Bài dự thi “Xuân tình người” – Mẹ! Con đã về


Phòng trọ ngày cuối năm không khí vội vã hơn, đặc biệt là mỗi người cũng mang trong lòng một tâm trạng khác nhau.

Bài dự thi “Xuân tình người” – SỐ PHẬN VÀ SỰ LỰA CHỌN

Bài dự thi “Xuân tình người” – CHÚ BÁN ĐĨA…

Bài dự thi “Xuân tình người” – TẾT TRONG QUÂN NGŨ

mè

Có người tranh thủ sau giờ tan sở chạy ra chợ mua ít quà để mang về nhà, có người đếm từng ngày để đến giờ được sum họp. Và cũng có cả những người bùi ngùi mong cho ba ngày tết sẽ qua mau…

Nó thẩn thờ nhớ đến câu nói của người xưa: “Cơm người khó lắm ai ơi, chẳng như cơm mẹ chỉ ngồi xuống ăn”. Cuộc sống nơi đất Sài Gòn hoa lệ này, nhưng hoa chỉ để cho người giàu, còn lệ sẽ dành phần cho người nghèo khó.

Trong những ngày giáp tết, ai xa xứ mà không chút chạnh lòng nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh em, nhớ quê hương đất tổ… Vậy mà cứ gói ghém cả năm cũng chẳng đủ tiền để được về thăm nhà một chuyến cho trọn vẹn. Nó nghĩ đến mớ lịch giảng chồng xéo lên nhau, cùng những lo toan nơi xứ người khiến nó bỏ quên và rời xa vòng tay mẹ hiền lúc nào chẳng biết.

Nó thương lắm, nhớ lắm cái mùi rơm rạ quê mình, nhớ dáng người ngồi loay hoay bên chái bếp mỗi buổi chiều tà, khói bếp quyện vào mây trời, vào những cánh rừng tràm đang mùa trổ bông vàng rợp. Mong ước được nhìn thấy mẹ, ôm mẹ vào lòng, ngửi được mùi hương xà bông Cô Ba quen thuộc trên lọn tóc rối muối tiêu của mẹ… làm nó muốn rơi nước mắt….

Bôn ba mưu sinh nơi chốn phồn hoa độ hội, đầy cám dỗ này, đã có lúc  nó  từng giật mình, ngây dại mà thốt lên:  “Tôi không dám tin là tôi, một thời người làng quê ấy….”.

mẹ

Tháng chạp, cái lạnh tinh khôi giữa lúc chuyển mùa khiến tim nó thêm se sắt. Nó dặn lòng phải tranh thủ đi mua cho mẹ một chiếc áo ấm tết nay, vậy mà khi đặt bút viết lên những dòng này, nó vẫn chưa mua được…

Cô Súp, cái tên thân thương mà dân xóm trọ chúng tôi đặt cho cô vì đơn giản cô bán súp cua, cô tự nhận mình là người ở trọ chuyên nghiệp, có thâm niên gần 20 năm tâm sự: “Tết nay chắc cô không về với gia đình được. Thương lắm mồ mã ông bà…cuối năm mà cũng chẳng về để thắp cho hai đấng sinh thành một nén hương. Phải chịu tội bất hiếu chứ biết làm sao bây giờ…Vừa mới qua cơn bạo bệnh, tiền tích góp bao năm dồn hết vào thuốc than rồi. Tết nay tranh thủ ở lại bán thêm, được đồng nào hay đồng đó, hy vọng năm sau lại được về. Mà… cô cũng không biết đã hứa mấy cái năm sau như vậy rồi….”.

Thằng Minh nghe cô Súp nói,   rươm rướm rồi quay đi, Minh đang khóc vì biết là tết nay Minh cũng chẳng được về với mẹ. Minh dự định xin làm thêm ở một nơi nào đó dịp tết, để qua tết có tiền gởi về cho mẹ đi khám đôi mắt có cườm….

Tự nhiên nó thấy lòng nặng trĩu, mùa vui ngày tết thoáng chốc bỗng là gánh nặng và nỗi buồn…

Mắt nó cũng đỏ hoe, nó lặng lẽ bước về phòng, rồi âm thầm dọn dẹp và gom ít đồ vào vali, nó quyết tâm năm nay, sẽ dừng bớt lại các lịch giảng bên ngoài để được về với mẹ sớm hơn. Nó sẽ không như mọi năm nữa, cứ tham công tiếc việc.  Và linh cảm làm cho nó thật sự lo sợ, lo sợ theo đúng nghĩa đen vì nó nhận ra rằng “ngày nó xa mẹ càng gần…”.

Tháng chạp, tháng của hoài mong và nhung nhớ, tháng cuối cùng của một năm âm lịch… Từ sâu thẳm trái tim, ai cũng mong được về với mẹ, với gia đình, với xóm thôn, với những kí ức nuôi dưỡng tâm hồn để con người ta có thể bám víu mỗi khi yếu lòng, tủi phận mà tìm đến để thấy được chút an ủi, bình yên. Riêng bản thân nó cũng không ngoài điều đó, nó mong được về với mẹ chỉ để được nhìn thấy:

“Mẹ hiền ngồi đan chiếc áo mùa đông,
Mái tranh co ro ngày đêm con đây trách lòng,
Giọt nước mắt cất lên một tiếng sau cùng:
Mẹ! Con đã về…”.

     Nguyễn Hoàng Long

Quận 4, TP.HCM


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: