(2SaiGon)- Họ dùng cái mác người già, người lớn, người chững chạc để bắt nạt, lừa bịp người yếu thế, người trẻ tuổi. Họ dạy con cháu mình cũng phải biết lừa bịp, rành đời để đi lậu vé xe, giảm bớt vài nghìn đồng. Thói dối trà đã, đang và sẽ làm mục ruỗng một xã hội cộng đồng to lớn…. Những chuyến xe buýt tinh mơ thường nhật ở Sài Gòn Xe Lam trên đường phố Sài Gòn xưa Câu chuyện đơn giản trên một chuyến xe buýt thường nhật như thế này: Anh kiểm tra viên đi hai vòng từ đầu đến cuối xe, nói rõ to: “Cô bác có ai chưa xé vé không? Xé vé dùm con”. Thấy mọi người vẫn chưa chú ý, anh lặp lại lần nữa, to hơn: “Có ai chưa mua vé không, nãy có ai mới lên không?” Xe đi được một lúc, thấy có điều gì đó bất ổn, anh nói bác tài đóng cửa xe lại, rồi nhắc: “Bà con chuẩn bị vé trong tay, cho con soát vé. Con đi làm vầy cực lắm, kiểm soát phát hiện con không xé vé ai con bị phạt.” Ảnh minh họa, nguồn: internet Anh đi lần lượt từng hàng ghế, xem xét từng tấm vé nhỏ với hàng số series dài phức tạp một cách cẩn thận. Đến hàng thứ ba, thấy người đàn ông trung niên ăn vận lịch sự vẫn còn ngái ngủ, anh lay nhẹ nhàng: “Bác ơi, con kiểm tra vé xe ạ.” Người đàn ông lục lọi hết mấy cái túi, đem ra một cái vé rồi nhắm mắt ngủ tiếp. Anh đọc một lượt rồi hỏi: “Tại sao bác mua vé tới Hàng Xanh mà giờ bác còn ngồi đây? Bác đi tới đâu? Giờ gần tới Bình Dương rồi.” Ông khách đáp: “Tui quên! Tui đổi bến. Có gì cho mua vé lại. Làm gì dữ vậy?” “Vậy tại sao nãy con hỏi có ai chưa mua vé sao bác không trả lời?”, anh nhân viên nén cơn giận lại, tiếp tục hỏi. Lúc này, từ bên dưới mới vọng lên tiếng một cô gái trẻ: “Tại sao chú chưa mua vé? Con thấy chú lên lâu lắm rồi mà?” “Ờ thì tao bận ngủ, bán vé đi!”, người đàn ông gằng giọng. Chưa đi hết hàng ghế tiếp theo, lại có một người phụ nữ không mua vé. Cậu lắc đầu ngán ngẫm: “Nãy giờ em đi nói mấy vòng hỏi ai chưa mua vé, sao mấy cô chú làm gì kỳ vậy? Cái vé xe bus có mấy ngàn mà!” Cả hai người khách đi lậu vé bị phát hiện chẳng tỏ chút vẻ gì xấu hổ, bất ngờ hay muốn phân bua. Hoặc ngủ, hoặc vẫy tay cười bảo “quên”… Họ đơn giản cho rằng “ờ, phát hiện thì mua vé, không phát hiện thì lời”. Chẳng ai trông có vẻ nghèo khó, cũng chẳng thể nói quên vì cậu bán vé đã rao tới lui khản cả giọng, thế mà sự việc đau lòng ấy vẫn cứ diễn ra không phải ngày một ngày hai. Ảnh minh họa, nguồn: internet Không chỉ câu chuyện về đi lậu vé xe buýt vài nghìn đồng, tôi còn nghe vài người quen kể thêm vài câu chuyện về thói dối trá đáng suy ngẫm khác: Em họ tôi kể rằng nó làm việc ở một bể bơi công cộng. Sáng nào, cũng có nhiều người tới đây bơi sớm để về kịp đi làm nên 4 giờ sáng đã mở cửa hồ. Lâu dần, họ mua vé một lần cho tháng. Nhưng có nhiều người, cứ thấy nhân viên mệt lăn ra ngủ là lại lẻn vào hồ bơi. Không chỉ bơi lậu một người dắt cả gia đình 3 đến 4 người, không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Lần nọ, nhân viên bắt được liền bắt họ trả tiền mới cho ra về. Họ lại quát tháo, chửi bới này nọ. Người già chẳng làm ra tiền họ còn chẳng lậu. Vậy mà có nhiều người trung niên lại làm vậy, và còn dạy cả con mình làm thế! Một lần khác, tôi lại nghe một cô bé làm nghề bán vé trong rạp chiếu phim kể. Theo quy định, cô sẽ mời khách hàng xếp hàng mua vé theo thứ tự. Có anh kia bế con chen vào, cô từ chối, mời anh đứng sau lên mua. Thế là từ lúc đó, anh chen hàng đứng sát quầy vé và mở miệng chửi cô bằng đủ từ thâm độc, tục tĩu. Nhiều người ùn tới xem đến mức cô phải gọi an ninh lên đưa anh ta đi. Thậm chí, một lần nọ, tôi lướt qua diễn đàn du học sinh ở nước ngoài, bắt gặp trăm thứ tin như cách đi lậu vé tàu điện, cách trốn thoát khi gặp cảnh sát giao thông,… Họ cứ cho đó là chứng tích anh hùng ở xứ người và cần phải truyền giao “bí kiếp” cho nhiều người khác áp dụng. Có vẻ rất nhiều thanh niên trẻ thành thị đang phải chiến đấu và sinh tồn với thái độ kì quặc của những thế hệ mà họ phải gọi bằng “cô, chú, bác”. Kiểu người lớn này không xấu hổ với điều xấu họ gây ra, không cảm thấy phải lùi lại khi bị thẳng thừng chất vấn về điều làm sai. Kiểu người này không thực hiện sự lừa bịp rẻ tiền trên vì nghèo, vì đói, khổ, bị bức bách về vật chất hay bị đẩy vào đường cùng. Họ bịp bợm như một thói quen, một thú vui, hãnh diện nếu mình có thể đi bơi lậu vé, vui vẻ khoe mình có thể xô đẩy các bà phụ nữ yếu ớt ra để tiến tới quầy mua vé, thản nhiên thấy mình được lợi, ngon lành, kẻ cả nếu lừa được cậu bé bán vé xe bus vài ngàn đồng. Họ dùng cái vị thế nhìn có vẻ lớn tuổi, người lớn, chững chạc để hù doạ người yếu thế, la mắng những người trẻ làm dịch vụ, hoặc đơn giản là gầm lên bắt nạt, nó sợ quá thì để yên cho mình lộng hành làm điều xấu. Kiểu cha mẹ không một lần xấu hổ vì điều mình gây ra này không quan tâm đứa con trai nhìn cha chen hàng mua vé sẽ thấy nhục ra sao khi cha chửi bới một chị gái, không quan tâm đến sự liêm sỉ dắt con chui lậu vào hồ bơi như mình, để tiết kiệm vài chục ngàn và xem nhân viên canh hồ như “lũ ngốc”. Nghiễm nhiên họ biến những người lao động trẻ thành tàn nhẫn, hung dữ để đối phó. Họ nghêng ngang giở trò, tự hào vì làm người lao động lương thiện bối rối. Họ biến những không gian công cộng thành nơi hung bạo, nơi lòng tin con người bị đánh mất.Và rồi, họ đem câu chuyện đi lậu vé, nhảy tàu, khôn lỏi, láu cá về nhà và truyền cho con cái như một bài học của sự khôn ngoan, hiểu đời. Có lẽ, họ tự hào vì đã làm được và đang dạy cho con cháu mình cũng phải biết lừa đảo, bịp bợm như vậy. Nhưng nó thật đáng buồn. *Nhan đề do 2SaiGon đặt lại Khải Đơn