Shark Đặng Hồng Anh: Nhiều tiền làm gì nếu bên cạnh không có gia đình


Tuổi 38, doanh nhân Đặng Hồng Anh nói anh đã 2 lần đứng bên lằn ranh sinh tử của sự nghiệp. Bí quyết đi qua biến cố là tình yêu gia đình, điều mà anh nói không có gì đánh đổi được.

CEO Sài Gòn Food Nguyễn Quang Tường: Đến vì công việc, ở vì tình yêu

Người Bạn Vàng: Startup liên kết PNJ chinh phục hành trình dẫn đầu thị trường cầm trang sức Việt Nam

Phòng làm việc của Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công gây ấn tượng với những khung hình gia đình 3 thế hệ, những hình ảnh anh và 2 con trai ở các giải golf trong nước và quốc tế, cùng vô số huy chương, cúp mà anh “thu hoạch” trong các giải thể thao. “Hậu duệ” của gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc nói mình là dân thể thao, đi kinh doanh với tinh thần của một vận động viên nhưng ứng xử thì lại nặng tình cảm từ văn hóa gia đình.

Trong câu chuyện cùng phóng viên, doanh nhân Đặng Hồng Anh dành tình cảm đặc biệt khi nói về gia đình, về thần tượng của anh chính là ba mẹ, những người xây nên đế chế Thành Thành Công. “Gia đình tôi buổi sáng, buổi trưa mọi người luôn ăn cùng nhau. Ở thành phố này, người lao động sáng đi làm trưa về nhà ăn cơm có lẽ không nhiều đâu, nhà tôi thì đều đặn vậy. Bạn bè, đối tác thân thiết sẽ không ai rủ tôi ăn cơm trưa, vì biết tôi phải ăn cơm nhà. Không biết người khác thấy việc về nhà ăn cơm trưa có phiền không, chứ tôi thật sự rất hạnh phúc, biết ơn ba mẹ đã hy sinh mọi thứ để xây dựng, gìn giữ những bữa cơm nhà đông đủ tiếng cười của con cháu như thế này”, Đặng Hồng Anh chia sẻ.

* Dễ thấy những hình ảnh về các con anh tại nhiều giải thể thao trong và ngoài nước rất được anh chăm chút, treo trang trọng ở phòng làm việc. Đây là niềm yêu thích hay là định hướng của anh đối với con mình?

– Tôi nghĩ các con phải đam mê rồi thì tôi mới định hướng được và định hướng một cách đúng đắn. Con tôi có năng khiếu golf nên cũng như nhiều người, tôi hướng cho các cháu tập luyện và có những thành tích tốt nhất thôi. Tới lúc nào đam mê đủ lớn, cháu sẽ trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Còn đam mê không đủ để theo đuổi thì có thể kế nghiệp ba mẹ, đó là sự lựa chọn của con và tôi chấp nhận mọi quyết định của chúng.

* Có phải giấc mơ thành vận động viên chuyên nghiệp anh chưa thực hiện được nên mong muốn con mình sẽ đi tiếp con đường đó?

– Hoàn toàn không. Chơi thể thao là văn hóa của gia đình tôi. Tôi lớn lên khi gia đình đã có điều kiện nhưng ba mẹ bận rộn việc kinh doanh, lo tôi dễ bị cám dỗ bởi những thú vui không lành mạnh. Vì vậy ba đưa tôi đi chơi quần vợt từ lúc tôi 10 tuổi. Ba lý giải đam mê thể thao sẽ hạn chế những cám dỗ khác ngoài xã hội. Tôi đã trải qua, thấy điều này rất hợp lý, nên với con mình tôi cũng áp dụng phương thức này, để các cháu được rèn luyện thể chất một cách tốt nhất. Nhờ đó, con tôi không có đam mê với điện thoại, máy tính như nhiều trẻ khác bây giờ. Các cháu được rèn luyện tốt và đã có những thành tích ban đầu.

* Dường như anh đang lấy cuộc đời vận động viên để rèn luyện kỹ năng sống cho con và cả cho mình?

– Chúng tôi có điều kiện để đầu tư cho con, giúp ích cho chúng sau này. Tuy nhiên, quan điểm thống nhất của cả gia đình là giữ cho con khỏi cám dỗ trước khi trở thành một người giỏi chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Và, thể thao là lựa chọn phù hợp. Rõ ràng, nghiệm lại tôi thấy khi tham gia thể thao một cách chuyên nghiệp, mình sẽ hoàn thiện được tư duy vận hành cuộc sống. Vào một trận đấu phải nhìn đối thủ của mình ra sao, đeo bám chiến thuật thế nào, và quan trọng nhất là bỏ cuộc coi như thất bại. Tôi đã làm kinh doanh bằng tinh thần của một vận động viên như thế, đầu tiên mình không được bỏ cuộc. Khi tìm đủ mọi cách không giải quyết được mới chấp nhận thua một trận, rút ra bài học và làm lại, chứ không phải khó là bỏ qua.

* Là con trai cả trong gia đình kinh doanh, bản thân khẳng định tài năng ở nhiều lĩnh vực, nhưng trước cái bóng lớn của ba mẹ nổi tiếng, em gái cũng rất thành công, anh có thấy mình bị áp lực không?

– Ba mẹ là thần tượng của anh em tôi trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh cho đến lối sống, đạo làm người. Dưới cái bóng lớn của ba mẹ, tôi áp lực lắm chứ. Bởi khi tôi đạt được một thành quả nào đó, nhiều người sẽ nói rằng nhờ ba mẹ mà tôi mới được như vậy.

Bạn thử hình dung, khi mình xuất phát từ 0 đồng, mình kiếm ra 1 tỷ đồng đã rất khó; nhưng có sẵn 1 tỷ đồng mà giữ được số tiền đó rồi phát triển cho nó thành 3 tỷ, tôi khó gấp nhiều lần chứ. Tôi không được quyền làm cho số tiền người ta trao cho mình bị giảm đi. Giữ tiền không phải là chuyện dễ. Nhưng quan điểm của tôi là cố gắng làm tốt hết mức công việc và trách nhiệm của mình. Và tôi đang chứng minh hàng ngày bằng những kết quả kinh doanh, đó cũng là yếu tố giải tỏa sức ép áp lực, tâm lý.

* Đến giờ, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao ngày xưa Đặng Hồng Anh lại chọn khởi nghiệp bằng nồi bánh canh cá, bán cây cảnh, mà không là những dự án “sang chảnh” hơn?

– Xuất phát điểm của gia đình tôi là hộ kinh doanh cá thể phát triển lên, tôi sống và hít thở bầu không khí kinh doanh từ nhỏ nên mọi quyết định khởi nghiệp đến rất tự nhiên. Tôi bán bánh canh thực tế xuất phát từ “khích bác” của ba tôi. Quyết định làm vì tôi hiểu ý của ba, ông muốn tôi nhận thức được kiếm tiền phải khó khăn thế nào, dù là việc nhỏ nhất. Thời đó, giá tô bánh canh khoảng 6.000 đồng. Nhưng để có được 6.000 đồng này, tôi phải tính xem bột thế nào, cá bao nhiêu, bưng bê nấu nướng, tôi xây dựng kế hoạch về tài chính cho dự án ra sao…

Công việc này không mấy thành công về tài chính, vì quy mô rất nhỏ, nhưng thành công lớn là bài học tôi nhận được, và con đường tổ chức kinh doanh định hình từ đó. Còn tại sao lại bán bánh canh thì tôi lý giải kiểu cuộc đời có những cái duyên riêng. Trong bữa ăn sáng của gia đình, cô bếp đổi món, nấu món bánh canh cá lóc rất lạ, cả nhà ăn ngon quá nên ba tôi nói sẽ mở một tiệm bán món này cho tôi, để xem có làm nổi không. Ba tôi là người rất nhạy trong kinh doanh nên ông đưa ra ý tưởng ngay mọi lúc mọi nơi. Tôi lại là người rất thích những thách thức, nên nhận lời luôn. Bán bánh canh một thời gian, máu kinh doanh “ngấm nặng”, tôi chuyển sang bán cây kiểng, sắt thép… cứ mỗi ngày quy mô một lớn hơn, rồi tiến tới là Sacomreal.

* Có nghĩa là anh kiếm ra tiền đầu tiên từ nồi bánh canh cá, ở tuổi sinh viên?

– Không. Tôi cầm những đồng tiền đúng nghĩa “kinh doanh” khi còn rất nhỏ. Phải nói là máu kinh doanh chảy trong người tôi nên chưa đến 10 tuổi tôi đã nghĩ ra chuyện kiếm tiền. Hồi đó chưa cấm đốt pháo, vào dịp gần Tết, tôi hay lấy tiền mình để dành, rồi xin thêm của ba, đi mua mấy khoanh pháo nhỏ về tháo ra bán lẻ lại cho các bạn cùng xóm, để… kiếm lời.

* Hỏi thật, anh có thấy khó chịu khi phải đi cùng cái bóng quá lớn của cha mẹ không, kiểu người ta không gọi doanh nhân Đặng Hồng Anh, mà gọi bằng con trai ông Đặng Văn Thành?

– Tôi chưa bao giờ đặt phép so sánh với ba, với mẹ. Mà so sánh để làm gì khi tôi luôn thấy mình may mắn. Mục tiêu của tôi là hoạt động kinh doanh hiệu quả, đạt được những giá trị gì cho tập đoàn chứ không phải nhắm tới vị thế của bản thân. Tôi được đặt vào vị trí này khi tập đoàn đã có một nền tảng rất lớn, và để bảo toàn được nó là điều khó khăn, nên tôi chỉ mong phát triển tốt nhất các giá trị của doanh nghiệp thôi.

Sự so sánh đôi khi là hiển nhiên, do xuất thân của gia đình. Từ ngày tôi bước vào con đường kinh doanh đến nay không thể nào tránh khỏi lời ra tiếng vào. Để ý hay không thì nó cũng diễn ra trước mắt mình. Những người hiểu tôi ở cả quá trình lao động thì họ sẽ nhìn nhận một khía cạnh khác. Còn với ba mẹ, tôi chỉ muốn trả hiếu, trả ơn bằng cách làm việc tốt, quan hệ xã hội tốt, được nhiều người quý trọng, để ba mẹ thấy tự hào và vui vẻ là tôi hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi chỉ nhìn đến thành quả công việc và cuộc sống hạnh phúc.

* Ba anh có lẽ là người ảnh hưởng nhiều nhất trên con đường kinh doanh của anh?

– Chính xác là như vậy, ba cũng là thần tượng của tôi. Từ khi 14-15 tuổi, đang còn mê chơi thể thao nhưng các mùa đại hội cổ đông của Sacombank là ba bắt tôi phải về dự. Tôi thú thật lúc đó không biết gì, nhưng vẫn ngồi xem cách ba tôi điều hành đại hội, cách ba giải quyết những mâu thuẫn, xung đột hay cách đặt mục tiêu. Việc này đã tác động rất nhiều đến tôi sau này. Tất nhiên, cậu bé học cấp 2 ngồi xem cách điều hành đại hội cổ đông thì tôi cũng là người đặc biệt. Một phần nữa là tôi thần tượng ba, nghe lời mẹ nên chịu khó học tập cách kinh doanh.

Tôi cũng thích ngồi nghe ba tôi nói về chuyện thương trường, cách đối nhân xử thế. Rất nhiều bài học thực tế từng chút một ba tôi hướng dẫn, đưa tôi tiếp cận và trải nghiệm. Bây giờ, ngoài ba mẹ, tôi vẫn đi tìm kiếm những người giỏi trong từng lĩnh vực mình kinh doanh, để học tập. Tôi luôn muốn thể hiện với các bậc cha chú thấy tôi là đại diện của thế hệ 8X đầy nhiệt huyết, muốn thay đổi, muốn đóng góp cho phát triển, và sự nhiệt tình của tôi luôn được ghi nhận. Khi mình nhiệt thành, có hoài bão, khát vọng thì sẽ được hỗ trợ thôi. Tôi rất vui khi nhận chia sẻ: Hồng Anh nó cầu thị, sẽ làm được, mình nên giúp nó (cười).

* Xuất hiện trong buổi ra mắt Thương vụ bạc tỷ mùa 2 với vai trò một “cá mập”, anh có nói là mình đã đi qua những mất mát, thất bại, cay đắng rồi mới dám ngồi lại và chia sẻ với các startup? Đó có phải là những chuyện không vui về Sacombank trước đây?

– Nhìn lại trong quá trình kinh doanh của mình, tôi có hai lần đứng trước ranh giới sinh tử, đó là khi Sacomreal bị tác động mạnh bởi khủng hoảng bất động sản năm 2008 và biến cố Sacombank của gia đình. Tôi nghĩ câu chuyện thăng trầm của cuộc đời doanh nhân là không tránh được. Doanh nghiệp lớn đến mấy, đủ điều kiện thế nào thì cũng có những khúc cua, quan trọng mình đối diện và vượt qua nó như thế nào.

May mắn là cha tôi đã xây dựng được văn hóa gia đình rất tốt. Ông hy sinh toàn bộ những thú vui cá nhân để duy trì được sự yên ổn và thuận hòa trong gia đình. Gia đình tôi tứ đại đồng đường sống chung với nhau, đã cùng nhau hoạch định chiến lược làm ăn, đã kề vai sát cánh để vượt qua những khó khăn trong khủng hoảng đó. Nhà tôi cũng theo đạo Phật, tôi luôn tâm niệm “đức nhân thắng số”, cứ làm những việc tốt đẹp, khó khăn sẽ qua.

Nhìn lại biến cố, tôi cũng thấy mình có may mắn về tính thời điểm. Hai khó khăn của tôi đều ở tuổi rất trẻ, khi 28 và 32 thôi. Và nhờ vậy tôi còn nhiều thời gian sửa sai, còn nhiều khao khát, năng lượng và quyết tâm làm lại. Biến cố đến sớm cũng giúp tôi trưởng thành sớm. Bây giờ những việc người ta thấy khó nhưng với tôi lại rất bình thường. Bởi lằn ranh sinh tử của doanh nhân tôi đã 2 lần bước qua.

* Nhắc tới biến cố Sacombank, đến giờ nhiều người vẫn tiếc vì gia đình anh để mất đứa con tinh thần lớn nhất. Trong những chia sẻ gần đây, cha anh thường nói: rất “máu” với ngân hàng và sẽ trở lại. Anh có nghĩ mình sẽ thực hiện nhiệm vụ này không?

– Ngành ngân hàng đã ngấm trong máu của ba tôi rồi. Ông luôn nghĩ tới chuyện trở lại, nhưng thời điểm nào còn tùy vào nhiều yếu tố. Ba tôi cũng lớn tuổi rồi, tôi thì không bao giờ muốn ba tôi thất vọng. Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống quản trị tối ưu để vận hành ngân hàng nhưng không hoạt động thì thực sự rất tiếc. Tôi còn nhiều thời gian, nên trong thâm tâm tôi đã nghĩ mình sẽ quay trở lại nếu thuận lợi. Tuy nhiên mọi chuyện kinh doanh đều phải bắt đầu từ cơ duyên.

* Vốn kín tiếng sau những khó khăn trước đây của tập đoàn, vì sao bây giờ anh “chịu” xuất hiện, tham gia vào “Thương vụ bạc tỷ”? Có phải vì anh muốn tìm kiếm nhân sự giỏi bổ sung cho TTC?

– Lý do đơn giản tôi nghĩ với nền tảng mình có được, tôi có thể chia sẻ ít nhiều cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Tôi cũng từng có những giai đoạn phát triển như họ, cũng từng va vấp để trưởng thành. Ngoài ra, khi tham gia tôi cũng tìm thấy chính mình trong những dự án của các bạn trẻ.

Thật khó để kiếm nhân sự từ các chương trình như thế này, vì những người khởi nghiệp đều có cá tính và mong muốn làm chủ cả về sản phẩm lẫn bản thân mình. Tôi cũng không muốn tìm nhân sự theo kiểu “cứ thử kinh doanh đi, nếu không được thì về tập đoàn của tôi làm”. Bản thân tôi luôn mong muốn dự án của họ thành công, nếu tôi lấy người về thì rõ ràng là họ đã thất bại, điều đó tôi không muốn chút nào. Tôi chỉ làm “cá mập” để chia sẻ và đồng hành chứ không phải sở hữu các startup.

* Lứa 8X đầu đời của anh được coi là một thế hệ khởi đầu cho phong trào khởi nghiệp và rất nhiều người thành công, dù thời đó khái niệm startup còn lạ lẫm. Nếu so với phong trào khởi nghiệp rầm rộ và được đầu tư như hiện nay thì anh thấy mình có bị lép vế không?

– Mỗi thời điểm hình thành một tư duy về thị trường khác nhau. Tuy nhiên, để thành công thì sản phẩm phải đột phá, tác động đến xã hội hay chi phối người tiêu dùng. Thế giới hiện nay có quá nhiều startup một bước lên thành tỷ phú. Nhiều bạn trẻ hay soi chiếu vào đó để liên hệ tới bản thân, và thực hiện rất hồn nhiên. Đang có quá nhiều startup với ý tưởng chưa hoàn chỉnh nhưng mong muốn giá trị nên các dự án khởi nghiệp trở nên mong manh hơn.

Thời của tôi không “liều mạng” như vậy, cũng có thể vì ít có điều kiện tiếp cận với thị trường vốn, công nghệ hay giá trị toàn cầu. Nhưng chúng tôi cân đối giá trị để thực hiện, luôn tỉnh táo để nuôi sống đứa con tinh thần của mình rồi mới hoàn thiện nó. Sự tỉnh táo luôn đem lại giá trị đúng cho người trẻ. Lợi thế của chúng tôi là thị trường còn mới, nhiều tiềm năng, ít có sản phẩm dịch vụ cạnh tranh. Áp lực mở rộng thị trường hay tìm kiếm khách hàng cũng nhẹ nhàng hơn bây giờ. Tuy nhiên, bất lợi của thế hệ chúng tôi là chính sách đang điều chỉnh mạnh, thị trường vốn khó tiếp cận, ứng dụng công nghệ vào điều hành cũng thiệt thòi hơn.

* Bây giờ anh lại đang “khởi nghiệp” với lĩnh vực y tế. Vì sao anh bắt đầu với lĩnh vực được đánh giá là “không dễ ăn” và bản thân cũng chưa có kinh nghiệm?

– Tôi nghĩ đây là một dự án cộng đồng hơn là một dự án khởi nghiệp. Xây dựng và phát triển việc chăm sóc sức khỏe như là việc tích đức và cái duyên, hay sứ mệnh đưa đẩy mình phải làm việc này tôi cũng không biết nữa. Nhưng bây giờ với tôi, cái gì làm vì cộng động, tốt cho xã hội thì tôi không có ngại.

Một lần bà ngoại tôi bệnh và nằm điều trị trong bệnh viện, tôi thấy người dân phải xếp hàng rất nhiều mới đến lượt khám, dù phần lớn người khám chỉ mắc những bệnh thông thường mà phải đến bệnh viện tuyến trên rồi chờ đợi vất vả như vậy. Tôi chợt nghĩ, mình cần đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế phường, xã, để góp phần giảm tải cho bệnh viện lớn và không lãng phí hạ tầng. Mô hình phòng khám liên kết công tư của tôi ra đời như vậy, với mong muốn người dân khám chữa bệnh thuận tiện hơn. Tôi đặt mục tiêu phải bù kinh phí 3-5 năm, để hỗ trợ cộng đồng, thay đổi thói quen của người dân. Mô hình này nếu chạy tốt sẽ lan tỏa tốt, trong dự tính của tôi, năm 2019, số lượng sẽ tăng lên khoảng 10 phòng khám như thế.

* Anh nói mình đi qua khó khăn nhờ văn hóa gia đình. Gia đình nhỏ của anh có phải được xây dựng “nguyên bản” với gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành – Huỳnh Bích Ngọc?

– Đúng như vậy, cả tôi và gia đình em gái tôi không có gì khác gia đình mà ba mẹ tôi tạo dựng. Chúng tôi sống quây quần với ông bà, ba mẹ cùng các em một nhà hết. Có người nói bây giờ chúng tôi lớn rồi, tách ra riêng, nhưng tôi thích sống chung một nhà như vậy. Bởi những thời điểm khó khăn nhất chúng tôi trải qua thì gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất, chia sẻ động viên vượt qua khó khăn.

Điều mà tôi nể trọng, tự hào, chắc là hiếm có trong giới doanh nhân ở Việt Nam, đó là ba đã xây dựng được văn hóa gia đình yêu thương, đoàn kết và hạnh phúc. Gia đình tôi có những hình ảnh sum vầy rất đặc biệt, như cả nhà tắm mưa cùng nhau có ba có mẹ, có anh em tôi và các cháu, vui lắm. Tôi cũng đang giữ gìn truyền thống này cho đời con, cháu chúng tôi nữa. Gia đình tôi có quy định bất thành văn, phải ăn chung bữa sáng, bữa trưa. Ba tôi hay nói: Ba còn về nhà ăn cơm được huống chi các con. Cũng vì vậy mà bạn bè, đối tác, người hiểu tôi không bao giờ rủ tôi ăn trưa, vì biết tôi phải về ăn cơm nhà. Điều đó thành nếp nhà rồi.

* Như vậy, một ngày bình thường của doanh nhân Đặng Hồng Anh như thế nào? Anh có ưu tiên thời gian cho đam mê thể thao của mình?

– Tôi luôn dậy sớm mỗi ngày để có thời gian tập thể thao với ba, ăn sáng và cha con nói chuyện với nhau. Dậy sớm, tôi có thời gian cho người thân và công việc hơn. Sáng nào cũng lịch quen thuộc là 6h bọn trẻ con đi học, khi đó tôi tập thể thao với ba tôi. Chừng sau 7h thì cả nhà ăn sáng, khoảng 8h30 có mặt ở công ty và 11h30 về nhà ăn cơm trưa, nghỉ ngơi. Đến 13h30 lại có mặt ở công ty cho buổi làm việc chiều. Cứ như vậy.

* Đi qua thăng trầm trong sự nghiệp, với anh bây giờ, niềm hạnh phúc lớn nhất là gì?

doanh-nhan-shark-dang-hong-anh-1552-5305

– Điều tôi tự hạnh phúc nhất không phải là sự nghiệp mà có một đại gia đình hạnh phúc. Truyền thống đó cũng là nền tảng giúp tôi có một gia đình nhỏ với vợ và 2 đứa con mà tôi rất tự hào và yêu thương. Làm doanh nhân, có rất nhiều cám dỗ và cạm bẫy của cuộc sống, công việc, nhưng tôi bỏ ngoài hết. Bạn bè nói tôi cân bằng cuộc sống tốt, tôi thì thấy mình làm được nhờ có tình yêu thương của gia đình. Tôi chơi thể thao, tôi làm việc, tôi xử lý hết các mối quan hệ xung quanh một cách logic và không bao giờ đặt những mục tiêu khác ngang với gia đình, cho dù thời gian có hạn.

Ai đó bào chữa rằng doanh nhân phải đánh đổi để có những mục đích của sự nghiệp thì tôi không đồng ý. Tôi chọn hạnh phúc gia đình và không có gì đánh đổi được. Với tôi, gia đình mới là thứ phải hy sinh, đánh đổi những thứ khác để giữ gìn thôi. Tôi khẳng định bạn có bao nhiêu tiền, bạn là ai mà nhìn lại không có người thân bên cạnh thì không là gì hết. Nên đừng đổ thừa công việc, đừng lấy lý do bận rộn, không có lý do nào được tha thứ hết. Dù có làm gì cũng phải dành thời gian vun đắp gia đình, đầu tư, chăm chút cho thế hệ kế thừa. Mọi người xung quanh nói tôi già hơn tuổi vì phải chu toàn nhiều thứ. Không sao cả, tôi thấy hạnh phúc với những tình cảm mình có hiện tại

(Theo Zing – Tựa bài do DNSG Online đặt lại)


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: