(2SaiGon)- Sau giờ làm, chị Lê Thị Phương Hảo (Văn phòng NXB Giáo dục tại TP.HCM) nán lại văn phòng, tỉ mẩn xếp lại mấy chục bộ quần áo cũ. Chị tần ngần trước vài bộ hơi cũ, nâng lên đặt xuống và quyết định loại bỏ vì “mình thấy còn đẹp nhưng sợ người khác thấy không đẹp, khiến họ tổn thương rồi mình cũng mang tiếng”. Cơm từ thiện Sài Gòn: Làm việc tốt còn bị mắng! Cảm động người thợ sửa xe dành nửa đời làm từ thiện ở Sài Gòn Thực tế là có rất nhiều người như chị Hảo, giúp đỡ hay chia sẻ vẫn là công việc không đơn giản. Điều gì đang ngăn cản bạn làm điều tốt? Làm điều tốt … rất khó? Chị Phương Anh, một nhân viên văn phòng làm việc tại quận 3, TP.HCM đã đứng ra vận động sách vở và dụng cụ học tập cho trẻ em vùng biên giới Tân Biên- Tây Ninh. Chị “cõng” quà lên biên giới. Mệt nhoài. Vừa ngồi xả hơi và chia sẻ tâm trạng vui thế nào khi đưa được sách đến với trẻ em nghèo lên Facebook, chị như bị tạt những gáo nước lạnh liên tiếp khi một số người bình luận, kiểu “liệu bọn trẻ này cần sách hay cần thức ăn hơn?”, “thu chi cụ thể thế nào, sao chưa thấy công bố?”, “sao thấy có em lớn tướng mà vẫn nhận sách lớp 5, việc lập danh sách có kĩ càng không?”… Chị chỉ biết ngồi khóc. Người làm việc thiện phải đối mặt với bao vấn đề về sức khỏe, vệ sinh,… trong chuyến đi của mình. Nguồn: internet Làm việc tốt thật ra là rất… khó. Đang chạy xe ngoài đường, bắt gặp một người đang bị lên cơn động kinh, nằm co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược dại đi, bạn sẽ làm gì? Những ý nghĩ thoáng qua sẽ là “dừng lại, gọi thêm người giúp đỡ, đưa nạn nhân vào bệnh viện”. Nhưng đồng thời cũng sẽ có một luồng suy nghĩ khác chống lại, đó là “chắc là người bị động kinh bị một lúc sẽ tự hết, mình đang trễ giờ làm; đến giúp đỡ coi chừng lại bị nghĩ mình là thủ phạm nếu lỡ người ấy có bị làm sao…”. Trong lúc nghĩ đi nghĩ lại đó, bánh xe vẫn quay và từng người trôi qua nạn nhân với chút áy náy. Thực sự, khi gặp một trường hợp cần được giúp đỡ, khác biệt nằm ở chỗ: người không giúp thì tìm đủ mọi lý do về sự bất tiện, phiền phức để né tránh, còn người sẵn sàng xông vào giúp thì …. chẳng nghĩ gì cả. Ngoài ra, tâm lý “mình góp một chút thì cũng đâu thay đổi được gì” khiến nhiều người dễ dàng bỏ qua cơ hội được chung tay, mà quên rằng “góp gió thành bão”. Nếu ai cũng nghĩ “đóng góp của mình chẳng đáng là bao”, sẽ không tạo ra được kết quả lớn cho những dự án vì cộng đồng. Quả cảm từ những điều nhỏ nhất Chị Phương Hảo cho rằng: “Khi bạn đã quyết định sẽ bắt tay làm điều tốt, bạn phải chấp nhận cả những phán xét của người đời nếu mình làm chưa tốt và người trong cuộc phải tự thân nỗ lực vượt qua”. Tan tầm, người mẹ nào cũng cần vội về nhà đón con, lo cơm nước, nhà cửa. Nhưng chị Hảo nán lại văn phòng để làm việc công quả. Lòng quả cảm không chỉ dành cho những điều lớn lao, nó còn dành cho những người tốt dám vượt qua trở ngại bản thân từ những điều nhỏ nhặt như vậy. Khi bạn quyết định làm việc thiện thì hãy tạo cho mình một tinh thần quả cảm, dấng thân hết mình vì cộng đồng. Nguồn: internet Khi bị “nói xa nói gần”, chị Phương Anh đã có ý định không bao giờ làm “chuyện bao đồng” nữa. Nhưng đừng ngạc nhiên vì chị lại lên kế hoạch để 27 Tết năm nay, mang 200 phần quà Xuân đến trao cho bà con nghèo ở vùng Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Với chị thì những người hay phê bình người khác thường không làm, còn những người sẵn sàng làm điều tốt, cứ tiếp tục kiên định với cái tâm của mình. Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng phòng Khoa học xã hội, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM – nhận định: “Khảo sát mới đây của chúng tôi về nhận thức và nhu cầu chia sẻ cộng đồng, có đến 96,2% người “Cảm thấy sống có ích khi chia sẻ, giúp đỡ cho người gặp khó khăn” và 92,1% người “Cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong lòng” khi tham gia các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng. Đúng là làm điều tốt còn gặp nhiều rào cản nhưng niềm vui của sự sẻ chia bao giờ cũng lớn hơn. Đó là động lực để nhiều người sẵn sàng chìa bàn tay nắm lấy một bàn tay khác đang cần giúp đỡ.” Vậy là, dù còn đó những rào cản về sự xét nét, nghi hoặc, sợ phiền phức…, phần đông người Việt vẫn vui vẻ cho đi. Chẳng phải đó là những “tấm lòng” cho đi không mong người khác trả ơn, cũng không phải để trang sức cho bản thân mình mà đơn giản chỉ là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng và để gió cuốn đi” như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn nói đến hay sao! Quang Anh