Đâu đó trong những con hẻm Sài Gòn vẫn có vài câu chuyện đời thật đẹp, đẹp như cách người đàn ông này nhìn lại cuộc đời qua những bước chân. Cụ già 97 tuổi đi bộ khắp Sài Gòn bán bánh nuôi con tật nguyền Mơ ước giản đơn của cậu bé bán bánh dạo ở Sài Gòn 40 năm có là bao! Hơn nửa tháng nay ở góc đường Hưng Phú (quận 8), có một người đàn ông ngồi bán bánh dừa từ 9,10 giờ sáng đến chiều tối. Trước đó, ông Trần Lợi đã rong ruổi trên khắp các con đường ở quận 8, quận 5 hơn 40 năm. Dường như trong đôi mắt đã mờ đi hay đôi tai không còn nghe rõ giọng nói người đối diện, ông chẳng nhận ra mình đã đi gần một nửa thế kỉ với cái nghề học được từ anh mình, nghề bán bánh dừa. Đồ nghề của chú trừ cái nồi, cái chén hay vài dụng cụ lặt vặt thì tất cả đều đã ngoài hai, ba mươi năm tuổi. “Hồi đó chú bán giò cháo quẩy với bánh tiêu, nhưng cực quá vì cần đến 2, 3 người làm. Sau thì chú đổi bán cái này. Ngày xưa người ta gọi nó là bánh bò nướng chứ không phải bánh dừa như bây giờ” – chú kể về những ngày đầu tiên đi bán của mình. “Bánh này có lâu lắm rồi con à. Anh chú truyền cho cái nghề. Nhưng mình phải học hỏi thêm. Giống như ông thầy dạy võ chỉ cho mình vài chiêu, còn sáng tạo thế nào, ra sao là tùy mình”. Hồi trước bánh dừa của chú có mứt bí nhưng không lời nên chú bỏ. Bây giờ thì ngoài lớp vỏ vàng giòn với dừa, chú còn cho thêm cadé để nhân thêm béo và đậm đà. Chú đi nhiều nơi, từ mấy con đường xung quanh nhà đến cầu Nguyễn Tri Phương, qua luôn Trần Hưng Đạo. Chú Lợi kể: “Hồi mới giải phóng làm gì có cầu như bây giờ, mỗi lần muốn qua quận 5 phải đẩy xe đi mấy vòng, xa lắm. Giờ đỡ nhiều rồi”. 40 năm làm nghề là 40 năm đôi chân người đàn ông ấy lang thang trên khắp ngõ hẻm Sài Gòn. 40 năm đẩy từng vòng xe đi là 40 năm chú bán cho tuổi thơ của nhiều người cái bánh dừa có nhân cadé, cái bánh dừa mà nhiều người đi xa vẫn nhớ về như một khoảng trời kí ức tươi đẹp. “Có mấy người đi nước ngoài về vẫn thường ra ăn bánh của chú. Người ta nói nhớ cái bánh của tuổi thơ”, chú kể bằng giọng đầy tự hào. “Nhìn lên thì không bằng ai chứ nhìn xuống, mình còn hơn nhiều người…” Lời chẳng được bao nhiêu nhưng chú vẫn gắn bó với nghề vì đây là thứ duy nhất nuôi sống cho gia đình. Nhà chú có 3 người con, ngoài hai người đã lập gia đình thì con trai út hiện đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Khi nói về con trai, đôi mắt của người đàn ông ấy ánh lên niềm kiêu hãnh và tự hào của một người cha nhìn con mình đang trưởng thành từng ngày. Chú bảo năm sau nữa em nó ra trường, phần nào gánh vác phụ giúp gia đình. Chỗ chú đứng thường có hai mẹ con bán vé số hay lui tới. Đoạn chú gọi lại rồi đưa cho cô bé hai cái bánh dừa nhỏ. Hồi sau chú kể hai mẹ con tội lắm, không biết cha con nhỏ đâu mà chỉ thấy hai mẹ con đi bán. “Hỏi thì mẹ nó bảo dưới quê. Chậc, nghề của mình kể ra sướng hơn nhiều người. Nhìn lên thì không bằng ai chứ nhìn xuống mình còn hơn nhiều người. Miễn sao ngày nào đi bán có tiền là mừng rồi, có cần gì lớn đâu con…” Đứa trẻ con của chị bán vé số vui mừng với cái bánh tặng từ ông chủ quầy bánh di động hào phóng vừa trao. Niềm vui lan sang tận mẹ nó – người phụ nữ nghèo tảo tần giữa sài Gòn sáng nay. “Chút nữa 1h cô ra phụ cho chú về ăn cơm, chiều chú đẩy ra trường Kim Đồng bán lai rai.” Đó là người vợ mà chú phải cực khổ dành dụm đi bán 3,4 năm trời mới có tiền đám cưới. Bởi như chú nói vợ chồng là do duyên nợ, nếu nó tới thì chạy đâu cũng chẳng khỏi. Giống như ngày trước chú đinh ninh không đời nào lấy vợ gần nhà, nào ngờ vợ chú bây giờ từng là cô hàng xóm của 40 năm về trước. Đôi bàn tay của người nghệ nhân làm bánh. “Già rồi nhưng cũng phải chăm chút bản thân, đầu 3 thứ tóc nhưng phải luôn chỉn chu khi đi bán.” Những dấu chân không mỏi Nhìn xuống cái chân của mình, chú chậm rãi kể về căn bệnh giãn tĩnh mạch. “Chắc hồi đó còn trẻ đi nhiều nên giờ già nó hành lại. Chịu thôi”. Tại nó mà một tháng chú nghỉ mất hai ngày đi khám chứ bình thường chẳng dám nghỉ bao giờ. Bệnh nhẹ cũng ráng mà đi bán. “Nghỉ thì tiền đâu mà sống” – chú nói! Có những thứ dường như con người phải đánh đổi bằng sức khỏe, đó là gia đình. Tất cả những năm tháng tuổi trẻ rong ruổi cùng chiếc xe bánh dừa hay cả khi về già vẫn chưa được ngơi nghỉ cũng là vì gia đình, vì con cái. Dường như động lực thúc đẩy người đàn ông này trong 40 năm qua cũng chỉ nằm vỏn vẹn trong hai tiếng “gia đình”. Mà có lẽ với chú Lợi thì đó là gia sản của cả một đời người. Người đàn ông âm thầm nhìn Sài Gòn trôi bình lặng từ góc đường của riêng mình… Theo saostar