Ùm! Vết cắt nửa ngón chân cái đang mưng mủ đã khiến cú “hạ thuỷ” của người đàn ông nặng nề hơn mọi ngày, dù cái chân đau đã được bao một lớp vớ và giày ba – ta. Đêm nay, ông bắt đầu công việc thường nhật từ hơn 15 năm qua – đãi trùn chỉ – lúc chín giờ rưỡi, trễ hơn lịch một tiếng đồng hồ. Người phụ nữ hơn 15 năm mò mẫm bắt gián đêm ở Sài Gòn Người đàn ông gần 20 năm săn rắn, bắt chuột ở Sài Gòn Đãi trùn chỉ luôn lom khom suốt gần bốn tiếng đồng hồ, ông Nhân chỉ nghỉ giải lao tại chỗ bằng thời gian hút một điếu thuốc. Rong ruổi theo con nước Mới xẩm tối, người đàn ông trung niên Nguyễn Văn Nhân đã đóng bộ xong, đồ nghề chừng chục chiếc bao tải, cái thau, vợt, đèn soi, bộ quần áo rách… Tất cả chất lên chiếc xe máy không đèn. Luôn đi sớm nhất, bao giờ ông Nhân cũng ghé ngang nhà những người bạn giục một tiếng, sau đó nhắm hướng Lái Thiêu (Bình Dương) thẳng tiến. Ngày thường, sau khoảng 40 phút chạy xe, ông ghé một quán cà phê gần chợ Búng chờ bạn, cái quán không tên đã thành điểm hẹn của nhóm từ gần chục năm nay. Tối nay hơi khác, một cơn mưa lớn kéo dài đã đổ xuống dọc đường, suýt hỏng buổi làm vì nước chảy xiết. Lần lượt các ông Trần Văn Hoàng, Lâm Hải đến. Hôm nay vắng ông Lê Văn Tâm và Nguyễn Văn Dũng, họ đi hướng khác. Cả nhóm có điểm chung: uống cà phê đen nóng và hút thuốc Basto. Kể từ đây cho đến lúc về vào gần sáng, họ không đi cùng nhau nữa. Vòng vèo trong đồng ruộng thêm một đỗi, ông Nhân mới chọn được con rạch. Lòng rạch xám xịt, lạnh ngắt dưới đêm và sau cơn mưa, đủ thứ trôi lềnh bềnh. Nhìn vậy, nhưng ông bảo con rạch này an toàn. Ba tối trước, ở con rạch khác gần khu dân cư, một cái lu sành bể đã cắt ngọt nửa ngón chân cái ông, lúc đạp xuống thấy “êm” nhưng rút chân lên thì “dính”. Ông chống xe, lặng lẽ thay đồ, đeo đèn lên trán, cột thau vào lưng, đeo vợt trước bụng. Cẩn thận, ông để gói thuốc hút vào nón, đội lên đầu, tụt xuống kênh và bắt đầu dò dẫm, lần ngược nước. Thao tác cứ lặp đi lặp lại trong suốt buổi của người đàn ông là: người cúi khom vươn ra trước, đôi tay thoăn thoắt cào bùn rác vào vợt, được lưng vợt thì sàng đãi đến khi đống bùn còn chừng hai vốc tay. Sau đó thẳng lưng, xoay người hốt ném vô thau. Trùn chỉ, thân to bằng đầu mũi kim khâu, nằm lẫn trong đám rác bùn ấy. Đều đặn, chừng 50 phút, cái thau gần đầy, ông đổ vô bao và móc điếu thuốc, bật quẹt xả hơi. Cứ thế, sau khi lom khom dọc gần nửa cây số rạch, hút hết bốn lần thuốc, mất ba tiếng rưỡi lặn ngụp, trút vào được bốn lưng bao, ông cười: “Đã đủ cơ số”. Việc cuối cùng lúc một giờ rưỡi sáng ngoài đê là chất tất cả lên xe và… tắm. Trăm lo đổ đầu trùn Con đường đưa ông Nhân đến với nghề mò trùn chỉ cũng bất ngờ. Quê gốc Quảng Nam, hồi trai trẻ ông ôm súng chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Sau 4 năm trở về, ông lấy vợ, người Sài Gòn ra ngoài miền Trung làm ăn. Hồi những năm 80 – 90 thế kỷ trước, ở quê ông vất vả. Là người siêng năng, chí thú làm giàu, ông ôm nhiều thứ, từ nhận thầu đốt gạch cho hợp tác xã đến đi buôn thuốc lá. Mùa nắng ông thuê công đúc gạch đốt cũng sống được nhưng cứ đến mùa mưa bão, mọi thứ dành dụm bị cuốn sạch. Mấy năm chẳng nên cơm cháo gì, nhớ lại ngày đóng quân ở ngã ba Đông Dương (Kon Tum), rủ thêm người bạn, ông lên lại biên giới đi gùi hàng mướn. Được thời gian, sau khi thuộc đường đi nước bước, ông tự lập một nhóm làm riêng. Tưởng dễ khi trót lọt được dăm chuyến, nhưng một lần, nhóm ông bị lực lượng chức năng “hốt trọn ổ”. Bao nhiêu vốn liếng đi đứt, cả nhóm ngậm ngùi về quê. Mười lăm năm trước, một lần rỗi việc, ông Nhân vô Sài Gòn thăm mẹ vợ. Gặp người anh vợ là ông Tâm rủ đi đãi trùn chỉ chơi. Sau mấy buổi theo anh, thấy kiếm tiền được, ông quay về rủ vợ vô Sài Gòn ở, tất nhiên vợ đồng ý cả hai tay bởi được về sống gần mẹ đẻ. Vẫn giữ nguyên nhà cửa ở quê, hai vợ chồng dắt hai đứa con vô nhà ngoại ở nhờ. Người vợ xin làm công nhân gần nhà, còn ông tiếp tục theo chân anh vợ. Hễ khi con nước xuống là đi, bất kể ngày đêm. Tuy dơ dáy chút nhưng chỉ phải dầm nước mất chừng bốn tiếng hơn, quan trọng nhất là sống được. Tiền vô đều đều, tuy không nhiều nhưng chắc cú. Thành phẩm, cân đong bằng đơn vị lon. Chỉ năm năm, vợ chồng ông dành dụm được ngoài 500 triệu, mua luôn căn nhà hơn 80m2 của mẹ vợ. Dăm năm nay, hai đứa con lần lượt bước chân vô đại học, cô con gái út học đại học Hoa Sen, mỗi năm học phí đã ngốn trên dưới 50 triệu đồng, con trai ra trường cưới vợ… con trùn chỉ đã giải vây tất cả. Ở trong nhóm, Dũng là người trẻ nhất, mới ngoài 30 tuổi. Bước vô Sài Gòn, Dũng được học hành đàng hoàng, học xong “ngựa non” vay vốn bung ra làm ăn kinh doanh, ban đầu có vẻ được, nhưng sau ngập dần vào thua lỗ, nợ nần. Giữa lúc túng quẫn, có người bà con rủ rê, thế là Dũng “gia nhập” nhóm trùn chỉ. Dũng chịu khó, vừa đãi bán, vừa dành phần nuôi thêm cá kiểng. Mới chừng dăm năm, Dũng mua được miếng đất, cất nhà trên Củ Chi, nợ nần giải quyết ổn. Có vẻ như, cậu ta hơi xấu hổ vì “ai lại vô Sài Gòn để làm nghề này” dù trong thâm tâm Dũng hiểu, cũng chỉ ở Sài Gòn, con trùn dưới kênh kia mới nuôi sống được gia đình mình. Gắn kết một đời Xóm trùn chỉ ven kênh Tham Lương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) đã có từ lâu, theo trí nhớ của ông Hải. Hồi gần ba chục năm trước, khi con kênh còn sạch, hai bên bờ kênh nhiều người đào ao nuôi cá. Một ai đó tình cờ biết được cho cá bột ăn trùn chỉ sẽ nhanh lớn, thế là nhà nhà đi dọc kênh đãi trùn nuôi cá. Lúc đó, con trùn chưa thành thứ có thể mua bán như bây giờ. Ông Hoàng, ông Hải mới chừng 15 tuổi, đã bắt đầu mò trùn về nuôi cá thịt. Mãi sau này, con trùn chỉ mới dần quý và có chuyện đi mò về bán và chỉ dành cho cá kiểng. Nhiều người không biết, thấy dân mò trùn áo quần lấm lem sình đất, ướt dượt cứ tưởng trùn chỉ sống những nơi ô nhiễm. Lầm to, con trùn chỉ sống được ở những nơi nước sạch. Thành thử Sài Gòn bây giờ, các con kênh như Tham Lương, Nhiêu Lộc đã mất bong con trùn vì ô nhiễm, nước thải công nghiệp, chỉ ngoài sông Sài Gòn mới còn trùn chỉ. Cũng đã gần chục năm, nhóm ông Nhân, ông Hoàng… đã phải xách xe đi mò đãi xa dần, qua Bình Dương, lên Đồng Nai. Tất cả đều đi trên bộ. Có một nhóm đãi trùn khác ở sông Sài Gòn lại sống tại Bến Phân (huyện Thuận An, Bình Dương), họ dùng ghe chèo dọc sông. Đêm hôm đó, khoảng 2 giờ sáng, mọi người về đến nhà. Trùn nhanh chóng được đổ ra thau, xả nước vào để chúng không chết ngộp và dồn thành cục. Nhóm đãi trùn chỉ có một quy ước, mỗi người có mối giao hàng riêng, không ai giật của ai và không tò mò đến mối người khác. Sáng sớm, sau khi tách trùn ra khỏi bùn và rác, ông Nhân đi giao ba điểm, đó là những cửa hàng bán cá kiểng. Chẳng ai cân ký, mua bán trùn người ta tính theo lon sữa bò: lon đặc 20.000 đồng, lon nước 7.000 đồng. Đêm ấy, ông Nhân đãi được hơn 60 lon nước, kiếm ngoài 400 ngàn đồng. Đã thành lệ, nếu người mua cần nhiều hàng hơn, ông mới đãi thêm, còn không chỉ bốn lưng bao như hồi đêm là đủ. Đãi thừa cũng bỏ. Bán hàng xong, mấy anh em lại thư thái bên ly cà phê đầu ngõ, vì tất cả ở chung con hẻm. Ai nuôi thêm cá kiểng, loay hoay thay nước, cho ăn. Ông Nhân cũng muốn nuôi lắm kể kiếm thêm, nhưng ngặt nỗi giếng khoan phèn còn xài nước máy thì mắc mỏ. Nhìn bốn mái đầu đã điểm sợi bạc vì ai cũng đã tròm trèm tuổi 50 và tưởng tượng một đoạn dài cuộc đời họ là bến sông, con lạch, dường như, những thứ ấy đã buộc họ lại với nhau, thân thích như một nhà. Dù đã ít nhất một lần, ông Nhân định đổi nghề nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua rồi bay mất. Ngày mai, ngày mốt, khi con trùn chỉ càng tránh xa đô thị, đoạn đường đêm của ông Nhân và những người anh em có dài hơn, nhưng chưa ai nghĩ sẽ thôi nghề mò đãi, dù chẳng ai cho, chẳng ai muốn con mình nối gót. Và, chắc một điều, còn lâu lắm cư dân đô thị mới có thể kiếm thứ gì khác cho thú vui thay con trùn chỉ. Theo PLO