Mưu sinh trong đêm ở Sài Gòn


Đêm Sài Gòn cuối năm trở lạnh, đâu đó sau góc khuất của sự hào nhoáng, hoa lệ là những mảnh đời, cuộc mưu sinh ngổn ngang với cuộc sống ngày mai không biết ra sao.

Mưu sinh giữa “đất hứa” Sài Gòn

Bốn đời mưu sinh giữa dòng kênh đen ở Sài Gòn

23 giờ khuya những ngày cuối tháng 12, chúng tôi lang thang hòa mình vào những mảnh đời “lấy đêm làm ngày”, để thấu cái nỗi nhọc nhằn mưu sinh của họ.

Năng nhặt chặt bị

Từ Vĩnh Phúc xa xôi, bà Đặng Thị Hoa (59 tuổi) cùng chồng trôi dạt vào trong nam gần 5 năm nay. Chồng phụ hồ, vợ nhặt ve chai, mua phế liệu.

Bà Hoa gồng mình với chiếc xe ve chai trong đêm khuya. ẢNH: TRUNG DUNG.

Bà Hoa gồng mình với chiếc xe ve chai trong đêm khuya. ẢNH: TRUNG DUNG.

“Còn sức thì tự kiếm sống, bán dù lời ít nhưng không bao giờ tôi đi xin ăn. Một phong kẹo chewing gum chỉ lời 3.000 đồng, nhưng biết dành dụm sẽ đủ sống và sống không làm phiền ai”, ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ.

Dáng lưng còng, đầu lụp thụp trong chiếc nón lá, gặp chúng tôi trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.3), bà kéo chiếc khẩu trang thâm kim và nói: “Tôi đi từ 3 giờ chiều nhưng tối nay lượm ve chai chỉ bằng một nửa so với mọi hôm. Sài Gòn mưa lạnh thế này, ve chai cũng ít, đạp xe mỏi cả chân nhưng nhiêu đây chắc được vài chục nghìn”.

“Đồ nghề” của bà chỉ có chiếc xe đạp cà tàng, vài chiếc bao đựng phế liệu. Thường người có tuổi sẽ chọn nơi quê nhà yên ắng để sống, nhưng bà Hoa cứ bám đất Sài thành để kiếm tiền, chắt chiu dành dụm lo cho tuổi già. Hỏi mới biết, vợ chồng vào đây cũng vì để cứu lấy đứa con út, vì “mê” hàng đa cấp nên đang học năm 2 đại học lại bỏ ngang. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi ngoài quê không thể nào làm con trai tỉnh táo, vợ chồng bà phải khăn gói vào Sài Gòn. Nhưng mọi chuyện đã muộn, con bỏ học, rồi lại về quê sống…

Bà thở dài: “Nuôi con ăn học, mong có chỗ dựa lúc về già. Bây giờ con lại dang dở học hành, thất nghiệp, nghĩ đến là tôi muốn khóc. Về quê có mấy mẫu ruộng, lấy gì sống, ở đây cứ siêng năng chăm chỉ làm, “góp gió thành bão” dành dụm khi về già, không phiền con cái”. Mỗi đêm bà kiếm được 50.000 – 70.000 đồng, ki cóp gom góp sức vợ sức chồng. Vất vả là vậy nhưng người phụ nữ này vẫn cố guồng chân trên chiếc xe đạp cà tàng, nuôi ước mơ về một cuộc sống no đủ.

Bà Tính phải băng lại những ngón chân rướm máu sau một ngày đi bộ bán vé số

Bà Tính phải băng lại những ngón chân rướm máu sau một ngày đi bộ bán vé số

Hơn 1 giờ sáng, Sài Gòn se lạnh và vắng tanh, dọc con đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) còn nhiều mảnh đời co ro, thu mình trong những mái che ngoài đường phố, có người lại nằm vắt vẻo trên chiếc ghế ở trạm xe buýt để tìm giấc ngủ, sau một đêm mỏi gối mưu sinh.

Bán vé số dạo là nghề của những người nghèo khổ, chân chất để nuôi ước mơ cho con ăn học, dành dụm tuổi già. Gần 2 giờ sáng, phơi sương dưới những ánh điện tại ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình), chúng tôi bắt gặp những phận đời lam lũ, đến tuổi xế chiều vẫn còn mưu sinh trong tiết trời se lạnh. Họ đến từ vùng “trời yên đất phú” – Phú Yên, một nhóm khoảng 10 người ngồi nghỉ và rôm rả chuyện trò, ai bán đắt, ai bán ế, ai được người ta cho gì… Họ nói đặc tiếng quê, tất cả như câu chuyện làm quà, an ủi những người chung phận mưu sinh.

Lấy trong giỏ xách vài viên thuốc tây, bà Lam (60 tuổi, Phú Yên) nói: “Bữa giờ chân tê hết phải uống thuốc, đi không được nhưng tôi ráng. Một ngày nằm ở nhà là mất trắng mấy chục nghìn. Tôi đi bán đặng có chút đỉnh dưỡng già. Giờ mà về quê làm gì ra ngày mấy chục”. Chị Thoa (40 tuổi) đang ăn dở ổ bánh mì trên tay xen ngang: “Đừng ăn xin trộm cắp, còn làm gì cũng được, bán vé số mà chăm chỉ thì trời không phụ lòng người”.

Hay câu chuyện về ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, Q.Thủ Đức) phải lê từng bước chân với rổ kẹo chewing gum, vài bao thuốc lá trong đêm để kiếm sống. Trời đã gần sáng rồi, trên đường Nguyễn Du (Q.1), ông Hùng mới loay hoay tìm chốn ngủ. Ông lớn lên ở cô nhi viện, rồi nương náu ở cửa chùa. Bệnh tiểu đường cứ đeo bám, đi lại khó khăn, nhưng suy nghĩ về cuộc sống không dựa dẫm nên không đêm nào ông không cố gắng.

“Còn sức thì tự kiếm sống, bán dù lời ít nhưng không bao giờ tôi đi xin ăn. Một phong kẹo chewing gum chỉ lời 3.000 đồng, nhưng biết dành dụm sẽ đủ sống và sống không làm phiền ai”, ông chậm rãi nói.

Ngày mai…

Người đàn ông ngồi co ro vì lạnh trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình)

Người đàn ông ngồi co ro vì lạnh trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình)

Thức cùng đêm Sài Gòn mới thấy có nhiều phận đời. Mỗi người có một câu chuyện, một hoàn cảnh, và sau gánh nặng oằn trĩu về miếng cơm, manh áo là những nỗi niềm mông lung khi nghĩ về ngày mai.

Ngồi trò chuyện khá lâu với “đội” bán vé số tại ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình), chỉ cần gợi khẽ, họ không ngần ngại và bắt đầu tuôn những câu chuyện, những suy nghĩ đời mình, khiến người nghe cay khóe mắt.

Bà Nguyễn Thị Sáu (70 tuổi, H.Đồng Xuân, Phú Yên) “chân nghiêng chân xẹo” vào Sài Gòn bán vé số. Cái tuổi gần đất xa trời này lại chọn cho mình một vùng đất xa xôi, quay quắt trong những tính toán mưu sinh. Ươn ướt đôi mắt trũng sâu, bà nói: “Hơn 5 năm rồi, tôi chưa gặp lại con gái. Có chồng về Thái Nguyên cực quá nên lâu rồi nó không về nhà. Mình nghèo không giúp được gì cho con, thôi thì mình lo kiếm sống phần mình, ngày mai là chuyện rất xa, nào dám nghĩ đến”.

Người đàn bà góa phụ này gả chồng cho đứa con gái duy nhất, lúc con bà đang làm công nhân tại Bình Dương. Không điện thoại liên lạc, nhớ con, bà chỉ biết lấy tấm ảnh cưới cô con gái được đặt trong bao gối ra ngắm nhìn hằng đêm. Đã già nua, mỏi mệt, rong ruổi để kiếm từng đồng tiền lời nhiều lúc bà cũng muốn ngã quỵ, chùn đôi chân. Những ngày cuối năm càng làm cho nỗi nhớ con dâng lên, nhưng bà vẫn tiếp tục làm việc, ngày ngày lặng lẽ vì ước mơ mẹ con đoàn viên trong dịp tết này.

Bà Nguyễn Thị Tính (51 tuổi, H.Tuy An, Phú Yên) vẫn còn nghẹn lòng khi nghĩ về câu chuyện chồng bị tai nạn giao thông năm 2009, phải sống đời thực vật. Ba đứa con phải dang dở việc học khi chưa hết cấp 2. Đất vườn bán hết, gánh nặng tiền bạc đè trên đôi vai nên bà phải ra đi kiếm sống. Theo nhóm bán vé số chưa được 2 tháng, trái tim của một người vợ, người mẹ còn đau đáu hơn khi để chồng ở quê đang đối chọi với lũ lụt. Những ngón chân sưng tấy lên vì đi bộ chưa quen, nhưng bà vẫn cố gắng, dù không biết ngày mai thế nào. “Hết cách nên phải đi làm ăn xa, tôi chẳng dám nhìn lại những tháng ngày đã qua, mà nghĩ về những ngày tiếp đến cũng không biết ra sao, sống thì cứ sống vậy thôi”, bà thở ra.

Ông Nguyễn Hữu Dũng (49 tuổi, Phú Yên) thì chia sẻ: “Tôi đi bán vé số từ thời vé số 2.000 đồng/vé, nay vé số 10.000 đồng/vé. Lời thì ít nhưng còn sống thì còn bán, ngày mưa cũng như ngày nắng, chăm chỉ đi bán thì cũng có dư. Con ăn học là cũng nhờ vào đó”.

Trước một quán nhậu trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), với đôi tay trần đầy sẹo nhưng vẫn cặm cụi lục tìm những chai nhựa, phế liệu… trong thùng rác, chị Lan (37 tuổi, quê Hà Tây) cùng chồng để các con cho nội ngoại, vào nam lập nghiệp. Vừa nghèo vừa không biết chữ, vợ chồng chọn cho mình nghề lượm ve chai bởi không cần vốn, không cần trình độ. Chiếc xe đạp cà tàng, đôi dép nhựa mòn vẹt, chiếc áo mỏng sờn vai là “hành trang” hằng đêm chị sống.

“Không ai muốn cảnh sống xa nhà, xa con cái. Những đêm con sốt, con ốm, trong này vợ chồng chỉ biết khóc rồi cầu nguyện. Nhưng lo là lo cho ngày mai, con lớn, mình già đi thì lấy gì sống…”, giọng chị trầm đi. Nhịp sống Sài Gòn về đêm vẫn chảy, cùng nhịp bước chân nhọc nhằn của những phận đời như chị, có thể mồ hôi giờ đây đã nhanh ráo hơn do gió lạnh tràn về nhưng với chị, nghĩ về ngày mai… chỉ biết làm hết sức mình.

Trời lác đác mưa. Phố co mình trong những khoảng riêng. Câu chuyện của những phận đời gian truân cứ thế được bộc bạch, tâm tình như tiếng thở dài. Cuộc đời họ là những chuỗi truân chuyên, nhọc nhằn… chỉ biết oằn mình làm, rồi nghĩ về các con nơi quê nghèo tít tắp mà gắng gượng…

Theo TNO


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: