Ngoài siêu thị, người dân TP.HCM có thể mua rau củ, thịt cá ở đâu?


Ngoài kênh mua sắm ở các siêu thị, người dân TP.HCM có thể tìm đến bưu điện, cửa hàng mỹ phẩm và đồ trẻ em, nhà thuốc… để mua rau củ, thịt cá.

Nghe tin một shop mỹ phẩm cũng triển khai bán rau, củ, sáng 18/7 anh Kiên (quận 1) tìm đến một điểm bán của cửa hàng này gần nhà.

“Cửa hàng bán chủ yếu là rau, củ với mức giá hợp lý. Đáng nói, ở đây tôi không phải xếp hàng lâu, sợ hết hàng như ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi”, anh chia sẻ.

Thực tế, trong bối cảnh nhiều kênh bán lẻ hiện đại bị quá tải, chính quyền TP.HCM đã huy động mọi nguồn lực, địa điểm từ bưu điện, nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm, nhà hàng đến cửa hàng bán đồ trẻ em… để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân thành phố.


Người dân TP.HCM có thể dễ dàng mua rau, củ tại cửa hàng mỹ phẩm, đồ trẻ em, nhà thuốc.. Ảnh: Phương Lâm.

179 điểm bán của bưu điện, 34 điểm bán của Viettel Post

Hưởng ứng chương trình của Sở Công Thương, Bưu điện TP.HCM tổ chức cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại 179 điểm, trong đó có 22 điểm bán hàng bình ổn giá và 10 điểm bán rau, củ, thịt heo. Các điểm còn lại bán đồ khô thiết yếu.

Giá bán các mặt hàng bằng hoặc thấp hơn giá thị trường. Cụ thể, rau củ đạt tiêu chuẩn GAP như cà rốt có giá 36.300 đồng/kg, cải thảo 38.500 đồng/kg, chanh không hạt 51.700 đồng/kg, cần tây 52.800 đồng/kg…

Trao đổi với Zing, đại diện Bưu điện TP.HCM cho biết đến nay đơn vị đã bán được 20 tấn rau, củ các loại. Thịt đã triển khai bán được 2 tạ/ngày, dự kiến ngày 19/7 sẽ có thêm 2.000 quả trứng được bày bán.

Tất cả khách hàng tới đây đều cần thực hiện quy tắc 5K và khai báo y tế. “Theo khảo sát khách hàng, hầu hết ý kiến cho rằng việc mua sắm ở bưu điện dễ dàng, không phải xếp hàng hoặc gặp tình trạng hết hàng như đặt qua kênh online”, đại diện này chia sẻ.


Người dân có thể mua rau, củ và thực phẩm thiết yếu tại các bưu điện trên địa bàn quận, huyện, TP. Ảnh: Phương Lâm.

Tương tự, tại các bưu cục của Viettel Post, tính đến ngày 17/7, hơn 150 tấn rau củ quả được tiêu thụ tại 34 điểm bán lưu động của đơn vị này tại 20 quận, huyện ở TP.HCM. Trang thương mại điện tử Voso trong ngày 17/7 cũng ghi nhận hơn 5.000 đơn đặt hàng.

Tại các bưu cục, hàng được bán theo combo, đồng giá 100.000 đồng, với mỗi bịch 5 kg gồm 4-6 loại rau củ để người dân mua nhanh, hạn chế tiếp xúc. Nguồn cung chủ yếu từ Lâm Đồng và Đắk Lắk, được công ty phân loại và đóng bịch sẵn rồi giao đến các bưu cục.

Đơn vị sẽ tiếp tục tăng lượng hàng nhập vào, dự kiến 60-80 tấn/ngày, đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP.HCM- Đại diện Viettel Post.

Khách xếp hàng theo vạch kẻ cách nhau 2 m, được phát phiếu trước hoặc đăng ký mua online qua trang voso.vn để giao hàng tại nhà.

“Đơn vị sẽ tiếp tục tăng lượng hàng nhập vào, dự kiến 60-80 tấn/ngày, đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP.HCM”, đại diện Viettel Post cho hay.

Người dân có thể tra cứu các điểm bán lưu động bằng cách tìm “điểm bán hàng bình ổn Voso” trên google maps hoặc đặt hàng tại ứng dụng.

Tại cửa hàng The Face Shop, Pharmacity, Con Cưng, Guardian

Ngày 18/7, một số cửa hàng The Face Shop, Pharmacity, Con Cưng, Guardian ở TP.HCM đã triển khai bán các loại rau, củ như cải ngọt, mồng tơi, cà rốt, bắp cải trắng, rau muống, đậu cove…

Đơn cử, tại cửa hàng Con Cưng – kinh doanh thời trang mẹ bầu & em bé – trên đường Tô Ngọc Vân bán một số loại rau như cải ngọt, cải thảo, rau muống, rau dền… trước cửa hàng.

Tại đây rau cải, rau muống, mồng tơi, bí đỏ, cà rốt có giá 35.000 đồng/kg, rau và bắp 20.000 đồng/4 trái. Mỗi khách chỉ mua tối đa 2 kg. Khách hàng đến mua đều được nhân viên yêu cầu khai báo y tế, khử khuẩn, đứng giãn cách 2 m.

Theo đại diện chuỗi cửa hàng Con Cưng, hiện đơn vị này đã mở 100 điểm bán tại khắp quận, huyện, TP Thủ Đức và sẽ tiếp tục mở rộng ra 150 điểm bán toàn chuỗi (trừ các khu vực bị cách ly, phong tỏa).


Theo kế hoạch, đầu tuần tới số điểm cung ứng của cửa hàng này sẽ lên 150 điểm trên toàn thành phố (trừ các khu vực bị cách ly, phong tỏa). Ảnh: Phương Lâm.

Tương tự, một số cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm The Face Shop, Guardian, nhà thuốc Pharmacity cũng đã triển khai bán mặt hàng này. Tại Pharmacity trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhân viên nhà thuốc cho biết sáng 19/7, đơn vị sẽ tổ chức bán rau, củ gồm các mặt hàng như mướp, cà tím, dưa leo, khoai tây, bắp cải trắng… đồng giá bán 30.000 đồng/kg.

Trước mắt, Pharmacity sẽ có 35 cửa hàng triển khai bán 11 sản phẩm rau, củ quả. Các điểm bán được công khai trên fanpage và website của nhà thuốc.

Theo đó, quận Bình Thạnh có 6 cửa hàng, quận 1 có 2 cửa hàng, quận Tân Bình có 6 cửa hàng, quận 6 có 3 cửa hàng… Sau đó, Pharmacity sẽ triển khai bán thêm ở nhiều nhà thuốc trên toàn TP.HCM.

Nhà cung cấp và giá bán hàng do Sở Công Thương TP.HCM quy định. Chúng tôi bán hàng không lợi nhuận để phục vụ người dân trong dịch. – Ông Trần Trọng Huy Thông, đại diện Guardian Việt Nam.

Guardian có 66 điểm bán, các sản phẩm rau được chia túi nhỏ khoảng 0,5-1 kg và bán đồng giá. Nhà cung cấp và giá bán hàng do Sở Công Thương TP.HCM quy định.

“Chúng tôi bán hàng không lợi nhuận để phục vụ người dân trong dịch”, ông Trần Trọng Huy Thông, đại diện Guardian nói với Zing.

Theo Sở Công thương TP.HCM, người dân thành phố sẽ được tiếp cận các kênh phân phối bình ổn với quy mô hơn 1.000 điểm bán bổ sung, trong đó có 1.000 điểm bán của Vinshop, 150 điểm bán của hệ thống Con Cưng, 67 điểm bán của Guardian Việt Nam, 300 điểm bán của Pharmacity, 36 điểm bán của Nhất Tín.

Đây là những đơn vị không kinh doanh trong lĩnh vực lương thực thực phẩm nhưng đã chung tay cùng TP.HCM để giúp ổn định giá thực phẩm, giảm tình trạng đội giá, giúp người dân nghèo, thu nhập thấp mua thực phẩm dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các trang thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada… đẩy mạnh bán hàng rau củ quả và các siêu thị bán rau, củ, cá lưu động ở nhiều địa điểm giúp người dân có điều kiện tiếp cận được nhiều hơn các kênh cung ứng, phân phối lương thực thực phẩm.

46 chợ truyền thống

Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 17/7 có 46 chợ đang hoạt động, 191 chợ tạm dừng hoạt động.

Hiện, 3 chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ (quận 11), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) đã được hoạt động trở lại. Ngoài ra, trong tuần tới dự kiến sẽ có 13 chợ từng bị tạm ngưng hoạt động tại nhiều quận, huyện được tổ chức mở bán thí điểm các mặt hàng tươi sống.


Chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) bán rau, củ quả đảm bảo giãn cách. Ảnh: Chí Hùng.

Các chợ mở cửa trở lại sẽ triển khai bán rau củ và hàng tươi sống. Các tiểu thương trong chợ cũng thực hiện công tác phòng dịch từ việc lập màn chắn, đeo khẩu trang và thường xuyên nhắc nhở khách hàng thực hiện việc giãn cách.

Cùng với mô hình mở lại nhiều chợ truyền thống rau và hàng tươi sống, Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại nhiều chợ truyền thống Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông…

Theo Zing News


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: