Bên cạnh những dự án đủ điều kiện được “bán nhà trên giấy” được Sở Xây dựng công bố, vẫn còn hàng loạt cái tên chưa đủ điều kiện nhưng vẫn chào mời “đặt cọc giữ chỗ” rình rang ra thị trường… Nhà đất cỡ nhỏ ở Sài Gòn tăng giá hàng trăm triệu đồng Đất phố đi bộ Nguyễn Huệ cao nhất 1,2 tỷ đồng mỗi mét vuông Thừa nước đục thả câu Thị trường địa ốc tại TP.HCM những tháng cuối năm 2016 nhộn nhịp hẳn lên khi hàng loạt chủ đầu tư bước vào cuộc đua giới thiệu dự án mới, từ phân khúc nhà ở giá rẻ đến căn hộ cao cấp. Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố danh sách 60 dự án được phép bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai trên điạ bàn tính đến cuối tháng 11/2016. Đây có thể coi là một kênh để người mua nhà biết được đâu là những dự án có pháp lý rõ ràng. Ngoài 60 dự án được phép mở bán mà Sở Xây dựng công bố chi tiết, vẫn còn hàng loạt cái tên chưa hội đủ điều kiện vẫn ào ạt giới thiệu ra thi trường, với chiêu lách luật quen thuộc của chủ đầu tư là “chỉ nhận đặt cọc giữ chỗ chứ chưa mua bán”. Dự án Opal Riverside của Đất Xanh chưa đủ điều kiện mở bán nhưng hiện đã huy động vốn của khách hàng bằng hình thức đặt cọc giữ chỗ. Như hai dự án “đắt như tôm tươi” của Tập đoàn Đất Xanh là Opal Riverside và Opal Garden ở Q.Thủ Đức. Dù không có trong danh sách 60 dự án Sở Xây dựng công bố nhưng cách đây vài tháng Đất Xanh đã nhận tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng. Một môi giới cho biết, hiện giá mua lại căn hộ tại hai dự án này đã đội lên hàng chục triệu đồng, thậm chí có căn chênh lệch cả trăm triệu đồng. Nhân viên phụ trách truyền thông của Đất Xanh cho biết, Sở Xây dựng TP.HCM vừa kết thúc đợt thanh tra, đồng thời khẳng định công ty vẫn chưa có hoạt động mua bán nào ở hai dự án này. Theo tìm hiểu của PV Infonet, hiện hai dự án Opal Riverside và Opal Garden vẫn đang trong quá trình thi công phần móng. Cũng chưa đủ điều kiện bán, song thông tin hơn 200 căn hộ của dự án khu phức hợp căn hộ Prosper Plaza ở Q.12 được Công ty CP đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam được “giữ chỗ” trong đợt công bố ngày 4/12 thật sự đang tạo ra cơn sốt. Đại diện Đất Xanh Miền Nam cho biết hiện dự án này đang chuẩn bị thi công và công ty chỉ nhận tiền đặt cọc giữ chỗ của mỗi khách hàng là 20 triệu đồng. Rủi ro cho người mua nhà Chuyện chủ đầu tư “lách luật” bằng phương thức chỉ nhận tiền đặt cọc giữ chỗ chứ chưa chính thức mua bán đã tồn tại từ lâu và thực tế cho thấy điều này khiến người mua chịu rủi ro, bởi khi trót xuống tiền thì “cuộc chơi” đã vào tay chủ đầu tư. Trường hợp nhiều khách hàng bị công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (Nam Rạch Chiếc) “giam” tiền đặt cọc giữ chỗ để mua căn hộ dự án Palm City ở Q.2 cách đây chưa lâu là ví dụ. Khách hàng N.V.C (ngụ Q.Bình Thạnh) phản ánh ông đóng 50 triệu đồng cho công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (Nam Rạch Chiếc) để giữ chỗ mua căn hộ ở dự án Palm City và được nhân viên môi giới hứa tới tháng 10/2016 sẽ được chọn căn hộ. Điều kiện nếu khách hàng không mua sẽ được hoàn trả tiền đặt cọc giữ chỗ trong vòng 7 – 10 ngày. Đến lúc đi bóc thăm chọn căn hộ, ông C. được báo căn hộ diện tích nhỏ như dự tính ban đầu ông đặt mua đã “cháy hàng”, chỉ còn những căn diện tích lớn. Thấy không phù hợp với nhu cầu, ông C. đòi lại tiền cọc thì Nam Rạch Chiếc thoái thác lại cho công ty nước ngoài. Sự mập mờ về tính pháp lý ở dự án Palm City khiến khách hàng không biết đơn vị nào mới thật sự là chủ đầu tư dự án. Theo thông tin quảng bá, chủ đầu tư dự án Palm City là công ty Keppel Land (Singapore) và liên minh Tiến Phước – Trần Thái. Tuy nhiên khi nhận đặt cọc giữ chỗ của khách hàng thì Nam Rạch Chiếc lại sắm vai là chủ đầu tư (!?). Theo chuyên gia BĐS Nguyễn Hữu Vinh, thị trường hiện nay có không ít chủ đầu tư “bán lúa non”, tức dự án chưa đủ điều kiện như chưa có ngân hàng bảo lãnh, chưa đóng tiền sử dụng đất hay giấy phép xây dựng nhưng vẫn mở bán, thu tiền trước của khách hàng. Họ “lách” bằng cách không chính thức mở bán mà thông qua những buổi công bố, ra mắt dự án để thu tiền đặt cọc giữ chỗ của khách hàng. Ông Nguyễn Hữu Vinh phân tích, rủi ro cho người mua ở đây đến từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Như chuyện chủ đầu tư cố tình tạo “sốt ảo” để nâng giá bán hay do chi phí đầu tư tăng, biến động thị trường nên chủ đầu tư tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đẩy phần thiệt về phía người mua. Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, theo Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh thì trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó. Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Như vậy, việc huy động vốn dưới dạng “đặt cọc” giữ chỗ từ khách hàng khi chưa đủ điều kiện là không đúng với quy định của pháp luật. “Việc chủ đầu tư giải thích hay viện cớ đây là quan hệ pháp luật dân sự về đặt cọc là chưa đúng, vì rõ ràng chủ đầu tư đang kinh doanh bất động sản nên phải chịu sự điều chỉnh của Luật kinh doanh bất động sản. Theo tôi thì đây là hành vi sai luật chứ không phải lách luật”, Luật sư Chánh nhận định. Luật sư Nguyễn Đức Chánh khuyến cáo người mua nhà nên tìm hiểu thật kỹ tính pháp lý của dự án trước khi nộp tiền dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi nếu gặp phải chủ đầu tư không có uy tín, làm ăn theo kiểu chụp giật, lừa dối khách hàng thì phần thiệt sẽ thuộc về khách hàng. Theo hinfonet.vn