tốc 80 km/giờ, các làn còn lại ở hai bên cho xe chạy 60 km/giờ. Hiện nay, con đường xuyên Á nối TP.HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – Tây Ninh cũng đang quá tải nghiêm trọng. Những năm gần đây, Tây Ninh nổi lên như một điểm đến thu hút, nhu cầu kết nối du lịch tăng vọt giữa 2 địa phương, nhu cầu lưu thông của hành khách và hàng hóa trên tuyến ngày càng tăng cao, khiến QL22 thường xuyên ùn ứ, gia tăng tai nạn giao thông, đặc biệt là tại các điểm giao cắt cùng mức. Mở rộng QL22, cùng lúc xây dựng và hoàn thiện cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Vành đai 3, Vành đai 4, sẽ mở đường cho TP.HCM phát triển thành phố Tây Bắc Củ Chi, không chỉ kết nối giao thương, du lịch với Tây Ninh mà còn mở không gian phát triển mới cho toàn vùng Đông Nam bộ. QL22 sẽ được khởi công nâng cấp trong năm 2026 Trong khi đó, hướng kết nối với Long An qua QL1 (đoạn dài gần 10 km qua Q.Bình Tân và H.Bình Chánh) sẽ được rộng mặt đường từ 6 làn xe lên 10-12 làn, đạt chiều ngang 60 m như quy hoạch. Trên tuyến, các nút giao lớn sẽ được xây dựng khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui) nhằm giảm xung đột với đường xung quanh, đảm bảo xe chạy trên tuyến chính thông suốt. Riêng cầu Bình Điền cũng được mở rộng đồng bộ với giao thông toàn tuyến. QL1 đoạn qua khu vực nói trên là cửa ngõ chính kết nối TP.HCM về các tỉnh miền Tây, đồng thời là đoạn liên kết nhiều trục đường lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cũng là tuyến dẫn vào bến xe Miền Tây. Nhiều năm nay, đây là đoạn “thắt cổ chai” thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do mặt đường hẹp, TP chưa thể làm dải phân cách ngăn giữa phần đường ô tô và xe máy. Cả QL1 và QL22 đều có kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng vào quý 3 năm nay và khởi công trong năm 2026, về đích cùng thời điểm mở rộng QL13. Mở lối ra khu Nam, đưa TP.HCM tiến biển Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định đây đều là những dự án trọng điểm mà ngành giao thông cũng như lãnh đạo TP đã trăn trở rất nhiều. Các công trình sau khi hoàn thành sẽ giúp cải thiện năng lực thông hành, giảm ùn tắc giao thông khu vực, tăng cường trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng các phương tiện dừng chờ, rút ngắn thời gian lưu thông, phát huy hiệu quả khai thác tuyến đường, từ đó khơi thông nguồn lực để TP.HCM cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới. Vì thế, quan điểm của Sở GTVT là không chờ đợi. Dự án nào thuận lợi, có thể làm sớm sẽ bắt tay vào triển khai ngay. Đơn cử, dự án nâng cấp đường trục Bắc – Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành) đang có sẵn mặt bằng, chỉ cần có nhà đầu tư là có thể sớm khởi công ngay. Thực tế, trong số 4 dự án BOT mà Sở GTVT TP vừa hoàn thiện báo cáo tiền khả thi, dự án nâng cấp đường trục Bắc – Nam nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nhất, ngay từ khi mới được thông qua trong danh sách áp dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98. Hấp dẫn như vậy là bởi so với 3 dự án kia, việc mở rộng trục đường Bắc – Nam từ 4 làn xe lên quy mô 8 làn xe có tổng mức đầu tư “nhẹ” nhất – chưa tới 9.900 tỉ đồng, khá phù hợp với liên danh các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, vốn ngân sách TP.HCM đã tham gia gần 50% (bao gồm khâu giải phóng mặt bằng), còn nhà đầu tư sẽ phụ trách phần xây lắp và chỉ cần thu xếp được 5.214 tỉ đồng (53%). Quan trọng nhất, đường trục Bắc – Nam đóng vai trò vô cùng to lớn là trục giao thông kết nối giữa đường Vành đai 2, Vành đai 3, TP.HCM với cảng Hiệp Phước và các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM và Long An. Do đó, khi hoàn thành, với lượng xe chở hàng rất lớn, việc thu phí để hoàn vốn dự án sẽ rất nhanh. Đặc biệt, khu nam TP.HCM được định hướng phát triển rất mạnh, góp phần đưa TP.HCM tiến về biển Cần Giờ, tạo động lực đột phá kinh tế TP.HCM. Với định hướng đưa TP.HCM tiến biển từ hướng Cần Giờ, cửa ngõ phía nam đang là một trong những cực hút trọng điểm được TP.HCM dồn lực đầu tư. Sở GTVT kỳ vọng 3 tuyến quốc lộ cùng được mở rộng đúng quy hoạch sẽ tạo thành trục giao thông thông suốt, lưu thông nhanh giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa của khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.HCM và các tỉnh lân cận. Theo Thanh Niên Online