Sài Gòn và những con phố “xưa, cũ” độc đáo


Tuy không có 36 phố phường như Hà Nội nhưng Sài Gòn lại có những con phố “xưa, cũ” vô cùng độc đáo mà không phải nơi nào cũng có.

Chỉ có ở Sài Gòn: Lạ đời con phố bán cơm trắng trong túi nilon, chỉ mong ‘lời ít thôi’

Những con phố vịt quay nức tiếng ở… Sài Gòn

Cùng len lỏi qua các góc phố Sài Gòn để tận hưởng những điều thú vị và vô cùng độc đáo, được nhiều người Sài Gòn coi và gọi như một con phố.

Phố đồ cổ

Phố đồ cổ Lê Công Kiều. Ảnh: Mỹ Linh

Phố đồ cổ Lê Công Kiều. Ảnh: Mỹ Linh

Đường Lê Công Kiều (quận 1, TP.HCM) được nhiều người hay gọi với cái tên phố đồ cổ bởi con đường tuy chỉ dài vỏn vẹn 200 m bày bán rất nhiều đồ cổ, từ tờ tiền giấy Đông Dương, tiền xu thời Lý, Trần, những chiếc bình gốm Chu Đậu nổi danh một thời hay những chiếc bình dưới thời nhà Nguyễn, nhà Thanh,…

Phố cổ Lê Công Kiều không ai biết là hình thành từ bao giờ nhưng đã trở thành một nơi quen thuộc của những ai đam mê và thích sưu tầm đồ cổ.

Phố sách cũ

Phố sách cũ Trần Nhân Tôn. Ảnh: Mộc Nhiên

Phố sách cũ Trần Nhân Tôn. Ảnh: Mộc Nhiên

Sở dĩ, có cái tên phố sách cũ Trần Nhân Tôn là vì con đường này chỉ toàn mua, bán những quyển sách, báo, các tác phẩm văn học nổi tiếng hay những quyển truyện tranh xuất bản đời đầu…

Được biết, ban đầu nơi đây chỉ là những xe đẩy bán báo, tạp chí, trao đổi sách qua lại rồi dần dần trở thành những tiệm sách chuyên mua bán những quyển sách cũ hay sách hiếm nổi tiếng nhất Sài Gòn. Giá cả ở đây “mềm” hơn so với nhiều nhà sách khác nhưng cũng tùy độ lâu đời và quý của sách nên những người tìm đến phố sách cũ Trần Nhân Tôn đa phần là người yêu sách hay những sinh viên.

Phố Si-đa

Phố Si-đa. Ảnh: Internet

Phố Si-đa. Ảnh: Internet

Khi nhắc đến phố Si-đa, nhiều người đều biết đến những địa điểm như chợ Nghĩa Hòa (quận 6), chợ Hoàng Hoa Thám hay chợ Trần Hữu Trang bởi nơi đây chuyên bán những món đồ đã cũ từ quần áo, túi xách, gấu bông… Ngoài cái tên phố đồ Si-đa, nó còn được gọi là “chợ đồ cũ” bởi tất cả những món đồ đều là đồ Si-đa đã qua sử dụng được bán lại với giá cực “mềm”, dần dần đây cũng chính là một nét văn hóa quen thuộc của người dân Sài Gòn.

Phố “ve chai”

Phố ve chai. Ảnh: Mộc Nhiên

Phố ve chai. Ảnh: Mộc Nhiên

Nằm trong khuôn viên của quán cà phê Cao Minh, đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP.HCM), phố ve chai được nhiều người biết đến bởi nơi đây là nơi tụ họp của những tín đồ cổ. Cứ vào mỗi sáng Chủ nhật phiên chợ “ve chai” lại tấp nập người ra vào. Vì chỉ hoạt động đúng vào buổi sáng Chủ nhật thế nên rất đông người tìm đến để chiêm ngưỡng những món đồ cổ vô cùng độc đáo, không những thế ngoài được ngắm nhìn những món đồ cổ những du khách khi đến đây còn được thưởng thức một tách cà phê hòa theo một bản nhạc Trịnh du dương.

Phố “ve chai” mặc dù chỉ mới mở được hơn một năm nhưng được nhiều người quan tâm và thích thú tìm đến. Tại phố “ve chai” có rất nhiều hàng hóa đa dạng và không theo một quy tắc nào nên khách có thể kiểm tra thật kỹ món đồ rồi chào giá với người bán.

Phố Đông y

Phố Đông y. Ảnh: Internet

Phố Đông y. Ảnh: Internet

Là nơi tập hợp nhiều người Hoa sinh sống và kinh doanh chủ yếu là thuốc Bắc, thuốc Nam. Chính vì thế, mỗi khi nhắc đến phố Đông y ai ai cũng đều biết đến con phố ấy nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM). Chỉ cần đến đầu đường của phố Đông y là đã nghe mùi thuốc Bắc và thuốc Nam, cái mùi đã trở thành đặc trưng của con phố.

Phố đàn Nguyễn Thiện Thuật

Phố đàn Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Mộc Nhiên

Phố đàn Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Mộc Nhiên

Đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) được nhiều người, đặc biệt là những tín đồ của âm nhạc biết đến là nơi chuyên bán các loại đàn khác nhau. Hai bên đường đều là những cửa hàng lớn nhỏ buôn bán các loại đàn, hay thậm chí là làm đàn theo yêu cầu của từng khách.

Đa số những cửa hàng đều là nghề của gia đình để lại và chuyên bán những loại đàn như guitar, đàn tranh, đàn bầu, đàn violon,…có cả sáo, tiêu, harmonica,… với đủ kích cỡ tùy theo sở thích của từng người.

Theo NTD


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: