Sài Gòn nở rộ chợ phiên cuối tuần


Phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, chợ phiên cuối tuần Sài Gòn càng nhộn nhịp hơn khi vào mùa mua sắm cuối năm.

Nhà hàng ven sông: Không gian ẩm thực lãng mạn cho người yêu thiên nhiên

Là người xa xứ, sẽ là thiếu sót nếu không một lần ghé ngôi chợ này!

“Có những thứ linh tinh tình cờ thấy rồi thích mà không biết mua ở đâu. Mỗi lần như vậy lại chờ đến cuối tuần đi chợ phiên thì khả năng mua được rất cao”, chị Như Ngọc – nhân viên văn phòng tại quận 4 cho biết khi thường lui tới các phiên chợ cuối tuần.

Cũng là nhân viên văn phòng nhưng chị Minh Nhị tham gia chợ phiên 1Spot tại khu vực giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần (quận 1) với tư cách một tiểu thương. “Tôi là người đi làm nên rất bận rộn các ngày trong tuần, chỉ có cuối tuần mới rảnh để tham gia chợ phiên. Tại đây có một lượng khách sẵn rồi nên vô bán thì tiếp cận dễ dàng. Mình cũng có khách quen online trước nữa, với chợ phiên, mình có thời gian chăm sóc họ. Nó giống như những buổi offline cho cửa hàng online của mình”, chị Nhị cho biết đã tham gia các buổi chợ phiên cuối tuần hơn nửa năm nay.

Hai năm trở lại đây, chợ phiên cuối tuần bắt đầu nở rộ tại TP HCM. Riêng các chợ có tên tuổi và thường xuyên nhóm họp thì cũng khoảng chục chợ, tiêu biểu như: Saigon Urban Flea Market, Hello Weekend Market, Saigon Holiday Market, BUS Station Market, The Box Market, 1Spot, The New District, Chợ SALE, Chợ 3 Tư… Trong số này, có chợ nhóm lại cuối tuần tại một điểm cố định, có chợ di chuyển các nơi khác nhau nhưng nhìn chung, đa số đều chọn thuê không gian trống ngoài trời của các địa điểm như: nhà hát, rạp phim, sân vận động, trung tâm thể thao, trung tâm thương mại… để họp bán. Giá thuê quầy tại mỗi chợ cũng tùy vào độ uy tín và quy mô chợ. Chợ nhỏ như 1Spot thì giá thuê một gian cho 2 ngày cuối tuần chỉ 1,1 triệu đồng. Các chợ quy mô hơn như Chợ 3 Tư, The Box, Saigon Station thì dao động từ 1,6 triệu đến 2,6 triệu đồng cho một gian diện tích trung bình khoảng 2m x 1,5m.

Chợ phiên cuối tuần sôi nổi mọc lên ở nhiều địa điểm tại TP HCM.

Chợ phiên cuối tuần sôi nổi mọc lên ở nhiều địa điểm tại TP HCM.

Bước vào tháng 12, hầu hết các chợ đều hoạt động rất sôi nổi, tập trung vào chủ đề Noel và giảm giá cuối năm. Các ban tổ chức cho biết, lượng khách hàng cũng tăng lên khá so với tháng thường.

“Từ giữa tháng 11 đến nay lượng khách đến bên mình tăng khoảng 30%. Trong lễ hội lớn như Giáng sinh sắp đến thì lượng khách có thể tăng lên gấp đôi”, chị Trần Thị Xuân Trang – Phụ trách truyền thông của Hello Weekend Market nhận định. Lý giải vì sao mô hình chợ phiên ngày càng phát triển tại TP HCM, chị Trang cho rằng, các chợ phiên giờ không đơn thuần là nơi mua sắm mà còn là điểm hẹn vui chơi cuối tuần của một bộ phận giới trẻ.

“Mô hình chợ phiên bây giờ như là một sân chơi luôn rồi. Các bạn trẻ đến không chỉ mua sắm mà còn ăn uống, ngồi nói chuyện với bạn bè, tụ tập chụp hình, check-in… Nhiều bạn cứ tới rồi ở từ sáng tới chiều chơi chứ cũng không nhất thiết mua gì”, chị Trang cho biết thêm.

Tuy nhiên, vì chợ phiên mọc lên ngày càng nhiều nên sự cạnh tranh cũng tăng. Các chợ phải chia nhau một đối tượng khách hàng chung là học sinh, sinh viên và người đi làm trẻ tuổi. Chính vì thế, các chợ phiên tại TP HCM đang cố gắng xây dựng “bản sắc” riêng để tồn tại lâu dài. Ví dụ như The Box chú trọng đến thiết kế không gian, bán hàng độc lạ. 1Spot thì là một dạng thu nhỏ của Sài Gòn Square. Plea Market nhắm đến khách nước ngoài, khách Việt cá tính. Ngoài ra, có chợ thì chuyên dòng đồ thiết kế; có chợ tập trung vào yếu tố giảm giá; có chợ chăm chút không gian chụp hình đẹp, đồ ăn ngon… Ban tổ chức một số chợ tiết lộ, khâu chọn tiểu thương tham gia là quan trọng hàng đầu để cạnh tranh.

“Sản phẩm phải được chọn kỹ từ chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng. Sau khi đạt tiêu chí đề ra thì mới được bán. Bên này không nhận hàng đại trà và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng độc lạ, hand-made thì được ưu tiên hàng đầu để tạo ra sự khác biệt”, chị Trang chia sẻ tiêu chí chọn tiểu thương của Hello Weekend Market.

“Bên mình luôn cố gắng kiểm soát đầu vào để đảm bảo cho chất lượng của chợ nhưng tất nhiên không thể kiểm soát được hoàn toàn. Có những mẫu các gian hàng gửi cho mình xem thì rất đẹp nhưng khi họ bán cũng có khi hơi sến”, chị Dung – phụ trách truyền thông của BUS Station Market chia sẻ.

Trong giới tổ chức chợ phiên ở Sài Gòn, chợ phiên ngày nay phân chia thành 2 loại: chợ phiên cuối tuần cho giới trẻ và chợ phiên giảm giá của các nhãn hàng. Tuy nhiên, học hỏi một số mô hình của Đài Loan và Thái Lan, chợ phiên ở Sài Gòn giờ còn phát triển thêm mô hình chợ phiên họp cả tuần, kéo dài gần cả tháng. Với quy mô 100 gian hàng, BUS Station Market trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) là một ví dụ. “Chúng tôi đang thử nghiệm hoạt động suốt tuần, định hướng thành một địa chỉ mua sắm, giải trí của giới trẻ và khách du lịch đến TP HCM. Chợ của chúng tôi tập trung vào trang trí nhiều hơn. Có chợ thì họ chỉ đơn thuần là cái lều dựng lên rồi treo bảng sale off. Bên đây mình quy hoạch từng khu hẳn hoi như khu thời trang, khu ẩm thực, khu đồ gia đình, boot chụp hình…”, chị Dung cho hay.

Theo vnexpresss


Hãy chia sẻ cho bạn bè qua: