Nếu đã trên 25 tuổi, rất có thể quý anh chị đã và đang hiểu sai về chúng tôi – những người trẻ nhưng không hề rẻ! Những status “sống ảo” bắt nguồn từ lời bài hát của giới trẻ Thế giới đã thay đổi – lãnh đạo trẻ cần làm gì? Đừng chê bai chúng tôi, khi thế hệ Y cũng đang bế tắc bỏ xừ! Tôi biết những người nhìn thấy chúng tôi rồi khinh khỉnh rằng, ôi dào, rặt một đám vô tích sự ăn bám bố mẹ, suốt ngày chỉ biết ăn mặc sang chảnh, tay cầm vape tay bấm điện thoại, sống ảo sống gấp, dễ dãi với chính cả thân thể mình – chắc chắn đều là những người đã ngoài 25 tuổi. Tất nhiên, anh chị chính là thế hệ Y, là những millennials huyền thoại trong truyền thuyết, được tương truyền và tôn vinh là thế hệ vàng vĩnh viễn không thể vượt qua. Những mỹ từ đã dành hết cho Gen Y rồi, vậy là chúng tôi, những hậu bối Gen Z đến ngay sau đó hiển nhiên sẽ bị đưa lên bàn cân, và chẳng hiểu sao lại bị gán cho những mác không được “thơm” cho lắm. Mọi người rung lên hồi chuông thức tỉnh, rằng thế hệ Z đang thua kém tiền bối của mình nhiều quá, chỉ là một thế hệ cúi đầu không biết cách giao tiếp sao cho đúng mực, tay sờ màn hình điện thoại còn nhiều hơn là chạm vào một bàn tay nào đó khác. Nhưng chúng tôi không sống ảo CHO VUI. Không ai có quyền được đánh giá nhân cách của người khác lúc trên giường, trừ phi họ kiếm tiền ở đó. Tương tự, không ai có quyền được đánh giá, bỉ bai chúng tôi là lũ sống ảo vô dụng, suốt ngày chỉ Facebook, Instagram, trừ phi biết rõ rằng chúng tôi không kiếm được đồng nào từ những trang mạng xã hội đó. Chúng tôi may mắn (hay bất hạnh?) được sinh ra trong thời đại của internet, khi mà cả vũ trụ ngoài kia chỉ cách mình có một cú click chuột. Vậy tại sao chúng tôi phải chờ sự cho phép của ai đó, hay chờ cho mình có đủ kinh nghiệm thì mới được tự do thể hiện mình? Anh chị luôn cho rằng mình là người đi trước, đã va vấp kinh nghiệm đầy ra rồi, nhưng liệu anh chị sẽ cảm thấy thế nào, khi một đứa nhóc kém mình 7,8 tuổi, chỉ đăng một cái status hay up một cái video là đút túi một số tiền bằng đúng lương tháng của anh chị? Đừng chê bai chúng tôi, khi chính thế hệ Y cũng đang bế tắc bỏ xừ. Nhốt mình vào trong những hình vuông khô cứng, tẻ nhạt, từ văn phòng, từ cabin làm việc, đến màn hình máy tính hay những giấy tờ khô khan, hẳn thế hệ Y đã cảm thấy ngán đến tận cổ rồi. Kết cục là gì? Hàng loạt những workshop dạy viết chữ đẹp, vẽ tranh như họa sĩ, sách tô màu cách kiểu đã xuất hiện. Để làm gì? Để phục vụ thế hệ Y đang phát chán lên với cuộc sống một màu nhạt nhẽo của mình chứ còn gì nữa! Chúng tôi sống ảo, sống gấp, nhưng trong thời đại thương hiệu, hình ảnh cá nhân được o bế như hiện nay, nếu không ảo, không gấp, thì bạn hẳn là con cá đang bơi ngược lại cả đại dương. Thế hệ Y hô hào nhau làm ít thôi, nghỉ ngơi đi, du lịch nhiều vào. Thế hệ Y lắc đầu ngán ngẩm không dám nói đến chuyện kết hôn, có con. Mua nhà, mua xe hơi chắc hẳn là ước mơ trên trời, khi lo tiền ăn, tiền nhà hằng tháng đã là chuyện nhiêu khê. Thế hệ Y rủ nhau làm Peter Pan cả lượt, chỉ thích ở nhà tô màu, xem phim ăn bắp rang bơ, sống bằng quỹ “Utachi” càng lâu càng tốt. Thế thì có quyền gì mà chê bôi chúng tôi? Một thế hệ người trẻ vẫn còn nhiều điểm trừ nhưng chắc chắn cũng không ít những điểm cộng, với những dấu ấn riêng và rất nhiều những cá nhân kiệt xuất? Không, chúng tôi không cố gắng vượt qua ai cả Đúng. Hữu xạ tự nhiên hương. Âm thầm làm việc, cố gắng phấn đấu cho đến khi bạn không phải giới thiệu với người khác mình là ai nữa, đó chắc chắn không chỉ là mục tiêu của riêng một người, riêng một thế hệ. Chẳng qua là cách thể hiện, hay cách để đạt được mục tiêu chung ấy có phần khác nhau mà thôi. Thế hệ Y đi trước sẽ chọn cách âm thầm học hỏi, nhẫn nhịn và chịu đựng, mỉm cười với tất cả những kẻ hắt nước lạnh vào mặt mình (đêm về có ếm bùa trù ẻo người ta không thì chịu), và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu. Nếu thành công, họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Nếu không, hiện thực phũ phàng đúng kiểu sóng sau đè sóng trước sẽ khiến họ hoang mang, thất vọng, mất lòng tin vào chính bản thân mình và không thể gượng dậy được nữa. Những người trẻ bây giờ nói chung và những người (đang bị gán mác là vô tích sự) nói riêng, lại có cách rất khác. Chúng tôi không ngại thử, không ngại tỏ ra yếu đuối, không ngại “phơi sáng” bản thân trước bàn dân thiên hạ. Cứ ném dao, phi tiêu, thậm chí là lựu đạn vào chúng tôi đi. Không sao cả. Vì yếu đuối cũng là một năng lực thần kỳ của người trẻ. Chúng tôi yếu đuối, chúng tôi show off để người ta thoải mái bỉ bai, chê bôi, cũng là khi chúng tôi học cách biến những lời chê ấy thành động lực để hoàn thiện mình. Sẽ không ai biết chúng tôi đã khóc nhiều thế nào khi vlog đầu tay không có nổi 100 lượt view, khi status bày tỏ quan điểm đầu tiên được tặng gạch đủ xây cả villa, khi style của chúng tôi bị ví như truyền nhân 10 đời của Cái bang. Chúng tôi hoàn thiện mình sau những va vấp, sau những comment đầy ác ý như thế. Vậy nên, chúng tôi hoàn toàn có quyền nói rằng “Chúng tôi trẻ, nhưng không hề rẻ!”. Đừng bắt chúng tôi phải cúi đầu học hỏi, khi ngẩng cao đầu sẽ nhìn thấy mọi thứ rõ ràng hơn, và nhìn được xa hơn. Đừng dạy khôn chúng tôi phải im lặng mà làm tốt việc của mình, một việc thôi, khi chúng tôi có thể multi-tasking, có thể dùng tiếng nói của mình để kiếm ra tiền, để truyền cảm hứng cho những người trẻ khác. Đừng chê trách chúng tôi không biết cách làm việc. Không phải cứ đóng khung áo sơ-mi quần tây, cầm cặp da đến văn phòng uống café nói chuyện chính trị mới là làm việc đúng nghĩa. Chúng tôi đi tìm cảm hứng cho mình mỗi ngày ở mỗi mảnh đất khác nhau. Chúng tôi tưng tửng đấy, amateur đấy, nhưng cũng đang cố gắng để trở nên chuyên nghiệp hơn, được coi trọng hơn, mỗi ngày. Thế hệ nào cũng vậy, có điểm cộng, ắt có điểm trừ. Có tài năng, ắt có khiếm khuyết. Thay vì chê bôi và chỉ ra điểm xấu, hãy cùng nhau sống tích cực và cố gắng nhìn vào những mặt tốt của nhau, có được không? Người trẻ chúng tôi không cố gắng để vượt qua bất kỳ ai cả, chúng tôi chỉ đang cố gắng để vượt qua chính mình. Đơn giản vậy thôi. Theo Trí Thức Trẻ