Những tấm lòng thơm thảo trên đất Sài Gòn


Được xem là mảnh đất lành, Sài Gòn xưa và TPHCM ngày nay là đích đến của hàng triệu người tha phương lập nghiệp. Tiếp xúc với lối sống hào sảng, thương người, cởi mở của người bản địa, nhiều người nhập cư dần hòa nhập và có những hành động thiện nguyện, sẻ chia với cộng đồng. Tùy theo hoàn cảnh của mình, họ đang ngày ngày đóng góp cho quê hương thứ hai của mình những điều tốt đẹp. Từ đó, trong con mắt của mọi người, Sài Gòn trở nên đáng sống hơn.

Chỉ mấy câu chuyện vụn vặt thôi đã thấy người Sài Gòn dễ thương quá chừng!

Chuyện người Sài Gòn “quỡn”

Hàng tuần, Diệu Hiền vẫn đi từng con đường để phát cơm cho những người vô gia cư, những người chăm bệnh. Ảnh: Trường Sơn

Hàng tuần, Diệu Hiền vẫn đi từng con đường để phát cơm cho những người vô gia cư, những người chăm bệnh. Ảnh: Trường Sơn

Mang từng hộp cơm đến từng gia đình bệnh nhân nghèo

Suốt mấy năm nay, chị Diệu Hiền vẫn âm thầm nấu từng suất ăn để mang đến cho những người vô gia cư, những người nuôi bệnh nghèo. Chị Hiền cho rằng, thấy bản thân mình may mắn hơn nhiều người nên muốn góp chút sức lực để hỗ trợ những thứ cần thiết nhất để những người kém may mắn hơn mình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống – nhất là những người vô gia cư, những người nuôi bệnh.

Chị chia sẻ, vốn là người miền Trung, chị vào Sài Gòn lập nghiệp rồi bén duyên với một người con của mảnh đất này. Anh làm nghề truyền thông, chị làm nhân viên ngân hàng nhưng có điểm chung là rất “mê” làm những công việc thiện nguyện. Để có những hộp cơm nóng hổi mang đến cho những người khó khăn hàng đêm cuối tuần, chị bàn với chồng mở quán cơm chay ở quận Bình Thạnh. Những người có điều kiện thì chị bán với giá phải chăng, còn lại thì mang đi chia cho bà con cô bác vô gia cư ở Bình Thạnh, Phú Nhuận, nhất là người nuôi bệnh tại các bệnh viện. “Gia đình có người bệnh rất khó khăn. Có nhiều người không dám ra quán cơm để ăn vì muốn dành tiền chữa trị cho người thân. Nghĩ thế nên hầu như tuần nào mình cũng nấu vài trăm suất cơm để họ thêm ấm lòng, có thêm sức khỏe, nghị lực để chăm sóc cho thân nhân của mình” – chị Hiền chia sẻ với nụ cười chất phác.

Ngoài việc nấu cơm cho người nghèo, chị Hiền còn đứng ra quyên góp xây các ngôi trường, mái ấm, nơi thờ tự tại các địa phương. Có ngôi trường ở vùng núi của Quảng Nam, chi phí xây dựng lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng chị vẫn lặn lội đến tận nơi để khảo sát. Kỷ niệm trong những chuyến đi đó rất nhiều nhưng điều đọng lại trong chị nhất là những nụ cười của những đứa trẻ. “Thấy bọn trẻ vui với tấm áo mới, cô giáo vui với mái trường còn thơm mùi vôi mới, mình như quên đi mọi mệt nhọc và mong ước cùng cộng đồng làm thêm nhiều hơn nữa những công việc thiện nguyện, tốt đẹp này” – chị Hiền chia sẻ.

Như một qui luật trong cuộc sống, khi những điều tốt đẹp được lan tỏa thì nhiều người cũng sẽ học theo, góp thêm chút tình người ấm áp và Quyên cũng nằm trong số đó. Biết chị Hiền chưa được bao lâu nhưng tình cảm của hai chị em rất thắm thiết và chân thành. Quyên quê ở một tỉnh Tây Nguyên, xuống Sài Gòn sinh sống với người thân và mở quán càphê ở quận 5. Qua mạng xã hội, Quyên biết đến chị Hiền như một người làm việc thiện. Từ những đêm đi phát cơm chung với chị Hiền, Quyên như thấm thêm suy nghĩ sẻ chia với người nghèo và mong muốn được góp chút sức lực với “bà chị kết nghĩa” của mình. Những chuyến đi làm từ thiện, những đêm đi vào các hang cùng ngỏ hẻm ở Sài Gòn để phát cơm, Quyên lại cùng “lên rừng xuống biển” với chị Hiền để mang chút vật chất, chút tình người đến những người mà Quyên cho rằng họ kém may mắn hơn mình.

Hàng chục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vui Tết Thiếu nhi trong lớp học của ông Hùng ở Bình Tân. Ảnh: Trường Sơn

Hàng chục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vui Tết Thiếu nhi trong lớp học của ông Hùng ở Bình Tân. Ảnh: Trường Sơn

“Ông giáo” của bọn trẻ xa quê

Khẳng định mình đã cao tuổi rồi nhưng nếu còn sức thì vẫn sẽ giúp đời, ông Minh Hùng ngụ quận Bình Tân vẫn ngày ngày lên lớp dạy chữ cho bọn trẻ xa quê. Sau hơn 5 năm trời làm “thầy giáo bất đắc dĩ” và hai lần “chuyển trường”, lớp học mà ông gọi là “bổ túc kiến thức” cho bọn trẻ giờ có xỉ số lên đến hàng chục. Đêm đến, bọn trẻ sau một ngày mưu sinh lại được cha mẹ chở đến lớp để ông Hùng dạy chữ, học làm người.

Nói về lớp học do mình đang đứng lớp hàng đêm, ông Hùng nói đó là cả một tâm huyết và ước nguyện của mình. Ông quan niệm, sống trên đời, thấy người ta khó khăn mà không giúp thì chính mình đã quay lưng với cuộc sống. Từ suy nghĩ đơn giản đó, kể từ ngày rời quê ở Bà Rịa – Vũng Tàu lên Sài Gòn lập nghiệp, ông dồn mọi tâm sức vào lớp học này. Tiếng lành đồn xa, “lớp học ông Hùng” trở thành điểm đến thường xuyên của các tổ chức thiện nguyện và các bạn trẻ. Ông Hùng cho biết, nhiều bạn sinh viên tại nhiều trường đại học đã chọn nơi đây để luyện tập kỹ năng công tác xã hội. Đặc biệt, nhiều em còn coi đây như nơi thân quen, cứ rỗi là đến để cùng ông dạy chữ cho bọn trẻ.

Chia sẻ về công việc mà mình đang làm, ban đầu nhiều người nói ông làm việc bao đồng. Tuy nhiên, ông bỏ ngoài tai tất cả. “Có dạo mới mở lớp, ngay cả cái ghế nhựa cũng không có cho bọn trẻ ngồi học nữa. Chưa kể, khi cái bụng đói thì không ai mà nghe mình giảng cả nên tôi bàn với vợ mở quán cơm vừa bán kiếm thu nhập trả tiền thuê nhà, vừa có cái cho bọn trẻ bỏ bụng hàng đêm. Ông bà nói đúng, có thực mới vực được đạo nên lớp học ngày càng đông dần lên, giờ có lúc lên đến hơn 60 đứa rồi” – người đàn ông tuổi lục tuần chia sẻ.

Sài Gòn là vậy. Bên cạnh những người tốt việc tốt như trên thì vẫn còn những con người sẵn sàng mở lòng, sẻ chia với xã hội. Khi những điều tốt đẹp được cộng đồng biết đến thì hầu như ai cũng bỏ qua những toan tính, cùng chung tay hướng đến những điều tốt đẹp. Thời gian qua, cùng với chủ trương xây dựng thành phố văn minh hiện đại thì tiêu chí thành phố nghĩa tình cũng đang được người dân và chính quyền đẩy mạnh. Những việc làm của những nhân vật trên xét về góc độ việc làm thì nhỏ nhưng xét trên bình diện chung thì đó là những nhân tố tốt, rất cần được nhân rộng. Có vậy thì Sài Gòn mới thực sự trở thành nơi “đất lành chim đậu”.

Theo Lao Động

 


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: