Đa số nhà máy dược phẩm ở TP.HCM đều sản xuất các mặt hàng generic thông thường mang tính trùng lắp; nhiều nhà máy sản xuất cùng một hoạt chất và nguyên liệu chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về dược liệu, nền y học cổ truyền, sản xuất được vắc xin và phát triển hóa dược nhưng tiềm năng này chưa được khai thác xứng đáng – Ảnh: DUYÊN PHAN Đây là thực trạng ngành công nghiệp dược của TP.HCM vừa được Sở Y tế TP.HCM đề cập trong công văn gửi các sở, ngành nhằm góp ý cho dự thảo “đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy hiện toàn thành phố có 31 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt của WHO), chủ yếu sản xuất thuốc theo công thức hết thời hạn bảo hộ bản quyền cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thuận lợi của TP.HCM còn là nơi tập trung các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực dược hàng đầu, có các khu công nghệ cao, nhà máy lớn. Ngoài ra, về thị trường tiêu thụ khá dồi dào, đặc biệt thuốc chuyên khoa đặc trị khi có 133 bệnh viện, 1.202 doanh nghiệp buôn bán và 6.529 nhà thuốc. Tuy vậy, theo đánh giá, đa số nhà máy dược phẩm ở TP.HCM đều sản xuất các mặt hàng generic (thuốc phiên bản), thông thường mang tính trùng lắp; nhiều nhà máy sản xuất cùng một hoạt chất và nguyên liệu chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc. Trước nhu cầu ngày càng lớn so với thực tế còn khiêm tốn cả về số lượng, chất lượng, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng lộ trình thực hiện xây dựng khu công nghiệp dược tại TP.HCM với 3 giai đoạn từ năm 2022 – 2045. Trong đó, từ năm 2022 – 2025 sẽ định hướng xây dựng khu công nghiệp dược bằng việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách về quỹ đất, thuế, nguồn tài chính cũng như kêu gọi đầu tư. Song song đó là xác định các loại hình sản phẩm bao gồm dược phẩm công nghệ cao và trang thiết bị y tế, qua đó đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm được sản xuất trong khu công nghệ cao. Từ năm 2025 – 2030, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp dược với quy mô khoảng 300ha, từng bước đưa vào hoạt động thực tế. Từ năm 2030 – 2045 sẽ đưa khu công nghiệp dược hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối – liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ. Sở Y tế TP.HCM cho rằng cần tạo cơ chế chính sách quy tụ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài để sản xuất các thuốc phát minh (hoặc chuyển giao công nghệ), thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao; Vắc xin, sinh phẩm, các trang thiết bị xét nghiệm, sản phẩm y sinh kỹ thuật cao phục vụ được nhu cầu trong chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trong nước, đồng thời tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Công nghiệp dược Việt đang ở đâu? Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng về dược liệu, nền y học cổ truyền, sản xuất vắc xin và phát triển hóa dược… Nhưng nghịch lý là để sản xuất, chúng ta lại đang phải nhập khẩu nguyên liệu trên 90%. Và đây cũng là lý do các doanh nghiệp ví von “ngành công nghiệp dược Việt Nam đang đứng trên chân người khác”. Theo phân loại của WHO, ngành công nghiệp dược của Việt Nam mới ở gần cấp độ 3, tức có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) và xuất khẩu một số dược phẩm. Còn theo phân loại 5 mức phát triển của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), công nghiệp dược Việt Nam mới chỉ ở mức 3, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”. Theo Tuổi Trẻ Online