Đặc sản nào tạo thương hiệu du lịch TP.HCM?


Ngành du lịch TP.HCM vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mang tính đặc trưng, khác biệt.

Du lịch Sài Gòn đừng quên check-in khu Chinatown đầy sắc màu

4 điểm du lịch ‘mới toanh’ gần Sài Gòn khiến giới trẻ phát cuồng

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng mới đây đã nêu ý tưởng tổ chức bắn pháo hoa cuối tuần bằng nguồn vốn xã hội hóa để tạo “thương hiệu du lịch” cho TP. Ông cũng nói đây chỉ là gợi ý và cho rằng việc này nên đi cùng với phát triển nhiều sản phẩm du lịch khác.

60

Vậy làm gì để TP.HCM có thương hiệu du lịch? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với các chuyên gia, công ty du lịch xung quanh vấn đề này.

Ông TRẦN THẾ DŨNG, Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:

Nên thường xuyên biểu diễn âm nhạc đường phố

“Thời gian qua ngành du lịch TP có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn loay hoay trong việc định vị thương hiệu để thu hút khách. Chẳng hạn cách đây 20 năm, ngành du lịch TP phát động mở tour du lịch trên sông. Hưởng ứng lời kêu gọi này, chúng tôi đã đầu tư nhưng chỉ được một thời gian thì mai một vì bến bãi, môi trường chưa đảm bảo. Đơn cử tuyến du lịch đường sông Thạnh Lộc – Nhị Bình – Bình Dương không phát triển được do khoảng không thông thuyền thấp quá, thuyền qua không được.

Để xây dựng được thương hiệu du lịch cho Sài Gòn, tôi cho rằng cần phải khai thác được thế mạnh năng động, đầy sức sống, hiếu khách, phóng khoáng, tốt bụng, thân thiện… của TP. Ví dụ phố đi bộ Nguyễn Huệ nên thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố để níu chân du khách.

Ở một số nước, nghệ sĩ đường phố góp tay cùng hành động với ngành du lịch để biểu diễn thường xuyên với nhiều chương trình đặc sắc, chứ không như Việt Nam làm theo kiểu ngẫu hứng. Mới đây khi đến Canada, đi vào một khu phố cổ, tôi thấy có người nghệ sĩ đang thổi kèn rất độc đáo. Kèn là thân cây có lỗ nhỏ, kết hợp với đánh trống… tạo nên âm thanh nhịp nhàng, hấp dẫn.

Bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa ẩm thực với giải trí. Campuchia, Thái Lan, Singapore… đều gắn kết ẩm thực với giải trí rất tốt, liên kết chặt chẽ với các hãng lữ hành. Theo đó, khi các hãng lữ hành đưa khách đến những địa điểm ẩm thực thì phải giới thiệu những nét văn hóa ẩm thực, đồng thời tổ chức biểu diễn ca hát dân tộc, múa cung đình…”

62

Ông TỪ QUÝ THÀNH, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travel:

Đến rồi… không biết đi đâu!

“TP.HCM chưa có những khu phức hợp gồm ẩm thực, mua sắm, điểm giải trí, biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

Đó là chưa kể tại các điểm đến như trung tâm mua sắm, sân bay, cửa khẩu, nhà ga, cầu cảng, bến tàu xe… cũng chưa có thông tin giới thiệu, hướng dẫn bằng đa ngôn ngữ cho du khách. Thế nên khi gặp vấn đề, du khách lúng túng không biết hỏi ai.”

Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch HĐQT Công ty Lửa Việt:

Chỉ cần nụ cười

“TP.HCM đón lượng khách quốc tế đến rất đông nhưng sản phẩm cũng chỉ loay hoay với nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Trong khi cách Sài Gòn không xa là Cần Giờ có rừng ngập mặn lại chưa được khai thác tốt để phát triển du lịch sinh thái. Ngay như địa đạo Củ Chi khách đến cũng nhiều nhưng mấy chục năm nay sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn. Sao chúng ta không tái hiện làng chiến đấu, chợ kháng chiến… cho du khách sinh hoạt, ăn ngủ như ngày xưa để trải nghiệm?

Thực ra có nhiều thứ mà không cần tốn nhiều tiền chúng ta vẫn làm được. Xin dẫn chứng: Mỗi khi dùng dịch vụ xe buýt ở Nhật Bản, chúng tôi thấy tài xế đều cúi gập người chào, cảm ơn từng người một cách rất nhiệt tình khiến du khách cảm thấy mình được trân trọng. Hay khi tiễn đoàn rời khách sạn, giám đốc cùng nhân viên ra vẫy tay chào, đến khi đoàn khách đi khuất thì mới thôi.

Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ cần hải quan cửa khẩu ở sân bay, nhoẻn miệng cười chào đón khách là quá tốt. Chúng ta chưa dám đòi hỏi gì to tát, trước mắt làm được như vậy là tuyệt lắm rồi.”

Ông NGUYỄN HỮU THỌ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Có du lịch đường sông sẽ hút khách

“Tôi cho rằng trong tương lai du khách đến TP.HCM,  muốn đi du lịch đường sông để ngắm toàn bộ TP. Do đó khi nào giải quyết được du lịch đường sông thì mới giải quyết được vấn đề thương hiệu cho du lịch TP. Sản phẩm du lịch đường sông sẽ làm cho TP sang trọng hơn, hội nhập quốc tế nhanh hơn, thu hút được nhiều khách hơn.

Để phát triển du lịch đường sông thì từ hạ tầng cho tới sản phẩm, kinh doanh, nguồn nhân lực… phải được xã hội hóa nhanh chóng và phải có cơ chế minh bạch để đơn vị nào có năng lực thì làm. Bên cạnh đó ngành du lịch phải xây dựng bến du thuyền đúng theo tiêu chuẩn quốc tế.”

Không biết bao giờ mới bằng Campuchia

“Tôi vừa thăm bảo tàng “Cánh đồng chết” ở Campuchia về. Thật bất ngờ vì tại đây họ không cần hướng dẫn viên. Du khách chỉ cần làm theo sơ đồ hướng dẫn và có hệ thống tự động với sáu ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Do đó, chỉ cần nhấn nút thì nghe giới thiệu về lịch sử thông tin mà du khách muốn… Không biết bao lâu nữa Việt Nam và TP.HCM chúng ta mới theo được du lịch của họ.

Tôi cho rằng để xây dựng thương hiệu du lịch, trước mắt cần có môi trường xã hội an toàn, không có nạn chèo kéo, cướp giật, móc túi, an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo… Đáng tiếc là những vấn nạn này hiện nay vẫn chưa được giải quyết.”

Ông NGUYỄN VĂN MỸ

Tổ chức ngày Chủ nhật âm nhạc

Tôi nghĩ rằng Sài Gòn cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch để kéo du khách. Ví dụ tổ chức ngày Chủ nhật âm nhạc ở quảng trường trung tâm TP; mở con phố đi bộ đúng nghĩa được xây dựng cố định với bản sắc kiến trúc và không gian xanh; hệ thống cửa hàng, dịch vụ, thiết kế ánh sáng hợp lý… cho du khách đi bộ.

Anh TRẦN VĂN HOÀNG (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Theo PLO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: